Đường Chu Huy Mân - Tiềm năng du lịch ven đô

07/04/2014 13:56

(Baonghean) - Tôi yêu con đường lộng gió triền đê vào mùa hạ này; một bên là thôn mạc cựa quậy diện mạo phố, xanh xanh cây trái; bên kia gió vờn sóng cửa sông. Đường rải nhựa rộng rãi, hiện đại mang tên vị Đại tướng danh tiếng như để chở niềm tự hào xây dựng cuộc sống mới trên quê hương ông: Đường Chu Huy Mân, xã Hưng Hòa, TP. Vinh…

Đô thị nước Việt ta từ xa xưa vốn là xóm, là làng, tụ tập đông lên ở những nơi cận “giang”, cận “thị” mà nên trấn, thành phồn hoa đô hội làm nên sức sống ven đô. Ai cũng biết hàng trăm năm trước thời ngoại bang còn đô hộ, đất Hưng Hòa đang là làng chài lưới, làng dệt chiếu cói, ruộng đất mặn chua, nhà tranh xơ xác. Cách mạng về, làng quê thuộc tổng Yên Trường ấy cứ hồi sinh dần để là một xã vùng ven đô thị loại 1 phát triển như hôm nay.

Đường Chu Huy Mân.
Đường Chu Huy Mân.

Nối suốt một thôi đường du lịch ven sông Lam, tính từ đường Dũng Quyết (Bến Thủy) đến hết xóm Phong Hảo (Hưng Hòa) hướng xuôi Cửa Hội - đường Chu Huy Mân dài 3.600 mét, được gắn biển tên đường vào tháng 3/2013. Không biết thuở chàng trai 16 tuổi Chu Văn Điều (tên khai sinh của Đại tướng Chu Huy Mân; ông đổi tên vào năm 1935) tham gia cách mạng, con đường này đã là đê hay chỉ là đường mòn dọc bãi sông? Nhưng nay đi trên đường, phóng tầm mắt dọc lên Bến Thủy – Dũng Quyết, ngó lên Trường Thi – Yên Dũng, mường tượng về ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, trên đường này người đảng viên 17 tuổi, đội phó tự vệ xã Chu Văn Điều đã dẫn đầu dân cày xã Yên Lưu (Hưng Hòa nay) giương cao cờ búa liềm rầm rập hội quân công – nông đi đòi quyền sống.

Bây giờ người dân Nghệ An hẳn không ai không tự hào khi được giới thiệu với bạn bè, khách xa đến với xứ Nghệ về tuyến đường ven sông Lam ngày một chứng tỏ tiềm năng du lịch, dày dặn các di tích và cảnh quan sinh thái hai bên. Tính riêng quãng hơn ba cây số rưỡi đường Chu Huy Mân thôi, đã có bao chứng tích lịch sử chế ngự thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù. Đất và người đang lưu giữ, nhân lên những giá trị văn hóa được chắt lọc trải bao đời nơi cửa sông thao thiết dòng trong, dòng đục hòa về biển cả.

Đây kho xăng Hưng Hòa, trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ mở màn cho dã tâm chiến tranh phá hoại miền Bắc, và pháo cao xạ ta đã ghìm đầu lũ giặc trời xuống, bắn tan xác 3 máy bay vào ngày 5/8/1964 tạo chiến thắng nức lòng quân dân, ghi dấu son vào trang sử chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Đây cây cầu cảng cho tàu vào giao trả hàng mà màu mưa nắng cửa sông qua bao thập niên thử thách, nay thành “cánh tay” cổ tích cho bạn một đêm trăng thanh nhẹ bước chân lên đón gió, lắng nghe những bê tông, sắt thép ấy thầm thì kể chuyện những tháng năm… Và nữa là ngôi chợ nhỏ nét quê bên sông, bó muống bó hành, buồng cau thức quả, cái tép cái tôm… vẫn là của đất đai, sông nước ấy cho mỗi sáng khua động lao xao tiếng thổ âm miền Chân Phúc – Hoan Châu. Phải chăng chợ chứng cho người quê cần cù lam lũ, bám trụ mưu sinh nơi cửa bể mà chẳng biết tự bao giờ chợ có tên chợ Trụ? Náo nhiệt một thoảng chốc ban sáng thôi, là chợ tan để im lìm ngái cơn “ngủ ngày”, nhường sự sống động cho dòng Lam giang lách cách tiếng mái chèo nhà chài gõ mạn thuyền nan, ríu ran đàn chim chiền chiện chao cánh chuyền từ cù lao xanh hoang sơ vào nơi thôn mạc. Nắng mai vừa lên, là khi bãi sông ven đường mởn xanh thảm cỏ, tung tăng đàn bò đang là một mũi chăn nuôi quan trọng của ven đô Hưng Hòa. Bên rừng keo ken dày màu xanh đã mắt, là cơ man phau phau trắng vịt đàn của các trang trại mới…

Ven đô gợi hoài niệm xa xăm của đô hội phố phường. Nhưng ven đô cũng là nơi cho ta cảm nhận sức lan tỏa phát triển sung mãn của một đô thị trẻ. Hãy tạm “chia tay” với những cảm nhận cảnh vật thiên nhiên khoáng đạt bên mặt Đông đường Chu Huy Mân, để đến với những xúc cảm về sôi động đời sống bên mặt Tây đường: Những công trình công sở, nhà dân tươi ngói mới kiến thiết hiện đại mọc lên đã “vẽ” dần cho không gian còn đậm nét làng, xã ở Hưng Hòa một ngày không xa lên phường, lập khối. Nhưng có lẽ sẽ được lưu giữ mãi niềm quê hương mơ mộng ven đô bởi những điểm xuyết di tích, cảnh quan được xây dựng, khôi phục giữ gìn từ nhận thức văn hóa, ý thức tâm linh.

Khuôn viên và Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân.
Khuôn viên và Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân.

Đứng trên mặt đường Chu Huy Mân, nơi ngã rẽ đối diện “tam quan” tham quan chợ Trụ, có thể thấy rõ nhấp nhô cong vút mái đền Bà Cô huyền sử được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVI. Đó là ngôi đền thờ Công chúa Quế Hoa và các tiền bối họ Lê Nhữ từ triều thời Lê Trung Hưng từng hiển linh độ thế giúp dân, công trạng được tôn ghi ở 3 đạo sắc phong từ mấy đời vua triều Nguyễn, nay còn được kính cẩn giữ ở đền. Xuôi nữa, sát bên đường là Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân trong khuôn viên 7.743m2, trên mảnh đất của gia đình mà ông từng sinh ra và lớn lên, mai nay sẽ trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của xã ven đô, và là điểm dừng chân ý nghĩa trong bước hành hương về cội nguồn của khách du lịch tuyến ven sông Lam. Chung đường rẽ vào Nhà lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân là lối vào cổng làng nghề chiếu cói Phong Hảo vốn là nghề truyền thống có tuổi hàng thế kỷ. Nghề chiếu cói Hưng Hòa vẫn còn thủy chung với nếp lặn lội đồng cói, đồng đay và miệt mài khung dệt thủ công đêm đêm. Mấy thế hệ những tay dệt tầm nghệ nhân không ai bảo ban ai, gặp thời khó khăn vẫn nắn nót từng sợi gon, từng hoa văn cho sản phẩm chiếu mà không màng giá thành thấp cao này nọ. Nhà đủ ăn, nhà khấm khá hay đã là giàu có, chẳng từ nghề dệt chiếu mà nên, nhưng nói đến bỏ nghề là ai cũng rưng rưng luyến tiếc… Thế nên, trong chiến lược phát triển làng nghề truyền thống của TP. Vinh, đã có chú trọng hướng nâng tâm làng nghề chiếu cói Hưng Hòa thành một sản phẩm “tua” – tuyến du lịch văn hóa làng quê Việt…

Bấy nhiêu, chỉ là phác họa về một con đường đang “gánh” một vành đai ven đô của Thành phố Vinh. Xin dành cảm nhận cho bạn khi một ngày bạn đến, đi dọc trên đường Chu Huy Mân, làm một cuộc “đàm đạo” với đất và người ở đây, tôi chắc bạn cũng sẽ chia sẻ được niềm tự hào về một con đường giàu ý nghĩa tương lai cho Thành phố Vinh như vậy!

Đại tướng Chu Huy Mân (tên khai sinh là Chu Văn Điều) sinh ngày 17/3/1913, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh). Chu Huy Mân tham gia cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930 và có một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân và Quân đội ta.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và giữ chức Phó Bí thư, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977-1986), phụ trách công tác giúp Cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1980). Đồng chí còn là Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII; được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986). Đồng chí được Chủ tịch nước phong hàm Đại tướng năm 1980.

Đại tướng Chu Huy Mân nghỉ hưu tháng 12/1986; mất ngày 1/7/2006 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và quê hương cùng nhân dân cả nước…

Đình Sâm

Mới nhất

x
Đường Chu Huy Mân - Tiềm năng du lịch ven đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO