Giấc mơ Mường Lống

Hà Giang - Ngọc Quý - Thùy Vinh 13/02/2018 06:44

(Baonghean.vn) -Trong chấp chới sương mù, những ngôi nhà mái trũng nằm nép lưng vào núi bên con đường mòn trắng xóa hoa mận. Những vườn cải ngồng, những nhành đào bung hoa thắm, sắc vàng, sắc hồng ánh lên giữa cái nền tôi tối của bức tranh xám mờ sương Mường Lống.

Trong chấp chới sương mù, những ngôi nhà mái trũng nằm nép lưng vào núi bên con đường mòn trắng xóa hoa mận. Những vườn cải ngồng, những nhành đào bung hoa thắm, sắc vàng, sắc hồng ánh lên giữa cái nền tôi tối của bức tranh xám mờ sương Mường Lống . Tôi đi giữa bầu không gian ẩm ướt và ngai ngái mùi sương ấy mà bỗng chốc quên mất rằng cả cuộc đời mình từng thuộc về phố. Mường Lống lạ, nhưng Mường Lống cũng quen. Tôi không thể diễn tả nổi vì sao nó lại có vẻ thân quen ấy mặc dù đây là lần đầu tôi đến.

Thức dậy ở một nơi xa…

Tôi chợt nhớ đến cái câu “thành ngữ mới” này mà các bạn trẻ vẫn quen dùng khi lên mạng, dù không hề thích những trào lưu kiểu dân mạng. Vậy mà, bỗng nhiên nó đã đến, vào tinh mơ ấy, khi tôi trở dậy bởi tiếng lanh canh vui tai lạ lẫm, khác biệt với tiếng còi xe hàng ngày mà tôi có trong nhịp sống bao năm của mình. Tôi nhận ra, trong căn phòng nhỏ chừng mươi mét vuông của các cô giáo mầm non ở Mường Lống mà tôi và những người đồng hành mượn nghỉ tạm này, tôi đang cách Vinh – cách thành phố mình sống chừng 300 cây số. Mới hôm qua, tôi đã trải qua quãng đường ấy với 7 tiếng ngồi xe, không hề vất vả như tôi hình dung dù con đường lên đến cổng trời này cũng cheo leo, men theo những sườn núi dốc tím biếc hoa lau. Ừ nhỉ, tôi đã đón ban mai ở thung lũng của sương và hoa, một thung lũng trên đỉnh núi cao đến 1480 mét và tiếng lanh canh thức tôi dậy là tiếng lục lạc đeo trên cổ đôi ngựa bạch của gia đình ông Và Nhìa Tu ở bản Mường Lống 1. Chúng đang vờn nhau trên bãi cỏ ngay đầu con dốc. Tiếng lục lạc vừa gần vừa xa, vừa quấn quýt lại vừa như rời rạc. Âm thanh ấy chỉ có được khi ở giữa vùng đất bao la khoáng đạt, trên những ngọn núi cao mây phủ, lãng quên những mùa mưa nắng đời thường. Thanh âm ấy vẫy gọi ta như tiếng vẫy gọi của đại ngàn, bí ẩn xa xăm. Lúc là tiếng thở dài của gió quệt vào muôn vàn cây lá khi là dư âm tiếng hú gọi dội vào vách đá. Những ban mai róc rách suối nguồn. Tiếng chim rơi trong hoàng hôn cổ xưa. Trên kia là bầu trời đầy sao lấp lánh.

Và tôi, đã không cưỡng lại được tiếng vẫy gọi ấy, ùa ra với sương mai Mường Lống. Sao mà mây và sương ở đây gần đến thế, quấn dưới chân người. Những bước chân rắn rỏi quen leo dốc đá, quen đi rẫy đi nương, quen đường kiếm củi tận cánh rừng xa, quen trĩu nặng gùi củi, gùi ngô, gùi rau... xuống chợ. Xập xòe nhịp váy đỏ, xanh trên những con đường nhỏ, lẩn khuất dưới những tán hoa mận bung màu tinh khiết. Và cũng lẩn khuất dưới những tán mận ấy, là những mái nhà nâu sẫm rêu phong của người Mông. Những ngôi nhà bằng gỗ tựa lưng về phía núi để chờ đón mặt trời sưởi ấm. Mái nhà trũng xuống bởi gió, mưa. Chỉ có bếp lửa trong những căn nhà ấy dường như không bao giờ tắt. Từ ngọn lửa sưởi ấm, đuổi thú dữ, nấu ăn…, người Mông đã xem đó là “ngọn lửa thiêng”, giữ ấm tinh thần mỗi mái nhà, mỗi linh hồn sống trong đó. Bây giờ, nhiều nhà người Mông Mường Lống đã dùng bếp ga, nhưng củi vẫn luôn đỏ lửa trong gian bếp ấy.

Chính vì thế, đến nơi đây, bạn sẽ bắt gặp bên chái nhà, củi được dựng sẵn rất nhiều, và cạnh đó, hoặc trong vườn nhà, người Mông luôn có một “gác củi” – thực chất đó là những căn chòi nhỏ, được lớp mái rất cẩn thận. Củi được chẻ đều đặn, xếp bằng nghiêm ngắn trong gác. Câu chuyện tối qua với anh Lầu Bá Chò – Bí thư xã Mường Lống trở lại trong tâm trí tôi. Anh nói người Mông nơi này không có lấy mẩu ruộng bằng, họ đã sống trên vách đá, canh tác trên vách đá bao nhiêu đời như vậy. Mường Lống toàn lèn đá, không có cây rừng, nên muốn có củi, người dân phải đi tận những cánh rừng bản xa. Gác củi lớn chừng nào, bếp rộng ấm chừng nào, mảnh vườn lớn chừng nào, đàn gà đen nhiều chừng nào…, chính là thước đo độ chăm chỉ, siêng năng của người Mông nơi cổng trời.

Trên con đường vào bản, những người Mông bình thản sống nhịp thường ngày, bình thản nhìn những người khách nơi xa, chỉ có lũ trẻ là thoáng chút tò mò rồi chạy thật nhanh trước ống kính máy ảnh. Một người phụ nữ đi lên từ con dốc nhỏ, chị biết đôi chút tiếng Kinh và nói chị đã trở dậy từ lâu để khơi bếp lửa được ủ tro nóng đêm qua, chăm đàn gà và con bò của gia đình. Hầu hết trong những khu vườn cỏ và mận của người Mông, đều ríu rít lũ gà đen, và ngan. Một người đàn ông tắm rửa cho cô con gái chừng 2 tuổi ngay trước hiên nhà, khi thấy chúng tôi ngạc nhiên “Không sợ con bé lạnh à?”, anh lắc đầu cười như chừng bảo, nó quen rồi. Và quả thực, cô bé con đứng yên trong chậu nước giữa cái giá sương Mường Lống với đôi mắt thích thú. Những đứa trẻ ăn mặc phong phanh, cầm ô, xôn xao, í ới rủ nhau tới trường trong những con đường mòn nằm dưới tán mận hoa trắng. Một vài đứa lớn hơn chậm rãi mang gùi củi, gùi rau nhẫn nại những bước chân vượt dốc. Một vài người đàn ông Mông với con dao đeo ngang hông, ngồi chặt gốc đào trên những khoảng đất bằng, hoặc phóng xe Win lao đi trên đường với nhành đào Xuân mang ra Thị trấn để bán. Ở một bể nước ven đường, một nhóm các bà, các chị đang tíu tít giặt giũ…

Những đôi mắt bên ô cửa

Trên con đường vào bản Mường Lống 1, chúng tôi đã dừng bước trước căn nhà gỗ nhỏ bé vì một thoáng mắt đen nhìn ra từ ô cửa – nơi lấy sáng duy nhất của căn nhà khi ấy còn đang chìm trong sương mù. Đôi mắt ấy là của Vừ Y Pà. Y Pà đang ngồi thêu trên chiếc ghế mây, 2 bàn chân kiễng lên, một bên vai tựa hờ vào bậu cửa. Cô chỉ thoáng ngẩng lên khi chúng tôi ồn ào đi qua cửa và ánh mắt đen thẳm của cô đã níu chúng tôi quay lại. Y Pả trẻ lắm, nhưng ánh mắt cô, đôi tay cô như lại muốn kể về một câu chuyện khác, không phải là câu chuyện hồn nhiên và tươi tắn của tuổi thanh tân. Y Pà trả lời chúng tôi ngập ngừng. Không hiểu vì cô ngần ngại, hay vì tiếng khóc của đứa trẻ trên giường và lời vỗ về của bà nội đứa trẻ làm cho cô bị phân tâm. Đứa trẻ 11 tháng tuổi ấy là con của Y Pà. Năm nay, Y Pà vừa 18 tuổi. Cô lấy chồng khi đang học dở lớp 10 trường nội trú của huyện. Chồng cô, sau khi đi lính nghĩa vụ đã từng học và tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, nhưng không xin được việc làm, giờ ở nhà đi rẫy. Y Pà người Huồi Tụ, về Mường Lống này làm dâu nhà ông Và Nhìa Tu. Cô nói sáng nay, cô mới đi thả ngựa. Đôi ngựa bạch mà tiếng lục lạc đeo cổ đã đánh thức chúng tôi, được Y Pà giong ra từ chuồng và đưa lên bãi cỏ đầu dốc. Rồi cô quay về, cho con ăn và bắt đầu công việc thêu thùa. Cô đang thêu một dải thắt lưng, những hoa văn đỏ xanh bật lên trên nền lanh trắng. Dưới đôi tay sạm đen và nứt nẻ vì giá lạnh nhưng đầy nhẫn nại ấy, những ngôi sao 8 cánh nở bung...

Tôi hỏi, cô đang nghĩ gì khi thêu những ngôi sao ấy. Y Pà cười khẽ, đôi mắt đen thoáng đung đưa. Tôi hỏi, có phải em đang thêu một giấc mơ của mình? Cô khẽ lắc đầu, ánh mắt đen cúi xuống, lại nhẫn nại theo từng mũi kim. Và tôi, vẫn kiên nhẫn để hỏi em một lời nữa, rằng, em bỏ học sớm như thế, có tiếc, có muốn đi học nữa không? Đáp lại tôi chỉ là cái gật đầu cũng thật khẽ. Cái gật đầu sẽ không nói được gì về việc tại sao bỏ dở việc học, tại sao đi lấy chồng quá sớm và có tiếc nuối gì về cuộc sống mà mình đã chọn và đã sống hay không. Cái gật đầu khẽ đến nỗi tôi dường như quên mất cả câu mình hỏi và chỉ kịp thoáng nhận ra rằng cô ấy thật đẹp, một vẻ đẹp đầy giản đơn mà cũng đầy bí ẩn.

Tôi lại nhớ về lời kể chuyện có chút ngậm ngùi của anh Bí thư Lầu Bá Chò, rằng ở Mường Lống, nếu một năm có chừng 50 cặp vợ chồng tới xã đăng ký kết hôn thì cũng có chừng ấy cặp vợ chồng kết hôn mà không đăng ký vì chưa đủ tuổi. Tảo hôn chính là một trong những nỗi trăn trở lớn nhất của anh cán bộ người Mông này khi về nhận công tác tại Mường Lống năm 2016.

Cũng bên một ngôi nhà ven đường, tôi gặp bà Vừ Y Mỵ, ngồi bên ô cửa. Bà nhìn ra con đường phía trước nhà, hút lên dốc xa, với ánh mắt dường như ngưng đọng. Tôi không rõ ánh mắt người đàn bà vừa 60 tuổi, sinh 9 người con với 2 người chồng, không hề biết tiếng Kinh và gần như cả cuộc đời chưa mấy lần đi ra khỏi thung lũng Mường Lống này biểu lộ cảm xúc gì. Chỉ biết, bà ngồi đó, im lặng như một bức tượng, như một thói quen được nhìn ngắm một chút gì đó sinh động sau những tháng ngày, giờ khắc bà lên nương, chăm sóc lũ con lớn lên, rồi sau đó chăm đàn cháu nhỏ, quạt lửa đỏ bừng gian bếp, ngồi tách ngô và xay ngô, làm những tấm bánh mèn mén những ngày xưa xa, và giờ đây tóc bà vẫn lấm bụi ngô dù món mèn mén đã lâu lắm không còn trong “thực đơn” của người Mông Mường Lống. Giờ bà chỉ xay ngô cho gà, cho lợn…Và trong gian bếp ấm mà vợ chồng bà đang sống cùng cậu con trai đầu tiên của người chồng thứ 2, bà quanh quẩn với con mèo mẹ và lũ con mới đẻ, 2 con chó gầy nhẳng, đứa cháu nội lém lỉnh giúp bà bỏ ngô vào cối mỗi khi bà hạ cái giằng xuống để làm công việc mỗi ngày gần 60 năm qua.

Tôi hỏi bà về rằng thời trẻ bà đã từng mơ ước gì? Cô con dâu thứ người Mông của bà Y Mỵ, nhà ngay kế bên là Dềnh Y Xì “phiên dịch” giúp tôi, nhưng cô cũng nói luôn trước rằng: Sẽ không có câu trả lời đâu. Chưa bao giờ mẹ em bày tỏ một mong muốn gì, với ai. Và đúng vậy, tôi thấy bà lắc đầu. Thế bây giờ bà ấy có mơ ước gì không, một nguyện vọng nào đó chẳng hạn? Tôi hỏi. Dềnh Y Xỳ lại dịch cho bà nghe, để rồi tôi vẫn nhận được cái lắc đầu. Bà hài lòng với cuộc sống của mình chứ? Lần này thì bà mỉm cười với tôi và nói với cô con dâu: ‘Đúng vậy”.

Con dâu bà, Dềnh Y Xỳ là một cô gái xinh đẹp, người bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ đã gặp con trai của bà Y Mỵ thời 2 người học chung cấp 3 và sau này cùng theo học tại Đại học Y Vinh. Y Xỳ lấy chồng cách đây vài năm, cô giờ đã là mẹ của 2 đứa trẻ: đứa 3 tuổi và đứa 3 tháng. Cả 2 vợ chồng đều học hệ trung cấp y và ra trường đều không xin được việc. Họ trở về, lấy nhau và bắt đầu cuộc sống mưu sinh như bao nhiêu người Mông khác ở Mường Lống, bằng rẫy, bằng vườn, bằng những bước chân ra chợ… Tôi cũng hỏi Dềnh Y Xỳ về mong muốn của cô. Cô nói giờ đây, cô chẳng mong muốn gì. Cô thấy cuộc sống của mình khá yên ấm, với người chồng thương vợ và cô đã quen với cuộc sống này đến nỗi, cô chẳng nghĩ mình sẽ cần điều gì thêm nữa. Có chăng, đôi lúc nhớ bố mẹ đẻ, thì chồng lại nói cô về thăm nhà. Cô nói, cũng như mẹ cô vậy, bao nhiêu người phụ nữ Mông ở đất này đã sống mà chưa bao giờ nói ra giấc mơ của mình. Mẹ cô đã sống 60 năm qua, không cần đi ra khỏi cổng trời nhưng chưa bao giờ thấy bà có một lời than vãn về bất cứ điều gì trong cuộc sống.

Sau cuộc trò chuyện ngắn ngủi với chúng tôi, Y Xỳ bế đứa con nhỏ, đặt vào cái địu sặc sỡ ấm áp và đeo ra sau lưng. Cô nói, cô ra chợ đây, và nhờ mẹ chồng để mắt giùm đứa trẻ lớn đang chơi với chị họ bên chái nhà, nơi có chú gà Mông đang vắt vẻo trên thanh xà áp mái.

Dọc con đường vào bản hôm ấy, tôi còn gặp rất nhiều đôi mắt người phụ nữ Mông bên ô cửa như thế. Họ ngồi thêu, họ ngồi ôm con hay giản đơn là chỉ để nhìn ra những vườn mận, nhìn ra những con đường… Và tôi chợt thấy mình ngớ ngẩn khi cứ muốn biết những đôi mắt ấy nói gì. Phải chăng, tôi đã luôn áp đặt những suy nghĩ của chính mình – một người phố xa lạ vào cảm xúc của những người đàn bà ấy trong khi cuộc sống của họ giản đơn, tự tại hơn rất nhiều.

Những người đàn bà Mường Lống. Họ đã làm đàn bà từ khi tuổi đời còn quá trẻ. Họ là những người vợ, người mẹ quanh năm sống trong ngôi nhà nhỏ bé thấp lè tè, trên nương rẫy, trên những ruộng bậc thang lưng núi, nhiều người cả đời không biết đến thị thành. Họ không nói nhiều, có lẽ ngôn ngữ của họ gửi cả vào những may vá thêu thùa và việc chăm sóc gia đình. Lầm lụi nhưng không khổ hạnh. Đó là một thế giới riêng, cái thế giới có vẻ như không sự nhốn nháo hay náo loạn nào xâm lấn được. Chỉ còn là bình yên. Thứ bình yên gần gũi vô cùng với niềm hạnh phúc.

Nỗi nhớ ngày về

Và tôi trở về, mang theo mình những ánh mắt bên ô cửa của những người đàn bà Mường Lống. Những người đàn bà, tôi không biết họ buồn hay vui. Những người đã coi công việc mà mình làm hàng ngày như cả thế giới, trọn vẹn thế giới. Mang theo những ngôi sao 8 cánh chợt nhiên bung nở trên tấm vải lanh trắng, dưới đôi bàn tay sạm đen, nứt nẻ trong sương giá. Tôi cứ hình dung rằng cô bé – người đàn bà 18 tuổi đã làm mẹ ấy, mỗi sớm giong ngựa lên dốc cỏ trong tiếng lục lạc vang vang. Cô ấy có nhớ mình đã từng mơ gì, hay có thể đó là lúc cô ấy đang thả đi giấc mơ của mình vào âm thanh chuông gió ấy? Có thể những mơ ước đã từng có, những khát khao đã từng được nhen lên, nhưng khi đắm mình vào thế giới ấy, họ không còn nghĩ đến chúng nữa, hoặc chúng đã biến thành một làn gió tản mát khắp nơi trong cuộc sống của họ. Những khát vọng ấy trở nên nhẹ tênh, đến nỗi nó không gợn lên những khắc khoải nữa. Họ sống trong thế giới của mình, êm đềm và thản nhiên cứ như thể nếu sống được cả ngàn năm họ cũng sẽ mãi như vậy.

Nhưng vô hình trung, thế giới được vây bọc bởi những sự dịu dàng bình thản ấy lại trở nên độc lập và đẹp đẽ không ngờ. Tôi không thấy họ than vãn, và sự im lặng của họ không phải là sự cam chịu. Nó tự nhiên, như sự im lặng của màn sương mỗi sớm giăng trên đỉnh núi, như sự miệt mài của suối cứ róc rách tự ngàn năm. Nó như cái nhịp điệu trong một bài ca của chính họ: “Lớn lên anh theo cha đi cày nương/ Theo anh đi vào rừng săn thú/ Lớn lên em theo mẹ tập thêu/ Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới.”

Tôi trở về, mang theo giấc mơ của chính mình, hay có thể chỉ là một thoáng mơ về cuộc sống yên ả bất ngờ hiện lên dưới những tán mận mà hoa và sương đã bay mải miết trong những ban mai. Mang theo nỗi nhớ về những ngôi nhà mà mái nó như trũng xuống để gói ghém bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu thân phận, bao nhiêu giấc mơ, bao nhiêu buồn vui ngàn đời của những con người đã chọn nơi cao nhất sinh sống và chinh phục rồi hòa cùng với tự nhiên mà sống đời hồn nhiên. Mang theo cái hơi bếp ấm ánh lửa đỏ và nồng bụi ngô. Nơi ấy, ngọn lửa không bao giờ tắt.

Tôi bỗng hiểu vì sao mình thấy Mường Lống gần gũi đến vậy. Chẳng phải rằng trong thẳm sâu mỗi con người đều có khát vọng về một thứ bình yên như thế? Chẳng phải Mường Lống đã xa và gần như trong một giấc mơ của tôi, suốt một tuổi trẻ đã yêu, và chạm ngưỡng trung niên đã bắt đầu biết chiêm nghiệm?

Tại sao không chứ? Tại sao bạn lại không lên Mường Lống – Mường Quên ấy một lần. Nơi mà cây mận tam hoa đã thay thế cho màu hoa thuốc phiện bao nhiêu năm qua, và sự quyến rũ bây giờ không đến từ làn khói trắng ấy nữa mà đến từ cảnh sắc mê đắm lòng người, đến từ nhịp sống chậm rãi chảy trôi trên những dốc núi? Hẳn rằng, nếu đã đến nơi ấy một lần, bạn sẽ như tôi, sẽ mong mỏi một ngày trở lại, đến vô cùng.

Theo Ảnh: Trung Hà - Kiên Rose - Hải Vương
Copy Link

Mới nhất

x
Giấc mơ Mường Lống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO