Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam: Luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương

17/02/2017 08:07

(Baonghean) - “Chúng tôi nhận được sự đồng hành tích cực của lãnh đạo và nhân dân Nghệ An” - đó là ý kiến của ông Đinh Quốc Quyền, Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Sông Lam khi đánh giá về sự vào cuộc của tỉnh Nghệ An trong tạo điều kiện cho công ty xây dựng, vận hành các công trình...

Ông Đinh Quốc Quyền - Tổng giám đốc Cty CP xi măng Sông Lam. Ảnh Nguyên Sơn
Ông Đinh Quốc Quyền - Tổng giám đốc Cty CP xi măng Sông Lam. Ảnh Nguyên Sơn

Từ tháng 11/2016, Nhà máy Xi măng Sông Lam ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương chính thức đi vào ổn định sản xuất với sản lượng gần 13.000 tấn clinker/ngày.

Kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Xi măng The Vissai trong huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác dự án; đồng thời ghi nhận sự đồng hành tích cực của các cấp, ngành, địa phương tỉnh Nghệ An cùng với Tập đoàn trong mọi công đoạn.

Thể hiện rõ nhất là tỉnh đã đôn đốc các ngành và huyện Đô Lương vào cuộc rất quyết liệt để giải phóng mặt bằng, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, hoàn tất các thủ tục... và đảm bảo an ninh trật tự để Tập đoàn xây dựng và lắp đặt Nhà máy Xi măng Sông Lam.

Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam là một công trình đồ sộ với nhiều hạng mục được thi công tốc lực trong vòng 15 tháng đã cho ra lò những sản phẩm đầu tiên đạt chất lượng quốc tế.

Trở về với thời gian khi Tập đoàn Xi măng The Vissai tiếp cận dự án này, cả vùng đất chưa bằng phẳng, công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành. Nhưng với quyết tâm cao, ngay sau lễ khởi công vào tháng 2/2015, Tập đoàn Xi măng The Vissai đã tập trung mọi nguồn lực, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan khu vực điều hành nhà máy xi  măng.
Lãnh đạo tỉnh thăm quan khu vực điều hành nhà máy xi măng. Ảnh Nguyên Sơn

Để huy động nguồn vốn và nhập khẩu thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy, bên cạnh các đơn vị tín dụng trong nước, Tập đoàn Xi măng The Vissai còn ký kết với các đối tác Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản… qua đó, đảm bảo nguồn tài chính kịp thời và hơn 50.000 tấn thiết bị của nhà máy nhập khẩu đúng thời hạn. Đến tháng 7/2015, công tác xây dựng, lắp đặt bắt đầu được triển khai, đến khi nhà máy đi vào hoạt động chỉ 15 tháng thi công. Quá trình đó, theo yêu cầu của chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã bố trí nhân lực thi công 24/24h, tạo thành công trường sôi động.

Với một công trình tăng tốc như vậy, cho dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng trong quá trình thi công, không thể tránh khỏi những tiếng ồn của máy móc hay những bụi bặm của san lấp, xây dựng… và một số người dân quanh vùng cũng có ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm phát triển nhà máy song hành với cuộc sống của người dân quanh vùng nên ngay lập tức bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn cao nhất, đồng thời gặp gỡ, trao đổi với nhân dân để mỗi người dân quanh vùng hiểu rõ hơn những chuyển động của công nghiệp nặng.

Quá trình đó, chúng tôi thấy các ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện Đô Lương, xã Bài Sơn đã vào cuộc tích cực trong công tác vận động, giải thích thuyết phục người dân hiểu và đồng hành cùng nhà máy. Đặc biệt, phần lớn người dân quanh vùng đã thấu hiểu, chia sẻ và rất nhiều gia đình còn có con em vào lao động trên công trường, làm việc trong nhà máy. Điều đó càng minh chứng cho sự kết hợp hài hòa trong phát triển nhà máy, giải quyết việc làm, tạo sản phẩm xi măng phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng các công trình dân sinh.

Toàn cảnh Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Phan Minh
Toàn cảnh Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Phan Minh

Quá trình đầu tư các công trình nói chung và riêng Nhà máy Xi măng Sông Lam, ông Hoàng Mạnh Trường - Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai luôn thể hiện quan điểm chỉ đạo: Nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình để sớm thu hồi vốn, quay vòng tái đầu tư. Bởi vậy, Tập đoàn đã huy động gần 13.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xi măng ở xã Bài Sơn (Đô Lương), công suất 4 triệu tấn/năm; đồng thời đầu tư xây Trạm nghiền xi măng và Cảng quốc tế tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) để tàu trọng tải 70 ngàn tấn vào bốc xếp hàng hóa clinker, xi măng đến các vùng miền cả nước và xuất khẩu.

Theo tiến độ, cuối quý I năm nay, các công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động, tạo nên sự kết nối chặt chẽ trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với việc tăng tốc của Tập đoàn trong hoàn thiện các công trình, chúng tôi thấy tỉnh Nghệ An gấp rút thi công tuyến đường N5, D4 phục vụ doanh nghiệp và nhân dân 2 bên tuyến. Xuyên suốt quá trình hoạt động của Công ty CP Xi măng Sông Lam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các huyện Đô Lương, Nghi Lộc thường xuyên kiểm tra thực tế, đôn đốc chỉ đạo giải quyết rốt ráo các tồn tại, vướng mắc. Đó là sự đồng hành rất lớn để chúng tôi tiếp tục hành trình phát triển hàng chục năm trên đất Nghệ An.

Một góc Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyên Sơn
Một góc Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: Nguyên Sơn

Chặng đường đi tiếp của công ty còn nhiều công việc rất cần sự tiếp nối đó của lãnh đạo tỉnh, các ngành, huyện và nhân dân trong vùng. Đó là những vấn đề cần đồng hành tích cực để tháo gỡ khó khăn, phối hợp tốt hơn nữa với chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục khai thác khoáng sản, giải phóng mặt bằng các mỏ đá vôi, đá sét và phụ gia đáp ứng yêu cầu của nhà máy. Cùng đó, kịp thời giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục công trình phụ trợ của nhà máy; sớm thông tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận chuyển sản phẩm clinker, xi măng...

Đến nay, Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi đang chuẩn bị khởi công dự án, bởi vậy, mong muốn UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí san lấp mặt bằng, tiếp tục giúp đỡ chủ đầu tư sớm hoàn thành công trình theo tiến độ. Về phía công ty sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên nhận lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy (khi hoàn thiện, cụm công trình sẽ cần trên 2.000 lao động) và hỗ trợ người dân quanh vùng xây dựng các công trình công cộng, tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển công nghiệp hài hòa với cuộc sống nhân dân.

Đinh Quốc Quyền

(Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam)


TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam: Luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO