'Đòn bẩy' để phát triển làng nghề
(Baonghean) - Nghị quyết 06- NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, TTCN và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển nghề, góp phần tạo cho nông thôn Nghệ An một diện mạo mới…
Sôi động các làng nghề
Chúng tôi tìm về xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu nơi có 2 làng nghề mộc nổi tiếng: Thuận Giang và Nam Thắng. Mới đến đầu làng đã nghe tiếng đục đẽo, cưa xẻ gỗ nhộn nhịp. Những người thợ với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo chạm trổ, chế tác sản phẩm gỗ tinh xảo mà không máy móc nào thay thế được. Cả 2 làng có khoảng hơn 770 lao động theo nghề này.
Các sản phẩm đồ gỗ dân dụng của Quỳnh Hưng không những xuất bán trong tỉnh mà đã thâm nhập thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh phía Nam. Làng nghề đã tạo việc làm ổn định, thu nhập bình quân đầu người của xã thuộc tốp đầu trong huyện. Các hộ tham gia làm nghề tích cực tham gia các phong trào của địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Ngọc Khoa - làng mộc Nam Thắng (xã Quỳnh Hưng) cho biết: “Nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực quan tâm chỉ đạo xây dựng làng nghề, cùng với những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể như phối hợp với các ngân hàng cho các hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất vay vốn ưu đãi. Từ đó, tạo động lực thôi thúc những người làm nghề như chúng tôi trăn trở, gắn kết với nhau xây dựng làng nghề ngày càng phát triển”.
Làng nghề mộc Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu). |
Định hướng phát triển làng nghề theo hướng bền vững là một trong những hướng đi trong lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương. Định hướng đó đã được cụ thể hóa bằng Đề án “Nâng cao chất lượng làng nghề xã Quỳnh Hưng giai đoạn 2015 - 2020” và các nghị quyết nâng cao chất lượng phát triển làng nghề, trong đó luôn xác định phát triển ngành nghề và làng nghề mộc mỹ nghệ là một trong những chương trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của xã. “Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, thời gian qua, Quỳnh Hưng đã ưu tiên lập quy hoạch cụm làng nghề tập trung với tổng diện tích 8,96 ha.
Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng, cải tạo nâng cấp các tuyến đường để tạo điều kiện thuận lợi giao lưu giữa các vùng, các xã góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề. Hàng năm, xã đều tổ chức tập huấn, truyền nghề và phát triển nghề”- đồng chí Nguyễn Xuân Niên - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hưng cho hay.
Không ồn ào như làng nghề mộc, về làng Hậu Hòa, xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) những ngày cuối tháng 11, vẫn cảm nhận được không khí bận rộn làm nghề. Từ một xóm thuần nông, nhờ nghề bún, bánh, làng Hậu Hòa đã thay da đổi thịt, trong tổng số 106 hộ thì đã có 70 hộ làm bún, bánh; người dân có việc làm nên đời sống ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực...
Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Toàn - chủ cơ sở sản xuất bún, bánh xóm Hậu Hòa (xã Nghi Hoa) chia sẻ: “Từ khi có Nghị quyết về phát triển làng nghề của tỉnh, làng bún Hậu Hòa được quan tâm xây dựng và công nhận làng nghề. Nhờ đó, công việc làm ăn của bà con thuận lợi hơn, bún Hậu Hòa không chỉ bán ở Nghi Lộc mà đã mở rộng nhiều huyện trong tỉnh. Đời sống của người dân ngày một nâng cao”.
Làng nghề bánh đa xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Ảnh tư liệu |
Thực tế cho thấy, làng nghề có vai trò hết sức quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững. Sự phát triển của làng nghề và làng có nghề đã tạo cho nông thôn Nghệ An một diện mạo mới. Điển hình như làng ngói Cừa ở Tân Kỳ, làng mộc ở Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), nghề đóng tàu thuyền Nghi Thiết (Nghi Lộc), Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), nghề chế biến nước mắm Cửa Hội, Vạn Phần (Diễn Châu), làng chế biến hải sản Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu), làng hoa Nghi Ân, Nghi Liên (TP. Vinh)… Điều đó cho thấy hiệu quả từ Nghị quyết 06 về phát triển công nghiệp, TTCN và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011 - 2020 của BCH Đảng bộ tỉnh.
Đến năm 2016, Nghệ An có 139 làng nghề, có trên 300 làng có nghề, tạo việc làm thường xuyên cho trên 30.000 lao động. Thu nhập bình quân đạt 35,5 triệu đồng/người/năm. Tổng giá trị sản xuất từ nghề của làng đạt 1.997.232 triệu đồng (chiếm 65,7%); Giá trị thu nhập từ đạt 704.712 triệu đồng (chiếm 54,2%). |
Phát triển theo hướng bền vững
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra. Thực trạng chung hiện nay là các làng nghề ở tỉnh ta đang phát triển theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, thiếu sự liên kết, sản xuất manh mún, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu nhãn mác và thị trường tiêu thụ thiếu bền vững, nhiều làng nghề hình thành theo xu hướng của thị trường nên gặp nhiều khó khăn và phải ngừng hoạt động...
Bên cạnh đó, các làng nghề hầu hết phát triển tự phát, nằm xen lẫn trong các khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Thực tế đó đòi hỏi phải có các giải pháp để phát triển làng nghề bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Sản xuất kẹo lạc tại Làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương. |
Là địa phương có số lượng làng nghề lớn, xác định phát triển làng nghề là một trong những giải pháp nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Nghệ An, Quỳnh Lưu đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU của Huyện ủy Quỳnh Lưu về "Phát triển CN-TTCN và xây dựng làng nghề". Nghị quyết đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng phát triển TTCN và làng nghề trong toàn huyện.
Đến nay, đã có 29 làng nghề được tỉnh công nhận, 10 làng có nghề được huyện công nhận. Tuy nhiên, các làng nghề ở Quỳnh Lưu sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết, sản phẩm của các làng nghề có gắn nhãn hiệu hàng hóa còn quá khiêm tốn, sản phẩm của huyện Quỳnh Lưu chưa tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng.
Đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Một trong những nhiệm vụ đang được các cấp ủy Đảng ở huyện Quỳnh Lưu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vào cuộc sống. Đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Quỳnh Lưu. Đồng thời huyện đã ban hành một số cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến sử dụng thương hiệu; xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý chất lượng”.
Để các làng nghề có chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu thì vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để. Có như vậy, người dân làng nghề mới có cuộc sống ấm no, bền vững nhờ nghề truyền thống. Đồng thời có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững.
Trao đổi về giải pháp để phát triển làng nghề, đồng chí Phan Sỹ Dương - Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc cho biết: “Thành công của Nghi Lộc trong chỉ đạo phát triển làng nghề TTCN qua đó tạo việc làm cho bà con là một gợi mở cho hướng đi của huyện. Thời gian tới, trên cơ sở rà soát và xây dựng Đề án phát triển cho giai đoạn tiếp theo, huyện đã có đánh giá và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề trọng điểm. Bên cạnh đó, những ngành nghề mới phù hợp được người dân chấp nhận sẽ tiếp tục được huyện xem xét hỗ trợ để tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân”.
Sản phẩm chổi đót của làng nghề Hòa Hội, xã Nghĩa Hội. |
Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Liên minh HTX sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện bổ sung quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020, tập trung đào tạo tay nghề cho người lao động để nâng cao kỹ năng trong sản xuất nghề; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho làng nghề phát triển như tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ để đưa các làng nghề ra sản xuất tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ cơ chế chính sách đào tạo, chính sách xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề. Vận động thành lập các hợp tác xã làng nghề để làm “bà đỡ” cho làng nghề phát triển”./.
Thanh Lê
TIN LIÊN QUAN |
---|