Khám phá những điều thú vị ở Lam Thành
Nằm bên bờ sông Lam, thuộc địa phận xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, núi Lam Thành (còn gọi là rú Thành, núi Đồng Trụ, Nghĩa Liệt) không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, mà đây còn là một chứng tích lịch sử được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia gắn liền với nhiều điều thú vị.

“Tọa độ mới” trên bản đồ du lịch
Tôi đến Lam Thành vào một ngày tháng Tư, khi những con đường trải dài qua ruộng lúa đang thì con gái, gió từ phía sông Lam thổi về mát rượi. Núi Lam Thành sừng sững, mang trong mình một vẻ trầm mặc, hoang sơ.
Từ đỉnh núi, có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm vùng đất Hưng Nguyên trù phú, những cánh đồng mênh mông và dòng sông Lam thơ mộng. Phải chăng vì vẻ đẹp đó mà Lam Thành được biết đến trong nhiều bài phú của cha ông?
Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An, trong bài “Đăng Lam Thành sơn hoài cổ phú” của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn (1867-1923) có câu: “Hưng quận chi nam - Hữu sơn ngật lập - Quyết danh Lam Thành...”. Bài phú này sau đó được bạn thân của cụ là Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình (1872-1949), lúc bấy giờ làm Tri phủ Hưng Nguyên phỏng dịch, có câu: “Núi Lam Thành cao ngất bên kia - Trông phong cảnh đi về không muốn chán...”. Quả thật, Lam Thành có một sức hút thật khó cưỡng.

Trong quá trình khám phá Lam Thành, chúng tôi gặp nhóm sinh viên Trường Đại học Vinh khi các em đang cùng nhau tận hưởng không khí trong lành sau hành trình chinh phục đỉnh núi.
“Lúc nghe bạn rủ đi Lam Thành, em cũng không kỳ vọng gì nhiều. Vậy nhưng, vừa tới nơi đã phải thốt lên: Sao lại có chỗ vừa đẹp, vừa cổ kính đến thế! Tìm hiểu các thông tin về di tích càng thấy thú vị", một bạn trẻ người Đô Lương chia sẻ, mắt vẫn chưa rời khỏi công trình Phủ Mẫu Lam Thành nằm ở chân núi.
Giữa nhịp sống hiện đại, Lam Thành trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ ưa khám phá, tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử.
Trên các diễn đàn du lịch, Lam Thành dần xuất hiện như một “tọa độ mới” cho những chuyến trekking nhẹ, picnic cuối tuần hay những đêm cắm trại qua đêm bên rừng thông. Họ đến đây không chỉ để hít thở không khí trong lành, ngắm sông Lam từ độ cao hơn 150m, mà còn để sống chậm lại và "chạm" vào những dấu tích của một thời vang bóng.Nguyễn Thành Lộc - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh



Cùng chung tình yêu ấy, người dân xã Hưng Thành cũng gắn bó với Lam Thành như một phần quan trọng của đời sống tinh thần. Bà Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1965) trú ở xóm Phú Hưng xúc động kể về tuổi thơ êm ả gắn liền với núi Lam Thành. Lúc bé chẳng nghĩ gì nhiều, chỉ biết thích khi được lên núi, hái sim, chơi dưới bóng mát của những tán cây.
Lớn lên, khi được nghe bố mẹ, ông bà kể về những câu chuyện lịch sử hào hùng gắn liền với Lam Thành, về những chiến công của biết bao thế hệ đi trước trong chiều dài lịch sử, bà Hòa tự thấy như mình có một sự gắn kết đặc biệt với nơi đây. Lam Thành không chỉ là một ngọn núi, một thắng cảnh thiên nhiên đẹp mà còn là chứng nhân sống động của một thời kỳ lịch sử hào hùng.
.jpg)
Lam Thành hôm nay có thêm sự xuất hiện của nhiều người trẻ, của các gia đình về chơi cuối tuần, của những nhóm nghiên cứu lịch sử địa phương… Chính những sự hiện diện ấy đã góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị vô giá của Lam Thành, làm cho di tích này sống động hơn trong dòng chảy hiện đại.
Lắng nghe lịch sử
Vượt qua thăng trầm của thời gian, Lam Thành không chỉ đẹp bởi cảnh sắc mà còn giàu giá trị văn hóa - lịch sử. Theo sách “Nghệ An cổ tích lục” thì vào triều đại Lý - Trần, các vua khi tiến quân vào miền Nam đánh giặc, thường đóng quân tại núi Lam Thành. Núi Lam Thành được chọn làm điểm dừng chân để chuẩn bị lương thảo và tuyển thêm binh sĩ trên đường dẹp giặc và mở mang bờ cõi. Điều này có thể giải thích do Lam Thành là vị trí trọng yếu trên con đường thiên lý.
Thời Trần, dưới núi có xây chùa Yên Quốc, là một thiền viện lớn, cùng với chùa Ân Quốc ở Phù Thạch ở bờ Nam sông Lam. Vào đời nhà Hồ, Hồ Quý Ly rất chú trọng huấn luyện quân đội đề phòng quân Minh xâm lược. Từ năm 1397 trở đi, Hồ Quý Ly cho người đắp Thành Rum. Từ năm 1400, Thành Rum trở thành căn cứ quan trọng của nhà Hồ. Tuy nhiên, sau khi kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, cha con Hồ Quý Ly bị bắt đem về Kim Lăng. Nhà Minh lập chính quyền đô hộ nước ta, giặc ngoại bang biến Nghệ An thành phủ và chọn Lam Thành làm phủ trị.
.jpg)
.jpg)
Nói đến Lam Thành, không thể không nhắc tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo. Thực hiện kế sách của Nguyễn Chích, nghĩa quân tiến vào miền Tây Nghệ An theo đường thượng đạo và hạ xong thành Trà Lân (còn gọi Trà Long, nay thuộc địa bàn xã Bồng Khê - Con Cuông). Sau đó nghĩa quân xuôi theo dòng Lam xuống chiếm thành Nghệ An, làm bàn đạp tiến quân chiếm giữ các thành khác. Bình Định Vương Lê Lợi chủ trương cho quân lính vây thành Nghệ An, chặn viện binh của địch, buộc chúng phải đầu hàng vì lâm vào cảnh đói, rét. Vào tháng 2/1427, khi thế cùng lực kiệt, bị bao vây khắp các hướng, không cầu được viện binh và hoảng sợ trước sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, tướng giặc đã mở cửa thành và kéo 1 vạn quân ra hàng.
Chiếm được Lam Thành, Nghệ An được giải phóng, nghĩa quân Lam Sơn chia thành các mũi tiến công, tỏa đi khắp các vùng, miền để giành lại toàn bộ giang sơn Đại Việt.
“Núi Lam Thành đứng đó, chứng kiến bao cuộc thăng trầm trong lịch sử. Đặc biệt, ngót 400 năm Lam Thành là thủ phủ xứ Nghệ, bao sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra ở đây, bao con người tinh hoa dân tộc, đã có mặt ở đây, bao di tích lịch sử - văn hoá của quê hương đã và đang tồn tại ở đây...”.
Tác phẩm "Lam Thành - Ngọn núi lịch sử", tác giả Thái Kim Đỉnh
.jpg)
Trước những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, Di tích Núi Lam Thành, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1962 (Quyết định số 313/VH-VP ngày 28/4/1962). Vào tháng 7 năm 2024, UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức cuộc họp để làm rõ một số nội dung liên quan đến việc khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử cấp Quốc gia núi Lam Thành.
Nhằm tiếp tục bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích, cần phải giữ nguyên hiện trạng khu vực bảo vệ 1 và khu vực bảo vệ 2. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích và phải được bảo vệ nguyên hiện trạng về mặt bằng và không gian; khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1. Đồng thời, khảo sát đường lên di tích, cắm biển dẫn tích, sớm kiện toàn, đảm bảo công tác quản lý di tích trên địa bàn. Núi Lam Thành cũng đã được đưa vào đề án phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo tồn, quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, di tích hiện chưa được trùng tu hay khôi phục như kỳ vọng. Nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp hoặc bị bỏ hoang, gây nên nỗi niềm tiếc nuối. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tôn tạo các hạng mục của Di tích lịch sử văn hóa núi Lam Thành để đánh thức tiềm năng, thế mạnh của một danh thắng mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử và du lịch của quê hương.