Dũng Taylor: 'Tôi luôn mong con riêng của Thu Phương được gần bố ruột'

Chồng của nữ ca sĩ chia sẻ về áp lực dạy dỗ, chăm sóc một gia đình có con riêng và chung với vợ. 

- Anh và vợ - ca sĩ Thu Phương - gặp áp lực gì trong cuộc sống gia đình với bốn người con?

- Hạnh phúc của tôi là các con. Đó là tài sản vô giá và trọn đời, không gì thay đổi được, nhưng cũng mang đến nhiều áp lực. Mỗi gia đình ở Mỹ có hai con là lý tưởng nhất. Chúng tôi có gấp đôi đồng nghĩa là gấp đôi áp lực.

Trách nhiệm của bố mẹ ở xã hội Mỹ không chỉ có cơm áo gạo tiền mà còn phải là chỗ dựa tinh thần, đồng thời định hướng cho các con. Các cháu được giáo dục từ bé với suy nghĩ tự lập và luôn bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Do đó, người làm bố mẹ luôn phải làm gương, cập nhật đời sống sinh hoạt của môi trường các con trong từng giai đoạn. Vì thế, bố mẹ có khả năng và điều kiện ở Mỹ vẫn phải nhúng tay trực tiếp vào việc giáo dục và nuôi dưỡng các con, không thể thuê mướn người. Đây là một áp lực lớn. 

dung-taylor-toi-luon-mong-con-rieng-cua-thu-phuong-duoc-gan-bo-ruot

Anh Dũng Taylor bên vợ - ca sĩ Thu Phương - và con trai Duy Hải, con gái Thanh Thảo.

- Với hai con riêng của vợ, anh làm sao để tránh mang tiếng là bố dượng?

- Trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con, phần tôi áp lực hơn Thu Phương vì hai cháu lớn là con riêng của Phương. Cộng thêm sự hiện hữu của bố ruột của hai cháu - hiện là một người láng giềng của gia đình chúng tôi - nên càng tăng thêm phần tế nhị và nhạy cảm trong từng lời ăn tiếng nói của tôi.

Trước khi sống với Phương và hai con, tôi chưa từng lập gia đình và cũng chưa có con. Tôi suy nghĩ rất đơn giản: cứ thương yêu và giáo dục các con như con ruột của mình thì mọi việc sẽ ổn. Hai năm đầu chung sống, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhất là khi bố mẹ Phương sang Mỹ ở chung với chúng tôi. Tôi lớn lên và hấp thụ văn hóa Mỹ từ lúc 13 tuổi, lại xuất thân là người miền Nam nên không tránh khỏi việc văn hóa khác biệt, tuy nói cùng một ngôn ngữ nhưng vẫn không hiểu được hết ý của nhau. Từ đó tôi đã căn chỉnh cácy ứng xử của mình sao cho tâm lý, tế nhị. Tôi ý thức từng lời ăn tiếng nói cũng như cách hành xử khi các con phạm lỗi. Không lên tiếng thì có thể bị hiểu lầm là không quan tâm. Mạnh mẽ quá thì dễ bị cho là khó khăn. Tôi luôn chú ý lên tiếng đúng cường độ, đúng lúc, và luôn sử dụng đúng lời nếu không cả nhà sẽ mất vui.

Còn với hai con của tôi và Phương thì tôi khắt khe, tỏ thái độ rõ ràng hơn mỗi khi hai bé không ngoan. Tôi luôn xử phạt công minh với tất cả bốn con để tránh tình trạng so sánh giữa các cháu. Bốn anh em chúng như một. Tôi và Phương rất yên tâm khi thấy các con thương yêu và gắn bó với nhau như anh em cùng mẹ, cùng bố.

- Anh ứng xử sao trước tình cảm của hai con riêng của vợ dành cho bố ruột?

- Ba năm đầu khi tôi mới quen Phương, Huy (ca sĩ HuyMC) không nói chuyện với tôi. Tôi biết Huy bị áp lực chung trong cuộc sống nên đã tạo cơ hội mời Huy chơi cùng ban nhạc của tôi trong những buổi trình diễn. Tôi nghĩ có một điều không thay đổi được - Huy là bố ruột, là máu thịt của hai con của Phương. Vì hạnh phúc và tương lai của chúng nên tôi, Huy và Phương cần phải có một mối quan hệ tốt. Từ đó, mỗi lần có thông tin liên quan đến hai con lớn khi hai cháu còn ở Việt Nam tôi điều cập nhật cho Huy biết.

Tôi còn nhớ như in tối đêm tôi gọi cho Huy báo việc hai cháu lớn đã được cấp visa sang Mỹ và tôi sẽ về Việt Nam đón hai cháu. Qua điện thoại, tôi có thể cảm nhận được những giọt nước mắt hạnh phúc của Huy. Kể từ phút đó, tôi chính thức là người bố thứ nhì của Duy Hải và Thanh Thảo.

Khi quyết định mua nhà để đón hai con từ Việt Nam sang Mỹ, tôi mua gần khu vực của vợ chồng Huy đang sinh sống để tạo cơ hội cho bố con gặp nhau và sinh hoạt dễ dàng hơn. Có nhiều bạn bè hỏi sao Dũng không dọn nhà về thung lũng Silicon vùng San Francisco, một là sẽ giúp cho công việc kỹ sư phần mềm của tôi và hai là để tránh mặt Huy. Tôi cười và trả lời: "Yêu phải có sự hy sinh, chấp nhận - cho dù phải thiệt thòi một chút - để xứng đáng với những gì mình sẽ nhận được sau này".

- Hiện giờ, mối quan hệ của anh với chồng cũ của vợ ra sao?

- Từ khi hai con sang Mỹ ở với tôi và Phương thì Huy thường hay đến nhà đón hai con đi ăn uống, xem phim. Và chúng tôi xem nhau như láng giềng, không hơn không kém. Khi có những quyết định cần sự đóng góp của mọi người, chúng tôi gặp nhau bàn thảo để tránh tình trạng trống đánh xui, kèn thổi ngược. Huy và Phương tin tưởng tôi nên hoàn toàn giao việc giáo dục và định hướng các con cho tôi. Đây là một trọng trách lớn và cũng là niềm khích lệ đối với tôi.

dung-taylor-toi-luon-mong-con-rieng-cua-thu-phuong-duoc-gan-bo-ruot-1

Thanh Thảo (trái) - con gái của Huy MC và Thu Phương - xem Dũng Taylor như người bố thứ hai. Cô bé gắn bó với bố Dũng từ năm tám tuổi, khi mới sang Mỹ, cho đến nay, khi đã 16 tuổi. 

- Quan niệm của anh trong việc nuôi dạy con ra sao?

- Con trai lớn Duy Hải cá tính mạnh, tự lập giống mẹ Phương nên cháu có suy nghĩ và hướng đi riêng cho mình. Tôi và Phuơng chỉ cố vấn và định hướng cho cháu mỗi khi cháu tham khảo ý kiến. Bé Thanh Thảo đến Mỹ lúc 8 tuổi, cái tuổi thơ ngây hồn nhiên và dễ hòa hợp vào đời sống mới. Từ nhỏ, Thanh Thảo và tôi đã có sự đồng cảm trong từng lời nói, ánh mắt nên tôi đầu tư nhiều thời gian nhất cho Thanh Thảo. Cháu luôn tìm đến tôi mỗi khi có vấn đề liên quan đến bạn bè, trường học hoặc nhu cầu vật chất. Tôi thường phân tích chi tiết cho các con hiểu để phân biệt giữa nhu cầu "cần" và "muốn" trong cuộc sống rồi tin tưởng trao phần quyết định cho các con. Tôi cũng là người trực tiếp soạn thời khóa biểu cho Thanh Thảo trong mỗi mùa học. Nhờ đó, tôi luôn nắm bắt được tình trạng học tập của cháu. Thảo từ lớp năm đến nay luôn là học sinh giỏi, được bằng khen của trường. Tôi còn nhớ khi cháu tốt nghiệp cấp hai còn được bằng khen của Tổng thống Obama dành cho những học sinh giỏi toàn quốc.

Hai đứa con sau - Barry bảy tuổi và Hailey bốn tuổi - đơn giản hơn. Chúng đang ở tuổi đáng yêu nhất vì luôn muốn được ở bên cạnh bố mẹ và không đòi hỏi gì cả. Mỗi sáng tôi hoặc Phương chuẩn bị thức ăn sáng cho hai con, đưa con đến trường rồi vùi đầu óc vào công việc. Buổi chiều, chúng tôi đón con về rồi đưa đến những lớp học thêm hoặc năng khiếu như võ, vẽ, nhạc... Mỗi ngày tôi kiểm tra bài học của Barry. Tôi hoặc Thanh Thảo là người hỗ trợ cháu làm bài tập về nhà mỗi ngày. 

dung-taylor-toi-luon-mong-con-rieng-cua-thu-phuong-duoc-gan-bo-ruot-2

Thu Phương và Dũng Taylor bên hai con Barry bảy tuổi và Hailey sáu tuổi (phải).

- Vì sao trong việc nuôi dạy con, anh ưu ái con gái hơn con trai?

- Tôi lớn lên bên cạnh mẹ và thiếu tình cảm của bố nên tôi luôn chia sẻ với phái nữ nhiều hơn, cũng vì thế tôi ưu ái cho con gái nhiều hơn. Tôi cảm thấy phụ nữ cho dù ở xã hội văn minh như Mỹ cũng bị nhiều áp lực hơn. Vì sự bình quyền, bình đẳng, người phụ nữ ở Mỹ vẫn phải kiếm tiền, đồng thời phải đóng vai trò người vợ, người mẹ và một bà nội trợ. Bấy nhiêu đó cũng quá nhiều áp lực. Tôi nghĩ thế nên tôi dành thời gian giáo dục cho con gái nhiều hơn. Còn với con trai, có nhiều điều không cần nói, chỉ cần con cảm nhận và học qua cách sống của bố là đủ rồi.

Tôi xem trẻ con như một tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì lên sẽ trở thành bản đồ cho đời sống của chúng. Người lớn hãy thương yêu trẻ con với tấm lòng chân thật, để khi đủ thông minh chúng sẽ nhận ra và lấy đó làm hành trang vào đời. Món quà tuyệt vời nhất bố mẹ dành cho con không phải là tài sản mà là trí thức, tư duy, văn hóa, đạo đức và kỹ năng ứng xử. Tôi muốn sau này khi các con được hỏi về bố Dũng, chúng sẽ nói: "Bố rất nghiêm khắc, không chiều ngọt với chúng tôi như mẹ nhưng bố rất công minh, quan tâm và thương yêu chúng tôi". Nếu được thế thì coi như bổn phận và trách nhiệm của tôi đã hoàn tất và tôi sẽ toại nguyện.

- Ngoài chăm con, anh cũng dành nhiều lời yêu thương cho vợ trên trang cá nhân, khiến nhiều người khen đàn ông tốt như anh bây giờ rất hiếm. Anh thấy sao khi được khen như vậy?

- Tôi thấy tôi được quá nhiều từ Thu Phương nên những chuyện tôi làm cho Phương và các con của chúng tôi cũng bình thường và dễ hiểu. Phương vốn đã trải qua cuộc hôn nhân gần 14 năm, đã có hai đứa con riêng khi đến với tôi. Người phụ nữ như vậy sẽ không có nhu cầu sinh thêm con, nhất là khi sự nghiệp của Phương đang phát triển. Nhưng tình yêu của Phương dành cho tôi đủ lớn để sinh con cho tôi không chỉ một mà đến hai đứa. Tôi hạnh phúc và may mắn khi ở tuổi 40 có được con trai đầu lòng và bây giờ thì nếp tẻ đầy đủ. Tài sản lớn nhất đời người chính là con. Vậy thì tại sao tôi phải ngần ngại để "cháy" và sống hết mình cho vợ con?

Theo VNE

tin mới