EU-Trung Quốc: Cái bắt tay thực dụng

Thanh Huyền 10/04/2019 20:02

(Baonghean) - Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 21 kết thúc với một kết quả làm hài lòng cả hai bên. Sau các cuộc thương lượng gắt gao, một bản tuyên bố chung được ký kết với nhiều nội dung được coi là đột phá trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels.

Kết quả này khiến các nhà quan sát khá ngạc nhiên bởi cách đây không lâu châu Âu vẫn đánh giá Bắc Kinh là “đối thủ có hệ thống”. Vậy đâu là chất xúc tác cho mối quan hệ từ đối thủ chuyển sang đối tác?

Đôi bên cùng thắng

Có thể nói, cuộc họp thường niên, có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các quan chức hàng đầu của EU vừa diễn ra tại Brussel (Bỉ) có ý nghĩa như một “phép thử” về mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Cuộc họp năm nay diễn ra tại thời điểm nhạy cảm, một tháng sau khi Ủy ban châu Âu đánh giá Bắc Kinh là “đối thủ có hệ thống” trong một báo cáo đặc biệt với 10 điểm nhấn mạnh việc Trung Quốc không thể hiện thái độ sòng phẳng về thương mại. Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề lớn được đặt ra đối với Tập đoàn Huawei khi Mỹ muốn EU không quan hệ làm ăn với công ty này.

Từ trái qua, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc tại Brussels. Ảnh: Xinhua.
Từ trái qua, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Brussels. Ảnh: Xinhua.

Không khí căng thẳng của Hội nghị bao trùm đến phút chót. Thậm chí ngay trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng hội nghị khó ra được tuyên bố chung do các thành viên trong EU chưa thống nhất được lập trường và quan điểm trước một Trung Quốc đang nổi lên. Tuyên bố chung đã được chốt sau các cuộc thương lượng gắt gao vào phút cuối. Trong tuyên bố chung, hai bên đã đặt mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020. Trong tài liệu dài 7 trang nói về các vấn đề an ninh, ngoại giao và thương mại, hai bên cam kết “tiếp cận thị trường rộng rãi và thuận tiện hơn, không phân biệt đối xử”.

Tuyên bố chung sau hội nghị có thể xem là một thành công của Liên minh châu Âu, với việc đạt được một số nhượng bộ quan trọng từ phía Trung Quốc. Việc Trung Quốc thỏa thuận mở rộng tiếp cận thị trường, phản đối chuyển giao công nghệ bắt buộc và hợp tác cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới về trợ cấp công nghiệp được coi là tiến bộ. Đáng chú ý, lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra “thời gian biểu” về lộ trình cải cách của nước này, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của phía EU và khẳng định sẽ “nói đi đôi với làm”. Với châu Âu, những lời hứa này là kết quả của lập trường cứng rắn thời gian qua trên bàn đàm phán với Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, thành công của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 này là một chiến thắng ngoại giao quan trọng, nhất là khi các nhà lãnh đạo EU không đưa ra những tuyên bố mang tính đối đầu và không đề cập đến Trung Quốc với tư cách là “một đối thủ mang tính hệ thống” hoặc gọi các hoạt động thương mại của họ là bất công. Điều đó cho thấy, cách tiếp cận “mưa dầm thấm lâu” của Trung Quốc đang phát huy hiệu quả.

Trong những năm gần đây, châu Âu là mục tiêu được giới lãnh đạo Trung Quốc chú ý trong chiến lược mở rộng sáng kiến Vành đai Con đường. Nếu như ban đầu chỉ một vài quốc gia vùng Trung và Đông Âu hưởng ứng chính sách của Bắc Kinh vì được hưởng lợi từ những khoản đầu tư kếch xù thì nay, cánh phía Tây EU cũng đang “xuôi xuôi” với sáng kiến mang tính toàn cầu này của Trung Quốc. Italy vừa qua đã ký kết một loạt thỏa thuận song phương với Bắc Kinh để tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường. Ngay cả những nước như Đức hay Pháp cũng không tuyên bố là sẽ không tham gia “Vành đai, con đường” của Trung Quốc mà chỉ là đang đòi hỏi Trung Quốc đưa ra các giải thích rõ ràng, minh bạch hơn về cơ chế hợp tác cũng như lợi ích mà đại dự án này mang lại.

Chất xúc tác

Thực tế mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU tồn tại nhiều “nút thắt”, từ quan điểm, tư tưởng cho đến chính sách. Trong suốt nhiều năm EU duy trì chính sách “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với Bắc Kinh. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan buộc khối này phải mềm mỏng hơn với nền kinh tế khổng lồ châu Á. Bản thân các quốc gia châu Âu đã và đang trải qua thập kỷ đầy thách thức khi khủng hoảng nợ công 2008-2009 khiến hàng loạt quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế. Các quốc gia Đông và Trung Âu cũng rất cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cho mục tiêu phát triển nhằm theo kịp các nước phát triển hơn trong khối. Vì thế, việc Trung Quốc “chìa cành ô liu” với những khoản đầu tư kếch xù được nhiều nước EU chào đón nồng nhiệt.

Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), có tổng trị giá 11 tỷ USD. Ảnh Getty
Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), có tổng trị giá 11 tỷ USD. Ảnh: Getty

Với Trung Quốc, tất nhiên, “cái được” sẽ rất lớn nếu vươn dài “cánh tay” tới “lục địa già”. Không chỉ là khía cạnh kinh tế, tăng cường quan hệ với EU cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực vốn là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Đây sẽ yếu tố có lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược vị thế siêu cường hàng đầu thế giới với Mỹ.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố kinh tế, chính trị, không thể phủ nhận, nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump là “chất xúc tác” khiến Trung Quốc và EU buộc phải tìm đến nhau. Chủ nghĩa đơn phương bất chấp lợi ích đồng minh của Mỹ đang ngày càng làm nới rộng khoảng cách hai bờ Đại Tây Dương, buộc EU phải tự tìm ra những hướng đi mới để đảm bảo lợi ích an ninh và kinh tế của khối. Đương nhiên, việc lựa chọn bắt tay với Trung Quốc phần lớn nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế.

Không chỉ nhằm vào Trung Quốc, Mỹ còn mở rộng cuộc chiến thương mại sang các đồng minh châu Âu. Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), có tổng trị giá 11 tỷ USD với lý do “EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong nhiều năm”. Trước đó, lời đe dọa áp thuế lên nhôm và thép của một số nước trong đó có các nước châu Âu cũng gây “sóng gió” trong mối quan hệ đôi bên.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của EU nói chung và từng nước thành viên EU nói riêng. Vì thế, nếu nhìn từ khía cạnh này có thể thấy, cả hai bên đều cần bắt tay nhau để nhằm giảm bớt những thiệt hại do chính sách đơn phương của Mỹ mang lại. Không phải ngẫu nhiên, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 21, giới chức Bắc Kinh khẳng định sẽ tham gia Liên minh chủ nghĩa đa phương do Pháp và Đức đề xuất. Mặc dù phủ nhận liên minh này nhằm vào Mỹ, song ai cũng hiểu chính quyền Washington hiện nay đang thách thức trật tự đa phương toàn cầu. Việc Trung Quốc tham gia liên minh này với các nước châu Âu cho thấy hai bên cùng tồn tại quan điểm chung.

Mặc dù còn nhiều nghi ngại chưa thể khỏa lấp trong một sớm một chiều, nhưng vì lợi ích thực dụng đôi bên và vì mục tiêu chống lại quan điểm đơn phương của nước Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ cố gắng thu hẹp bất đồng, xoa dịu mâu thuẫn và tái cân bằng mối quan hệ đôi bên./.

Mới nhất

x
EU-Trung Quốc: Cái bắt tay thực dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO