Đối đầu Thái Lan, bóng đá Việt 'vỡ' ra điều gì?

Châu Phú 27/12/2021 10:17

(Baonghean.vn) - Khi và chỉ khi đối đầu với ĐT Thái Lan, chúng ta mới biết rõ mạnh, yếu của mỗi đội, mới vỡ ra nhiều điều và những việc buộc phải rút kinh nghiệm, phải làm sau đó.

Bóng đá Việt hậu AFF Cup 2021 (đúng ra là 2020, chậm do Covid -19), ở tầm mức khu vực, nếu nói về những trận đấu gặp ĐT Indonesia (0-0) hay ĐT Malaysia (3-0) vừa qua sẽ không có đủ cái nhìn khách quan vì đối thủ vừa yếu một cách kỳ lạ như Malaysia, vừa “yếm thế” chịu trận như Indonesia.

Chắc chắn, khi và chỉ khi đối đầu với ĐT Thái Lan, chúng ta mới biết rõ mạnh, yếu của mỗi đội, mới vỡ ra nhiều điều và những việc buộc phải rút kinh nghiệm, phải làm sau đó.

Cũng xin nói ngay, với thể thức lượt đi, lượt về thì cách ứng xử hoàn toàn không giống nhau và thông thường trận lượt đi sẽ quyết định cho cách ứng xử, thái độ tiếp cận đó. Ở trận lượt đi, ông Park Hang-seo bố trí đội hình ra quân gồm 6/11 người là cầu thủ HAGL, những người có xu hướng chơi áp đặt, tấn công và đương nhiên, không quen… phòng ngự? Và toàn đội cứ xông lên ào ạt để rồi chỉ một tình huống phản công mẫu mực, ĐT Việt Nam không thua người Thái trong 4 năm qua, không thua bất cứ đối thủ khu vực nào trong 34 trận đã đấu, đã bị thủng lưới tức tưởi.

Hoàng Đức tiếc nuối khi Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể chuyển hóa thành bàn thắng. Ảnh: Internet
Tấn Tài tiếc nuối khi Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể chuyển hóa thành bàn thắng. Ảnh: Internet

Sau đó là bàn thắng thứ 2 của người Thái, bằng một pha tấn công trung lộ, bật nhả qua 3 cầu thủ để rồi Chanathip đặt lòng gọn ghẽ vào lưới Nguyên Mạnh trước sự bất lực của toàn bộ hàng thủ nức tiếng của ĐT Việt Nam. Kể từ lúc đó, người Thái toàn quyền ứng xử với tất cả thời gian còn lại của trận lượt đi lẫn lượt về, buộc chúng ta phải chịu sự “điều hành” trên sân của đối thủ.

Đó là lúc người Thái chủ động chơi phòng ngự, phá lối chơi, chia cắt các mối liên hệ của đối thủ để làm gián đoạn trận đấu, khiến cho ĐT Việt Nam lâm vào thế bị động, sốt ruột, phá sản mọi toan tính. Đáng tiếc là không chỉ trò mà cả thầy cũng tỏ ra bối rối, “loạn đao” khiến cho mọi việc không thể ra ngoài tầm kiểm soát cao tay của người Thái.

Trận bán kết lượt đi, ông Park giao 2 “điểm nóng” quan trọng nhất là đôi cánh (Hồng Duy - Văn Thanh) và cặp tấn công (Văn Toàn - Công Phượng) và kết quả hoạt động lên công - về thủ hay làm tường - phối hợp - dứt điểm của ĐT Việt Nam như thế nào, mọi người đã rõ? Sang hiệp 2, khi đối thủ nhường sân, khi ông Park buộc phải thay đổi cả cặp tấn công (Tiến Linh vào sân, nhất là khi Công Phượng ra, Đức Chinh vào), thay nốt Văn Thanh, rõ ràng thế trận của ĐT Việt Nam sáng sủa hơn rất nhiều? Tương tự là hiệp 1 trận lượt về, khi trên hàng công là Tiến Linh - Đức Chinh, đôi cánh có Tấn Tài vào từ đầu, ĐT Việt Nam đã chơi một trận không thể tốt hơn, trừ việc không ghi được bàn thắng. Tất nhiên, đáng tiếc ở chỗ phong độ tốt nhất của Tiến Linh đã “rơi” mất sau khi đá tuyệt hay ở Vòng loại thứ 2 và thứ 3 World Cup khiến cho mọi việc cứ thế vuột đi trong vô vàn tiếc nuối.

Và hiệp 2 của lượt về lại diễn ra gần giống với hiệp 1 lượt đi khi ông Park lại giao Công Phượng - Văn Toàn chơi cao nhất, để rồi họ dường như “bất tuân” chiến thuật vạch ra là chơi bám biên, cứ thế bó vào trong, gần cầu môn đối phương và thất bại thảm hại trước 3 trung vệ trên cơ của người Thái. Cùng với việc Tuấn Anh vào sân 13 phút bị thay ra, với việc đưa Thành Chung lên cao, đưa Văn Xuân, Xuân Mạnh vào sân 10 phút cuối trận, không ai hiểu ông Park đã rối trí như thế nào, bất lực và vô vọng ra sao trước đối thủ càng chơi càng tỉnh đòn và sáng nước?

Để chống đỡ những đường lên bóng của Việt Nam, hậu vệ Thái Lan đã không ngần ngại gây ra nhiều pha phạm lỗi. Ảnh: Internet
Để chống đỡ những đường lên bóng của Việt Nam, hậu vệ Thái Lan đã không ngần ngại gây ra nhiều pha phạm lỗi. Ảnh: Internet

Cũng là để thấy ôngPark Hang-seo đã hiệu quả đến đâu khi liên tục tráo bài và chất lượng quân bài ông có, do ông chọn và tin tưởng hiện đã và đang đạt chất lượng ở mức nào khi đối đầu với Thái Lan, đối thủ số 1 trong khu vực? Chưa kể việc lâu nay sở trường phòng ngự - phản công luôn là môi trường quen thuộc, nay buộc phải chơi tấn công, áp đặt thì thầy trò ông Park bỡ ngỡ, bối rối đến mức tấn công thì tù túng mà phòng ngự thì sơ hở như những gì đã thấy trước người Thái “hay mọi nhẽ” dù mấy năm gần đây họ luôn đứng sau trên bảng xếp hạng?

Và hơn ai hết, chính ông Park Hang-seo nên đọc và nghiền ngẫm các con số thống kê về những cầu thủ lên tuyển, thành tích cụ thể của họ (chẳng hạn có ngôi sao truyền thông suốt nhiều năm nay mang danh tiền đạo nhưng không ghi nổi 1 bàn cho tuyển?)… để quyết định tiếp tục gọi hay dừng khi triệu tập đợt tới đây, thay vì câu chuyện “hợp với lối chơi” hay những lý lẽ vô nghĩa nào đó, mà nếu cứ soi trong 2 trận gặp người Thái là thấy rõ như ban ngày?

Có những thành tích hay danh tiếng trong quá khứ đã trôi đi, trôi qua rồi, nếu tiếp tục trao gửi niềm tin là gặp ngay thất bại, như một tất yếu khách quan? Trong khi bóng đá Việt, dù không nhiều nhưng không thể nói là thiếu những nhân tố mới, tiềm năng sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ cho cả SEA Games và AFF Cup 2022?

Mới nhất
x
Đối đầu Thái Lan, bóng đá Việt 'vỡ' ra điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO