V. League và cuộc đua quyết liệt ngoài sân cỏ

Hoa Bùi 08/12/2022 19:30

(Baonghean.vn) - V.League những mùa gần đây đang có sự chuyển động đáng chú ý với sự xuất hiện của những “đại gia bóng đá mới” như Hải Phòng, Bình Định và mới nhất là Nam Định, cùng với sự giải thể cũng rất đáng quan tâm của Quảng Ninh, có thể cả Sài Gòn FC hoặc Cần Thơ ở giải hạng Nhất

Đáng mừng là sau khi được đầu tư nâng cấp về mọi mặt, các đội “ngựa ô” như Hải Phòng, Bình Định đã về đích V.League 2022 với thành tích không thể tuyệt vời hơn: Chỉ xếp sau ngôi vô địch Hà Nội FC. Hải Phòng về nhì với việc mời được thầy giỏi là ông Chu Đình Nghiêm, cộng với loạt cầu thủ giỏi như Hải Huy, mượn được Ngọc Quang, Văn Tới… để tạo ra bộ khung vững chãi, thi đấu ổn định suốt cả mùa giải. Trong khi đó, Bình Định chỉ về thứ 3 do đầu mùa các nhân tố nổi trội chưa thực sự ăn khớp nhau nhưng càng về cuối họ thi đấu càng hay và là đối thủ khó chơi vào loại bậc nhất ở V.League.

Topenla Bình Định. Ảnh: danviet.vn

Nhưng mùa tới, V.League 2023 với sự chuyển động rất đáng nói hiện nay, liệu 3 đội có giữ được vị thế khi có một đại gia mới nổi khác là Nam Định đang mua sắm hàng loạt cầu thủ giỏi về sân Thiên Trường? Hải Phòng sẽ không còn Ngọc Quang, không còn Rimario, không còn Văn Tới…, liệu có đủ sức để mượn thêm các trụ cột nào khi lò đào tạo trẻ ở đây gần như im tiếng lâu nay? Sẽ là thách thức cho đội bóng thành phố hoa phượng đỏ sau một mùa bóng thăng hoa dù họ vẫn tái ký hợp đồng với ông Chu Đình Nghiêm, huấn luyện viên xuất sắc nhất mùa này?

Trong khi đó, Bình Định có vẻ không muốn cam chịu vị trí thứ 3 khi bổ sung bộ đôi ngoại binh từ Hải Phòng Rimario-Moses, chưa kể một số nhân tố khác chuyển đến từ Sài Gòn FC sau giải thể. Đáng nói hơn là Nam Định với sự thách thức lớn nhất với các đội bóng hàng đầu khi bổ sung Nguyên Mạnh, Khắc Ngọc, Hữu Tuấn, Văn Thanh, Hồng Duy… Rất có thể Nam Định sẽ “chiếm chỗ” của Hải Phòng ở mùa bóng tới nếu Vũ Hồng Việt chứng minh mình “mát tay” không kém Chu Đình Nghiêm trên băng huấn luyện? Nam Định vốn có truyền thống đào tạo trẻ. Nhưng khi họ làm trẻ tốt thì đội 1 lại rất yếu, yếu hơn nhiều so với Sông Lam Nghệ An. Nay có như họ đang đi ngược với chính mình để sớm có thành công là đầu tư mua sắm ồ ạt mà không mong chờ gì ở nguồn lực trẻ tại chỗ? Đội bóng mới lên hạng Công an Hà Nội cũng cho thấy tham vọng không nhỏ khi đưa về ban huấn luyện ngoại và một số ngôi sao…

SLNA gặp Hà Nội FC trên sân Vinh. Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Những đội bóng nổi đình đám nói trên, lạ thay đều không phải là những trung tâm đào tạo trẻ có chiều sâu, bề rộng như Sông Lam Nghệ An hay Hà Nội FC. Việc họ thi đấu tốt trong một vài mùa giải thực ra chưa chứng minh được gì nhiều về con đường phát triển bóng đá đỉnh cao của các địa phương này, như Hải Phòng chẳng hạn. Hãy chờ mùa giải 2023 để biết đội bóng chủ sân Lạch Tray sẽ tiếp tục “chịu được nhiệt” đến bao giờ? Kể cả Bình Định hiện tại với lực lượng vô cùng hùng hậu thì cũng chưa chứng minh được nguồn lực dồi dào đến từ mua sắm ồ ạt mà không phải do đào tạo căn cơ, bài bản. Mừng thì thật mừng khi có một đội bóng được đầu tư mạnh để đạt tham vọng lớn, có “đất diễn” cho các cầu thủ giỏi thi triển tài năng, để họ được trả công xứng với công sức bỏ ra. Nhưng nỗi lo sẽ lớn hơn, dài hơn khi đội bóng không có “gốc” nội tại, không được chăm chút từ gốc, mà chỉ là thành tích tạm thời, không bền vững.

Trong bối cảnh đó, những đội bóng có truyền thống đào tạo trẻ như Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai hiện đang gặp khó do đội 1 thi đấu không tốt như mong đợi và quá trình “chảy máu tài năng” chưa được ngăn chặn kịp thời. Hiện rất khó để hy vọng những đội bóng này đạt tới tốp đầu V.League khi họ không đủ tài, lực để thi thố với những đội bóng nhà giàu nói trên. Vấn đề là họ phải tiếp tục duy trì đà thăng tiến của công tác đào tạo trẻ với phương tiện, nhân lực mới mẻ, hiện đại nhằm bổ sung các nhân tố trẻ cho đội 1 thông qua thi đấu, cọ xát đỉnh cao, đồng thời phải giữ chân được một số nhân tố trụ cột, xuất sắc nhằm phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và tiến tới lâu dài.

Không phải một đội bóng bỏ nhiều tiền là có ngay chức vô địch và cũng không cứ một đội trẻ tiềm năng hôm nay là cơ sở cho chức vô địch mùa kia, mùa sau. Lứa U19 của Hoàng Anh Gia Lai, hay vô số tấm huy chương vàng các đội U của Sông Lam Nghệ An không hề dẫn tới một ngôi vô địch, thậm chí trong top 3 của các đội bóng này ở V.League nhiều năm nay. Để thấy làm bóng đá chuyên nghiệp khó gấp nhiều lần làm bóng đá phong trào. Cũng để thấy, đi được con đường đến ngôi số 1, giữ được ngôi số 1 như Hà Nội FC hiện là duy nhất, là hiếm thấy, dù Viettel xưa nay cũng là một thế lực rất đáng gờm.

Tóm lại, những chuyển động nói trên hay thực ra là cuộc đua quyết liệt ngoài sân cỏ trước mùa giải mới vừa đem lại niềm vui nhưng cũng hé lộ không ít nỗi lo. Nhưng chắc chắn, bóng đá sẽ tiếp tục thu hút khán giả tới sân để chứng kiến những màn so tài đỉnh cao, những ngôi sao tỏa sáng ở các đội bóng mới. Vì thế, bản đồ bóng đá Việt sẽ thay đổi theo hướng chuyên nghiệp, đáng xem hơn, đáng hy vọng hơn chăng?

Mới nhất

x
V. League và cuộc đua quyết liệt ngoài sân cỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO