EU sắp có biện pháp kiểm soát biên giới mới?
(Baonghean.vn) - Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất thành lập một cơ quan biên giới và tuần duyên mới cho khối nước và lên kế hoạch tăng chi tiêu cho an ninh biên giới. Kế hoạch nói trên nhằm ngăn dòng người di cư đổ về từ các khu vực xung đột tại Trung Đông, châu Á và châu Phi.
EU đang lên kế hoạch về các biện pháp kiểm soát biên giới mới cho khối nước. Ảnh: AFP/Getty Images. |
Cao ủy phụ trách vấn đề di cư của EU Dimitris Avramopoulos phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp hôm 15/12: “Điều chúng ta hiện đang tạo ra là một châu Âu đích thực hơn”. Ông nói thêm rằng, bản đề xuất sẽ “cho phép chúng ta tiến tới sự đoàn kết, dứt khoát và quyết tâm cao hơn”.
Bản kế hoạch mới nhất của Ủy ban châu Âu nhằm tăng cường an ninh cho khối nước này trong khi vẫn duy trì việc đi lại tự do của 26 quốc gia trong khu vực Schegen. Đề xuất nói trên dự kiến sẽ thay thế cơ quan Frontex của EU bằng một cơ quan Biên giới và Tuần duyên châu Âu mới. Hiện nay, Frontex, điều phối các cơ quan biên giới quốc gia, có khoảng 400 nhân viên. Con số này dự kiến sẽ được tăng lên thành 1.000 khi các kế hoạch được triển khai.
Lực lượng mới sẽ nhận được khoản quỹ 322 triệu euro (354 triệu USD) cho đến năm 2020 và sẽ mở rộng năng lực, bao gồm lực lượng phản ứng nhanh và mạnh gồm 1.500 người luôn sẵn sàng trực chiến. Cơ quan mới cũng sẽ chịu trách nhiệm trục xuất những người không đủ điều kiện xin tị nạn tại châu Âu.
Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ mong muốn có đủ khả năng để triển khai các nhóm biên giới và tuần duyên “khi một quốc gia thành viên không thể hoặc không sẵn sàng đưa ra các biện pháp cần thiết”. Phó Chủ tịch Ủy ban Frans Timmermans cho biết có thể có “các tình huống ngoại lệ khi một quốc gia thành viên, vì bất cứ lý do gì, không thể tự mình ứng phó với tình hình”.
Timmermans nói thêm: “Trong một khu vực tự do di chuyển mà không có các đường biên giới bên trong, việc quản lý các đường biên giới bên ngoài của châu Âu phải là trách nhiệm chung”.
Khả năng triển khai lực lượng
Ước tính hơn 600.000 người di cư vượt biển tới châu Âu trong năm nay. Ảnh: dpa. |
Tuy nhiên, bản đề xuất trước tiên vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua trước khi thi hành, và các quốc gia như Hy Lạp hiện đã phát tín hiệu ngần ngại về chính sách phòng thủ rộng khắp EU.
Notis Marias, một nhà lập pháp Hy Lạp, phát biểu với hãng thông tấn Reuters: “Đề xuất đó đồng nghĩa với việc gián tiếp xâm phạm chủ quyền của chúng tôi… Chúng tôi sẽ không ủng hộ điều này”.
Timmermans đã tìm cách làm yên lòng các quốc gia thành viên phản đối bản kế hoạch phòng thủ chung của EU. Ông nói: “Hiện còn nhiều tranh luận về việc chúng tôi áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia thành viên… Đây là lưới an toàn. Hầu hết các quốc gia thành viên sẽ vui lòng chấp thuận sự giúp đỡ”.
Cao ủy phụ trách vấn đề di cư Avramopoulos cũng đã đăng tải thông điệp lên mạng xã hội Twitter: “Các quốc gia thành viên vẫn chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc quản lý các đường biên giới phía ngoài, chúng tôi không tước đi chủ quyền của họ”.
Bản kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ của Italy, theo đó Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã khẳng định lưu thông trong biên giới EU “không những phải tự do, mà còn phải an toàn”. Quốc vụ khanh Michael Roth của Đức phát biểu với báo giới tại Brussels rằng đất nước của ông “hết sức biết ơn việc Ủy ban châu Âu đã đưa ra bàn thảo các đề xuất đầy tham vọng này”.
Sức ép buộc thắt chặt kiểm tra biên giới đã gia tăng sau các vụ tấn công ngày 13/11 tại Paris. Một số kẻ tiến hành loạt vụ tấn công được cho là đã di chuyển theo tuyến đường di cư từ Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Trong khi đó, dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã giảm hơn một nửa vào tháng 11, xuống còn 108.000 người. Frontex cho biết sự chững lại này là do tình hình thời tiết đang xấu đi và sự thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới của EU.
Thu Giang
(Theo dpa, Reuters)
TIN LIÊN QUAN |
---|