Dưới bóng Lam Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Cùng nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích (Hưng Nguyên, Nghệ An) ra bờ sông Lam, dưới chân núi Lam Thành, chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi cả một vùng trầm tích văn hóa, lịch sử có giá trị đã bị cuốn trôi, chỉ còn bóng Lam Thành soi xuống sông Lam trầm mặc…

Mảng trầm tích văn hóa giá trị

Như đã hẹn trước, chúng tôi cố gắng xuất phát sớm, men theo Tỉnh lộ 542 ra bờ sông Lam đoạn Yên Xuân rồi trực chỉ hướng núi Lam Thành, vùng đất Hưng Lam, Hưng Phú trước đây, mà thẳng tiến. Bởi như nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích, núi Lam Thành nằm ở trung tâm của xứ Nghệ, có lợi thế về độ cao đột khởi giữa vùng đồng bằng, cạnh ngã ba sông, ngày xưa đường bộ xuyên quốc gia qua chân núi. Thuyền bè có thể xuôi Đông, ngược Tây theo sông Lam, lại có thể vào Nam theo sông La. Vì thế, đây từng là căn cứ quân sự chiến lược, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của xứ Nghệ nhiều đời.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, dưới thời nhà Minh đô hộ, núi Lam Thành trở thành nơi đồn trú quân sự, nhưng từ đầu nhà Hậu Lê (1428) cho đến cuối đời Tây Sơn (1801), trong vòng 370 năm, Lam Thành là trấn lỵ Nghệ An. Trấn lỵ không đặt trong ngôi thành do Trương Phụ xây, nhưng khi nói về lỵ sở này, sử sách đều chép là thành Nghệ An, hoặc Lam Thành, thành Hùng Sơn, thành Nghĩa Liệt…

Mãi đến đầu thế kỷ XIX khi Vua Gia Long lên ngôi, mở đầu cho triều đại nhà Nguyễn thì vùng đất Yên Trường được chọn để xây dựng trung tâm hành chính, chính trị mới thì lỵ sở Nghệ An ở quanh Lam Thành dần lùi vào dĩ vãng.

Núi Lam Thành nằm cạnh ngã ba sông Lam và sông La. Ảnh: Tiến Đông

Núi Lam Thành nằm cạnh ngã ba sông Lam và sông La. Ảnh: Tiến Đông

Quá khứ đã lùi xa, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cộng với những biến thiên của lịch sử đã làm mất đi nhiều giá trị văn hóa quý giá của núi Lam Thành. Dù rằng nơi đây chứa đựng cả một trầm tích văn hóa, lịch sử, gắn liền với nhiều giai đoạn hưng suy của dân tộc nói chung và cả mảnh đất xứ Nghệ nói riêng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích cho rằng, núi Lam Thành có nhiều tên gọi. Xưa dân gian gọi núi này là rú Rum (màu lam), và sông Lam còn gọi là rào Rum. Rú Rum hay là Lam sơn dù khác cách gọi, nhưng sau này do trên núi có thành cổ nên gọi là núi Lam Thành, hoặc rú Thành.

Trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch thì núi Lam Thành được miêu tả khá chi tiết. “Núi Lam Thành ở xã Phú Điền, huyện Hưng Nguyên, xưa gọi là núi Đồng Trụ, lại có tên là núi Tuyên Nghĩa và Hùng Sơn (núi gấu). Núi cao lớn hùng vĩ đột xuất nổi lên giữa đồng bằng, trong có một ngọn có thành của Trương Phụ nhà Minh. Trên đỉnh có lỗ cắm cờ. Tương truyền là chỗ ngày xưa cắm cột đồng, ở lưng chừng núi có miếu Tuyên Nghĩa”.

Một đoạn tường thành còn khá nguyên vẹn trên núi Lam Thành. Ảnh: Thành Cường

Một đoạn tường thành còn khá nguyên vẹn trên núi Lam Thành. Ảnh: Thành Cường

Riêng tên núi Tuyên Nghĩa, sử cũ ghi rằng, dưới núi có miếu Tuyên Nghĩa, thờ Thái Phúc, tướng nhà Minh giữ thành Nghệ An, do ra hàng nghĩa quân Lam Sơn, nên khi trở về bị Vua Minh giết, nên sau này được Vua Lê Thái Tổ cho lập miếu thờ, ban thần hiệu Tuyên Nghĩa Đại vương.

Nhà sử học Bùi Dương Lịch còn miêu tả khá tỉ mỉ về việc bố trí các cơ quan xung quanh chân núi Lam Thành. “Chân núi có chùa An Quốc. Thời Vua Trùng Quang nhà Trần (1409-1413), Ngự sử Nguyễn Biểu, người huyện La Sơn vâng mệnh đi sứ cầu phong, tử tiết ở nơi này. Phía Tây núi có một cái suối, nước rất ngon ngọt. Phía Tây Nam mạn trên có xã Nghĩa Liệt, ngày trước là nơi đóng Hiến ty (tức ty Niết, coi việc hình án). Xuống mé Nam có đền Triều Khẩu (đền thờ Lê Khôi), ngày trước là nơi đóng ty Thừa Chính (tức ty Bố Chính, coi việc hộ). Và phường Vệ Sở, ngày trước là nơi đóng dinh Trấn thủ (nơi làm việc của Trấn thủ, sau này gọi là Tổng đốc, phụ trách một tỉnh). Phía trước dinh là trường thi hương xưa”.

Nhìn từ trên cao, đoạn thành bằng đá vẫn còn khá nguyên vẹn trên núi Lam Thành. Ảnh: Thành Cường

Nhìn từ trên cao, đoạn thành bằng đá vẫn còn khá nguyên vẹn trên núi Lam Thành. Ảnh: Thành Cường

Từ đỉnh Lam Thành phóng tầm mắt về phía Nam là ngã ba sông, nơi sông Lam và sông La hợp lưu. Ảnh: Thành Cường

Từ đỉnh Lam Thành phóng tầm mắt về phía Nam là ngã ba sông, nơi sông Lam và sông La hợp lưu. Ảnh: Thành Cường

Cũng theo Nghệ An ký, “phía trước núi Lam Thành, sông Lam chảy qua rất rộng, là nơi sông La ở huyện Thiên Lộc chảy vào. Chỗ ngã ba sông Minh Lương chảy vào sông Lam có ghềnh đá nổi ở giữa sông. Phía Đông có bến đò gọi là bến Phù Thạch, ở đầu bến có người Tàu cư trú, buôn bán, nhà ngói san sát, thuyền bè tụ tập, gọi là phố Phù Thạch”.

Nhắc đến vùng đất dưới chân núi Lam Thành không thể không nhắc đến câu chuyện “ăn cỗ đầu người” gắn với danh nhân Nguyễn Biểu. Ông người làng Nội Diên, nay thuộc xã Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), đậu Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ), làm quan đến chức Thị Ngự sử dưới triều Hậu Trần. Ngày 1 tháng 7 năm Quý Tỵ (1413), trong lần làm sứ thần nước ta đến thương thuyết với tướng nhà Minh là Trương Phụ trên núi Lam Thành. Khi đến gặp Trương Phụ, giặc bắt ông quỳ lạy nhưng ông vẫn kiên quyết ngồi bất động. Giặc làm cỗ, dọn một đầu người nấu chín mời ông. Không chút e sợ, ông lấy đũa chọc mắt đầu người trộn dấm ăn. Giặc Minh kinh sợ khi chứng kiến sự việc bèn đối đãi lễ độ rồi cho về.

Theo nhà nghiên cứu Thái Huy Bích, trước Lam Thành xưa có cầu Lam Kiều - nơi danh nhân Nguyễn Biểu viết 8 chữ trước khi bị giặc Minh sát hại. Ảnh: Tiến Đông

Theo nhà nghiên cứu Thái Huy Bích, trước Lam Thành xưa có cầu Lam Kiều - nơi danh nhân Nguyễn Biểu viết 8 chữ trước khi bị giặc Minh sát hại. Ảnh: Tiến Đông

Vùng đất xung quanh núi Lam Thành từng có đến 6 ngôi đền thờ Nguyễn Biểu. Trong ảnh, đền thờ Nguyễn Biểu tại xã Xuân Lam hiện nay. Ảnh: Tiến Đông

Vùng đất xung quanh núi Lam Thành từng có đến 6 ngôi đền thờ Nguyễn Biểu. Trong ảnh, đền thờ Nguyễn Biểu tại xã Xuân Lam hiện nay. Ảnh: Tiến Đông

Cổng đền thờ Nguyễn Biểu hướng ra sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Cổng đền thờ Nguyễn Biểu hướng ra sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Khi ông đến cầu Lam Kiều, Trương Phụ nghe theo lời xúi giục của Phan Liêu – Tri châu Nghệ An hàng giặc, nên bèn cho người bắt lại. Biết mình khó có thể sống sót quay về, ông bèn lấy móng tay vạch lên thành cầu 8 chữ “Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử” (ngày mồng 1, tháng 7, Nguyễn Biểu chết). Bị bắt trở lại, ông chửi mắng Trương Phụ trong bụng mưu cướp nước, bên ngoài lại giả làm quân nhân nghĩa và không chịu quỳ lạy, bèn bị giặc sai người trói ở chùa An Quốc rồi đánh chết. Sau này, Vua Lê cho lập đền thờ ông tại quê nhà, ban Thần hiệu là Nghĩa liệt Đại vương. Ở Huyện Hưng Nguyên, nơi ông hy sinh được đặt tên là xã Nghĩa Liệt, thuộc xã Hưng Lam (nay là Xuân Lam). Đặc biệt, vùng đất quanh núi Lam Thành từng có 6 đền thờ Nguyễn Biểu.

Dấu xưa Phục Lễ

Lần theo sử cũ, chúng tôi đến bên bờ sông Lam. Chỉ tay về phía Nam, giữa mênh mông sóng nước dòng Lam, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích ngậm ngùi khi cả một vùng phố xá tấp nập trước đây đã bị cuốn trôi. Trong đó có xã Phục Lễ, nơi từng được người Nhật đánh dấu trên bản đồ và là một trong những điểm đến của tàu buôn khắp nơi đã bị lở hết xuống sông.

Tấm bản đồ vùng đất ngã ba sông ngày xưa, nơi người Nhật từng đánh dấu và là nơi buôn bán thịnh vượng những năm từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Tiến Đông

Tấm bản đồ vùng đất ngã ba sông ngày xưa, nơi người Nhật từng đánh dấu và là nơi buôn bán thịnh vượng những năm từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX. Ảnh: Tiến Đông

Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích bên tấm bản đồ đánh dấu khu vực Phục Lễ và phố buôn Phù Thạch xưa. Ảnh: Tiến Đông

Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích bên tấm bản đồ đánh dấu khu vực Phục Lễ và phố buôn Phù Thạch xưa. Ảnh: Tiến Đông

Vào cuối thế kỷ XVI, người Nhật mở phố buôn bán ở xã Phục Lễ thuộc đất Hưng Nguyên để buôn bán với Đàng Ngoài và ở Hội An (Quảng Nam) để buôn bán với Đàng Trong. Họ buôn bán thịnh vượng nhất là những năm 1593 - 1616. Trên tấm bản đồ nước ta thời ấy người Nhật dùng bút đỏ khoanh tròn địa danh huyện Hưng Nguyên. Người Nhật đem bán cho ta hàng hóa quan trọng nhất là vũ khí và đồng, sau đó thu mua nông sản, lâm sản đem về nước.

Cho đến cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, chợ Tràng (khu vực Triều Khẩu – nơi đặt trường thi hương) và phố Phù Thạch ở bờ Nam là nơi buôn bán rất phồn thịnh, trở thành một cảng thị sầm uất của xứ Nghệ. Khu vực này cả trên bộ lẫn dưới sông đều tấp nập. Tại đây còn lưu truyền câu ca "Chợ Tràng tháng hâm bảy phiên – Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi".

Cả một khu vực buôn bán sầm uất trước đây nay đã bị lở trôi xuống dòng sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Cả một khu vực buôn bán sầm uất trước đây nay đã bị lở trôi xuống dòng sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

“Việc người Nhật rời khỏi Hưng Nguyên để ra Hưng Yên lập phố Hiến có thể là do đất xã Phục Lễ bị lở dần xuống sông. Hơn nữa, trong khoảng 5 năm từ 1655 đến 1660, do cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, sông Lam trở thành giới tuyến giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Hai bên bờ sông Lam đều là chiến trường ác liệt. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến người Nhật phải chuyển nơi giao thương” – Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Huy Bích nhận định.

Hiện tại, trên địa bàn một số xã ven sông Lam của huyện Hưng Nguyên có nhiều văn tự Hán Nôm còn có tên xã Phục Lễ. Căn cứ vào các văn tự còn lưu lại, có thể nhận định xã Phục Lễ bị xóa tên do lở xuống sông Lam trong thời gian từ năm 1866 đến năm 1872. Một bộ phận nhân dân xã Phục Lễ đã chuyển về xã Phúc Mỹ, nay là làng Phúc Mỹ, xã Hưng Châu trước đây, nay là xã Châu Nhân.

Núi Lam Thành nhìn từ phía xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đông

Núi Lam Thành nhìn từ phía xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đông

Để hiểu cặn kẽ hơn về căn nguyên và những dấu tích của xã Phục Lễ còn sót lại, chúng tôi tìm đường vượt qua sông Lam. Qua đò Trai, đò Hào, những địa danh nổi tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Đức Vĩnh và Đức Quang (nay là xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Địa phương này nằm đối diện với ngọn núi Lam Thành, phía bên kia bờ sông Lam, nơi phần lớn đất đai huyện Hưng Nguyên đã bị xói lở. Một số làng ở xã Đức Vĩnh như Phù Thạch, Vĩnh Đại, Hưng Phúc trước đây vốn có nguồn gốc từ huyện Hưng Nguyên. Tại xã Đức Quang thì có làng Quang Dụ thuộc xã Triều Khẩu. Ngày nay, ở địa phương này vẫn còn nhiều dòng họ có gốc gác từ huyện Hưng Nguyên, hàng năm bà con vẫn thường xuyên qua lại quê cũ thăm viếng họ hàng.

Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích trao đổi với ông Phạm Nghi - nguyên Chủ tịch UBMTTQ xã Đức Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đông

Nhà nghiên cứu Thái Huy Bích trao đổi với ông Phạm Nghi - nguyên Chủ tịch UBMTTQ xã Đức Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh: Tiến Đông

Ông Phạm Nghi – nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quang Vĩnh, khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về nguồn gốc của làng mạc nơi đây đã không giấu được xúc động. Ông Nghi bảo, Đức Vĩnh trước đây có 3 làng “trôi” từ huyện Hưng Nguyên sang là Phù Thạch, Vĩnh Đại, Hưng Phúc. Trong đó, 2 làng Vĩnh Đại và Phù Thạch có những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng như chùa Ghềnh, đền nhà Ông… Riêng làng Phù Thạch, là nơi cư ngụ của người buôn bán xa phương, chủ yếu là người Hoa. Hiện nay, còn nhiều dòng họ có nguồn gốc từ Trung Quốc như họ Hồng, họ Lý, họ Trương… các dòng họ này đến đây trước là làm ăn, buôn bán, sau đó lập nên các làng, xóm.

Đền Chiêu Trưng tại thôn Hưng Phúc, xã Quang Vĩnh ngày nay. Ảnh: Tiến Đông

Đền Chiêu Trưng tại thôn Hưng Phúc, xã Quang Vĩnh ngày nay. Ảnh: Tiến Đông

Bên trong ngôi đền Chiêu Trưng ở bờ Nam sông Lam vẫn có những câu đối giống như ngôi đền ở bờ Bắc. Ảnh: Tiến Đông

Bên trong ngôi đền Chiêu Trưng ở bờ Nam sông Lam vẫn có những câu đối giống như ngôi đền ở bờ Bắc. Ảnh: Tiến Đông

Ở thôn Hưng Phúc hiện còn có đền Chiêu Trưng, còn gọi là đền Võ Mục thờ Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi. Trước đây, đền này cùng với đền Vua Lê là 2 ngôi đền lớn dưới chân núi Lam Thành. Vào cuối thế kỷ XIX, vườn đền bị nước sông xói lở dần, 2 thôn Quang Dụ, Hưng Phúc, xã Triều Khẩu phải chuyển sang bờ Nam. Sau đó, đền Chiêu Trưng cũng bị dỡ, lập thành 2 đền, một ở thôn Phúc Xuyên (Hưng Khánh cũ, nay là xã Hưng Thành) ở bờ Bắc, và một ngôi đền ở thôn Hưng Phúc (xã Đức Vĩnh), ở bờ Nam. Theo các bậc cao niên kể lại thì tam quan của 2 ngôi đền này nằm trên cùng một trục Bắc - Nam.

Khu vực được cho là phố buôn Phù Thạch trước đây và vẫn còn ghềnh đá nổi giữa sông. Hiện tại cầu Hưng Đức nối 2 huyện Hưng Nguyên và Đức Thọ trên tuyến cao tốc Bắc- Nam đang được xây dựng cạnh khu vực này. Ảnh: Tiến Đông

Khu vực được cho là phố buôn Phù Thạch trước đây và vẫn còn ghềnh đá nổi giữa sông. Hiện tại cầu Hưng Đức nối 2 huyện Hưng Nguyên và Đức Thọ trên tuyến cao tốc Bắc- Nam đang được xây dựng cạnh khu vực này. Ảnh: Tiến Đông

Trước đây, tàu buôn đến buôn bán tấp nập tại khu vực này, họ còn cập tàu cạnh gành Phù Thạch. Để cầu mong cho việc buôn bán thuận lợi, họ còn xây chùa để cầu an, cầu phúc. Ở đây người dân còn lưu truyền câu ca “Ai đi phố Hiến xem voi. Về làng Vĩnh Đại mà coi chùa Ghềnh”.

Ngày nay, khi đường cao tốc Bắc - Nam được xây dựng, một mố cầu Hưng Đức nối huyện Hưng Nguyên và huyện Đức Thọ bắc qua sông Lam được xây dựng gần ngay bến đò Phù Thạch xưa. Người ta lại có cảm giác mảnh đất hai bên bờ sông Lam như được nối gần lại. Dẫu không thể thành làng, thành xóm như xưa nhưng chí ít cũng cùng chung một mạch nguồn dưới bóng Lam Thành….

tin mới

Lưu giữ điệu ru của người Thái cổ

Lưu giữ điệu ru của người Thái cổ

(Baonghean.vn) - Để lưu giữ những làn điệu ru con của dân tộc Thái, các thành viên CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa Thái tại bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) đã thay nhau tìm hiểu, ghi chép lại các điệu hát ru, đồng thời tổ chức các lớp học để truyền dạy cho con cháu.

Điểm tựa của những người phụ nữ vùng biển

Điểm tựa của những người phụ nữ vùng biển

(Baonghean.vn) - Thấu hiểu nỗi đau của những người vợ mất chồng, của con mất cha nơi biển lớn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tại vùng biển Quỳnh Lưu đã tích cực đồng hành với những người phụ nữ yếu thế, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Làng khoa bảng ở Nghệ An làm du lịch

Làng khoa bảng ở Nghệ An làm du lịch

(Baonghean.vn) - Hiếm có một vùng quê nào lại có nhiều người đỗ đạt thành danh và có nhiều di tích được xếp hạng như xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu). Nắm bắt lợi thế đó, gần đây địa phương này đã tiên phong phát triển du lịch, với những tour du lịch mang nhiều ý nghĩa.

Cùng Mường Chiêng Ngam vui hội Hang Bua

Cùng Mường Chiêng Ngam vui hội Hang Bua

(Baonghean.vn) - Lễ hội Hang Bua ở huyện Quỳ Châu là một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Thái phía Tây Bắc Nghệ An. Sinh hoạt văn hóa này cũng là không gian lưu giữ những nét truyền thống của cư dân bản địa vừa góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân địa phương

Trai làng biển vác 'kiệu bay' trong màn chạy ói, chen nhau 'cướp' lộc tại Lễ hội Đền Cờn

Trai làng biển vác 'kiệu bay' trong màn chạy ói, chen nhau 'cướp' lộc tại Lễ hội Đền Cờn

(Baonghean.vn) - Lễ hội Đền Cờn năm 2024 có nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, nhưng đặc sắc nhất là tục chạy ói với màn rước kiệu, tung kiệu bay trên biển. Tục chạy ói thường được tổ chức vào sáng ngày 21 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, là nghi lễ quan trọng với ngư dân vùng biển.

Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào: Tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và quân binh thời Trần

Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào: Tưởng nhớ công lao của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài và quân binh thời Trần

(Baonghean.vn) - Nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để hình thành nên dòng sông Cả kỳ vĩ bồi đắp cho vùng hạ du, đền Vạn - Cửa Rào được xem là ngôi đền linh thiêng nhất miền Tây xứ Nghệ. Sáng 1/3 (20 tháng Giêng), người dân muôn phương đã nô nức dự Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào.

Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua

Sẵn sàng cho Lễ hội Hang Bua

(Baonghean.vn) - Hang Bua là thắng cảnh tự nhiên nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách thành phố Vinh 170km về phía Tây Bắc. Lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội lớn nhất của đồng bào các dân tộc của huyện nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung.

Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới

Lưu mãi nét đẹp văn hoá Thổ ở làng Mo Mới

(Baonghean.vn) - Gìn giữ và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ là việc được các cấp ngành cùng đồng bào vùng Tây Bắc Nghệ An chú trọng. Ở làng Mo Mới, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), bà con dân tộc Thổ tích cực sưu tầm, trao truyền những làn điệu dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ.

Người 'giữ lửa' nghề rèn truyền thống của người Mông

Người 'giữ lửa' nghề rèn truyền thống của người Mông

(Baonghean.vn) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình người Mông gắn bó với nghề rèn truyền thống, ông Và Tông Dê (Tương Dương) ngày ngày thổi lửa làm ra không biết bao nhiêu dụng cụ lao động cho bà con. Lò rèn không chỉ nuôi sống gia đình ông mà còn là nơi lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào Mông.

Sắc Xuân trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông

Sắc Xuân trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông

(Baonghean.vn) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lên các bản làng vùng cao, đặc biệt là đến các bản có đồng bào Mông sinh sống, nhiều khách du lịch rất ấn tượng bởi sắc màu trên những bộ trang phục của người phụ nữ, dường như thấy được sắc Xuân trong đó...

Về miền Tây xứ Nghệ khám phá trang phục người Thái cổ

Về miền Tây xứ Nghệ khám phá trang phục người Thái cổ

(Baonghean.vn) - Tại bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu), người dân nơi đây vẫn lưu giữ một bộ trang phục của người Thái cổ. Với những họa tiết, hoa văn được thêu một cách tỉ mỉ, kỳ công, bộ trang phục sau hơn 100 năm vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị vốn có.

Chuyện 'giữ' cá mát ở Nặm Cướm

Chuyện 'giữ' cá mát ở Nặm Cướm

(Baonghean.vn) - Qua một thời gian dài khai thác tận diệt, nguồn cá mát dần cạn kiệt. Trước thực trạng đó, năm 2023, chính quyền xã Diên Lãm (Quỳ Châu) đã ban hành đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá mát Nặm Cướm”…

Ngõ phố thắm tình dân

Ngõ phố thắm tình dân

(Baonghean.vn) - Các ngõ phố được trang hoàng sạch, đẹp để đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Rất nhiều công trình, phần việc in dấu tình đoàn kết của các hộ dân. Điều đó càng tô thắm thêm tình dân trên mỗi ngõ phố ở thành Vinh. 

'Tôi tự hào là một người Nghệ'

'Tôi tự hào là một người Nghệ'

(Baonghean.vn) - Mắc chứng teo cơ tủy sống từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Vân (SN 1986), quê Nghi Lộc, được biết đến là một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới xã hội, nhất là trong cộng đồng người khuyết tật. Trò chuyện với phóng viên Báo Nghệ An, chị tự hào nhận mình có những “cá tính” đặc trưng rất Nghệ.

Hoa 'tớ dày' xao xuyến miền rẻo cao Kỳ Sơn

Hoa 'tớ dày' xao xuyến miền rẻo cao Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - "Tớ dày" là cách gọi của đồng bào Mông về loài hoa anh đào. Những ngày này các bản làng ở xã Mường Típ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn rực sắc "tớ dày". Bất cứ ai cũng trở nên bồi hồi xao xuyến trước loài hoa tuyệt đẹp này.

Tỉ mẩn nghề đan lưới lồng ở Nghi Long

Tỉ mẩn nghề đan lưới lồng ở Nghi Long

(Baonghean.vn) - Gắn bó với nghề đan lưới lồng bè, những người làm nghề ở Trung Sơn (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) luôn trăn trở nâng cao tay nghề. Mỗi đường đan, nút thắt là cả sự tỉ mẩn gửi vào đó sự bền chắc của sản phẩm, giúp người nuôi trồng thuỷ sản thêm bội thu…