Phát huy vai trò ‘tai, mắt' của nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc
(Baonghean.vn) - Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào 'Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc' trong tình hình mới", Nghệ An đã quan tâm xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
Người dân là chủ thể
Phường Nghi Thu là địa bàn trung tâm du lịch của thị xã Cửa Lò, với dân số 1.407 hộ, 5.632 nhân khẩu. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và Nhân dân phường luôn xác định đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải hành động đồng bộ, tích cực và trách nhiệm.
Đến nay, toàn phường đã triển khai 13 mô hình tự quản về an ninh, trật tự, nổi bật là các mô hình “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”, “Phường sạch về ma túy”, “Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng”.
Ông Cao Anh Hùng - Chủ tịch UBND phường Nghi Thu cho biết: Thông qua các mô hình tự quản về ANTT đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Nhờ vậy, trên địa bàn phường hiện không có tụ điểm phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy. 8 tháng đầu năm 2023, tội phạm giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Phường Nghi Thu cũng trở thành 1 trong 6 địa phương trong tỉnh vinh dự được chọn tổ chức điểm Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Nói về vai trò của người dân trong đảm bảo an ninh, trật tự, ông Phùng Minh Sỹ ở khối 1, phường Nghi Thu bày tỏ “Một khi phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lan tỏa rộng khắp thì không có kẻ thù nào có thể xâm nhập được và cũng không có hành vi phạm tội hay vi phạm pháp luật nào không bị phát hiện, xử lý”.
Không riêng phường Nghi Thu, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đã và đang được quan tâm đẩy mạnh trên toàn thị xã Cửa Lò, với 45 mô hình hoạt động hiệu quả. Năm 2023, thị xã Cửa Lò được Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An lựa chọn là địa phương cấp huyện đầu tiên xây dựng điển hình về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", Công an phường điển hình kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị.
Xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cũng là địa phương được chọn để xây dựng xã điển hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Nhiều mô hình bảo đảm ANTT được địa phương này duy trì hiệu quả, trong đó, lấy người dân là chủ thể thực hiện như: Mô hình "Cựu chiến binh với công tác đảm bảo ANTT"; mô hình "Tổ phòng cháy, chữa cháy tự quản"; Câu lạc bộ phụ nữ với "5 không, 3 sạch"… Công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân cũng được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai với nhiều hình thức, cách làm phong phú, đa dạng. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã Sơn Thành không để xảy ra trọng án, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác tiếp tục được kìm chế, giảm dần qua các năm. Nhờ vậy, xã Sơn Thành đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Làng Phan, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên không chỉ là mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao mà còn là điển hình về an ninh, trật tự. Ông Hồ Văn Thân - Bí thư Chi bộ làng Phan cho biết: Cụm dân cư làng Phan được sáp nhập từ xóm 8 và xóm 9 cũ, nằm ở phía Đông Bắc cuối trung tâm xã, có đường liên hương chạy qua, giao thông thuận lợi, với diện tích tự nhiên 130 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 70 ha, có 258 hộ, 1.098 nhân khẩu. Xác định phải làm tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự làm tiền đề vững chắc xây dựng nông thôn mới, chi bộ đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" theo phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, trong đó, nhân dân là chủ thể thực hiện. Nhiều mô hình đã được xây dựng như “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Làng quê an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em”. Đặc biệt, mô hình “Tiếng kẻng bình yên” được duy trì hiệu quả.
Theo đó, sau 22h đêm, khi tiếng kẻng bình yên ở nhà văn hóa cộng đồng vang lên, các hoạt động gây ồn ào chấm dứt, người dân không đi lại lộn xộn nếu không có việc cần thiết. Bên cạnh đó, làng Phan còn thành lập 8 tổ tự quản phụ trách các cụm dân cư và tổ hòa giải cơ sở gồm 10 thành viên hoạt động tích cực. Mọi mâu thuẫn, tranh chấp đều được hóa giải ngay từ lúc mới manh nha để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Điều đặc biệt, dù có nhiều gia trại, trang trại nhưng tài sản của người dân gần như không cần phải trông coi, bảo quản, trên địa bàn không có người nghiện ma túy, không xảy ra trộm cắp tài sản, không có người dân vi phạm pháp luật hình sự. Chính bởi vậy, mô hình đảm bảo ANTT ở làng Phan đã được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao khi về thăm.
Nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu
Nghệ An hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về các mô hình, điển hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" với 119 mô hình, trong đó, có 13 mô hình được Bộ Công an biểu dương, nhân rộng toàn quốc. Nổi bật là mô hình “Xã sạch về ma túy” tại 158 xã, phường, thị trấn; 98 điểm “Khối, xóm, thôn, bản sạch về ma túy”; mô hình “Dân vận khéo” trong công tác đảm bảo ANTT vùng đồng bào có đạo ở huyện Hưng Nguyên; mô hình “Dòng họ tiêu biểu, tự quản về an ninh, trật tự” ở huyện Quỳnh Lưu...
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, như: Hội Phụ nữ với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Xung kích tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, "Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp" và mô hình “Bạn giúp bạn”; Hội Người cao tuổi với cuộc vận động “Tuổi cao gương sáng”; Liên đoàn Lao động tỉnh với mô hình “Tổ công nhân tự quản”, “Nói không với ma túy, tệ nạn xã hội”... Qua đó, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Giai đoạn 2013-2023, thông qua phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nhân dân đã cung cấp 6.292 tin báo tố giác tội phạm, giúp cơ quan chức năng điều tra làm rõ 2.020 vụ tội phạm hình sự, 1.940 vụ ma túy; bắt giữ và vận động đầu thú hơn 500 đối tượng truy nã; phát hiện, thu giữ và vận động quần chúng giao nộp 100 súng quân dụng, 1.450 súng tự chế, 204 khẩu súng săn, 88 lựu đạn, 704 viên đạn, 26 quả bom bi, 30 quả mìn, gần 183 kg thuốc nổ, 4.003 kíp nổ, 1.876m dây cháy chậm, 1.792 kích điện, 1.916 dao, kiếm, 354 côn, 3.700 đồ chơi nguy hiểm; cảm hóa được 2.178 người lầm lỗi tiến bộ, 970 người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng...
Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự của cả nước, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào vì an ninh Tổ quốc giai đoạn 2013-2023, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội nhân rộng các mô hình, phong trào có hiệu quả; tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, tại Ngày hội "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" năm 2023 được tổ chức “điểm” tại phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò), Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý một lần nữa khẳng định: Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn luôn được tỉnh xác định rất quan trọng, trong đó, việc xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" là nhiệm vụ thường xuyên, then chốt, nền tảng được quan tâm đẩy mạnh. Đồng thời nhấn mạnh “Phong trào có thắng lợi hay không phải dựa vào nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm; nhân dân là tai, là mắt, là lực lượng tham gia, lực lượng giám sát, là mục tiêu phục vụ cuối cùng của phong trào”.