Dựa vào Nhân dân để làm tốt công tác cán bộ của Đảng
(Baonghean.vn) - Công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn cán bộ có đức, có tài cho đất nước được Nhân dân hết sức quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 1 trong 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về xây dựng Đảng được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng quyết nghị: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”.
Từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhân tố góp phần quyết định đến sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nhân dân là lực lượng to lớn, có mặt trên mọi vùng, miền đất nước, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và ít có vụ việc tiêu cực nào về cán bộ mà qua được tai mắt của Nhân dân. Nhân dân đòi hỏi người cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cả hệ thống chính trị phải thường xuyên nắm bắt được lòng dân, phân biệt, phân tích được đâu là ý nguyện chính đáng của dân, đâu là điều người dân cần, việc gì được người dân ủng hộ.
Công an xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) thực hiện công tác dân vận. Ảnh tư liệu: Tiến Hùng |
Trước đây đã có một số tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu rất ít lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng đúng đắn của Nhân dân về công tác cán bộ. Nhiều vụ việc bức xúc được người dân phản ánh, báo chí nêu nhưng chậm được xử lý hoặc xử lý không nghiêm. Điển hình như vụ băng nhóm tội phạm “Đường Nhuệ” hoạt động đã hàng chục năm, nhất là giai đoạn 2012-2019, người dân phản ánh, tố cáo có cán bộ bao che, bảo kê nhưng cấp ủy, chính quyền sở tại không làm rõ trách nhiệm đầy đủ. Vụ “Vũ nhôm”, Thủ Thiêm, 12 đại án thua lỗ của ngành Công Thương, rồi việc đề bạt, bổ nhiệm người nhà ở tỉnh này, tỉnh nọ,… liên quan đến trách nhiệm cán bộ đều được dư luận nhân dân phản ánh sớm. Nếu cơ quan chức năng nắm được lòng dân và dư luận đúng để xử lý kịp thời cán bộ sai phạm pháp luật thì tổn thất về kinh tế, về xã hội sẽ ít hơn, đặc biệt là uy tín, lòng tin của nhân dân vào tổ chức Đảng, chính quyền tốt hơn. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ về công tác cán bộ, nhưng một số cán bộ vẫn vi phạm như “vận động” bỏ phiếu bầu, phiếu giới thiệu quy hoạch, đề bạt và chạy chức, chạy quyền.
Để tổ chức đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tế công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, các quyết định, quy định của Đảng về công tác cán bộ như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”,… nhất là nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ, nhằm làm chuyển biến được nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong đóng góp xây dựng về công tác cán bộ của Đảng. Trung ương sớm lãnh đạo Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối mới của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII thành các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho các tổ chức trong cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện.
Cụ thể như phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ” và “cơ chế đột phá để thu hút trọng dụng nhân tài”. Các cấp ủy Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, vị trí của mình theo quy định của Đảng và các văn bản pháp luật đã ban hành để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát cán bộ trong thời gian tới.
Bà con bản Vực, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) tích cực tham gia làm thủy lợi. Ảnh: Cao Duy Thái |
Nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia xây dựng và giám sát được cán bộ, thì các cấp ủy Đảng phải có hình thức phù hợp để công khai quy hoạch và đánh giá nhận xét cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là người đứng đầu các ngành, các cấp.
Đồng thời xử lý, kỷ luật nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các cấp ủy Đảng càng phải quan tâm lãnh đạo các cơ quan chức năng tập hợp kịp thời, khách quan các ý kiến góp ý xây dựng về công tác cán bộ của Nhân dân.
Trên cơ sở đó phân công một cơ quan làm đầu mối thống kê, tổng hợp, phân tích khoa học (loại trừ những ý kiến lợi dụng dân chủ phản ánh sai sự thật) để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề về cán bộ hợp “ý Đảng, lòng Dân”.
Một dân tộc gần 100 triệu dân, có truyền thống yêu nước nồng nàn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện đi theo Đảng, bảo vệ, xây dựng Đảng, vì thế, nếu phát huy tốt quyền làm chủ của Nhân dân trong phát hiện, tiến cử người có đức, có tài và giám sát cán bộ, đảng viên, nhất định Nhân dân sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác cán bộ của Đảng.