Chợ mạ 'độc nhất vô nhị' ở Nghệ An

Thanh Phúc - 22/02/2023 06:42
(Baonghean.vn) - Chợ mạ "độc nhất vô nhị" này ở xã Thanh Dương (Thanh Chương). Chợ bán những bó lúa non để người dân về dặm ruộng. Chợ hoàn toàn tự phát và họp độ mươi phiên là kết thúc.

Nhu cầu của người dân mua mạ cấy dặm lại diện tích lúa bị chết, bị ốc cắn phá tăng cao. Do đó, nhiều năm nay, người dân xã Thanh Dương (Thanh Chương) đã có dịch vụ bán mạ non cho các hộ có nhu cầu.

Dù đã tìm nhiều cách để diệt trừ nhưng nhiều ruộng lúa vẫn bị ốc bươu vàng cắn phá nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương) làm 3 sào ruộng, hoàn thành việc gieo cấy từ sau Tết Nguyên đán. Đến nay đã vào kỳ lúa bén xanh. Thế mà ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc trên các ruộng lúa, cắn phá lúa non khiến cây lúa chỉ còn trơ gốc.

“Chưa vụ lúa nào ốc bươu vàng xuất hiện nhiều như vụ này. Các thửa ruộng đều bị ốc phá hoại đến 80%, bắt diệt không nổi… Giờ phải tìm mua mạ để cấy dặm chứ biết làm sao được”, bà Lộc cho biết.

Người dân xã Thanh Khai tỉa dặm lại lúa. Ảnh: Thanh Phúc

Làm 7 sào ruộng, dù ban ngày lẫn ban đêm soi đèn bắt ốc, phun thuốc diệt trừ nhưng hiện tại hơn nửa số diện tích lúa của chị Nguyễn Thị Xuân (Thanh Khai, Thanh Chương) bị ốc bươu vàng cắn phá đến 90%. Dù đã tìm đủ mọi cách: Nhổ mạ chỗ dày dặm vào chỗ bị ốc cắn phá; xin mạ của anh em để cấy dặm nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều. “Giờ phải đi mua mạ để dặm lại chỗ ốc đã cắn phá. Tính sơ sơ cũng hết tiền triệu”, chị Xuân cho biết.

Những hộ gieo sạ, lúa dày quá thì tỉa nhổ lúa. Ảnh: Thanh Phúc

“Nhà làm 6 sào ruộng. Gieo sạ hoàn toàn. Nay, lúa đã lên xanh, đến giai đoạn bón thúc nhưng do vãi giống không đều tay nên nhiều chỗ dày quá, giờ phải tỉa bớt. Do đó, tôi thuê 3 người tỉa lúa với tiền công 300.000 đồng/người/ngày.

Số mạ tỉa được, tôi mang ra chợ bán. Giá mỗi bó mạ dao động từ 15.000-25.000 đồng/bó (tuỳ giống lúa, tuỳ độ cứng cáp của mạ). Nhẩm sơ sơ thì số mạ tỉa được từ 6 sào ruộng cũng bán được khoảng 1 triệu đồng, đủ tiền thuê người nhổ tỉa”, ông Nguyễn Trọng Tuệ, xóm Trường Lĩnh, xã Xuân Tường (Thanh Chương) cho biết.

Số mạ dư thừa được đem ra chợ bán. Ảnh: Thanh Phúc

Sau khi tỉa, dặm lại ruộng lúa của gia đình còn thừa 20 bó mạ, bà Nguyễn Thị Liễu (xóm Dương Nam, xã Thanh Dương) mang ra chợ bán. Giống lúa thuần, mạ nhỏ cây nên bà bán với giá 10.000 đồng/bó. Chỉ trong vòng 10 phút, bà bán hết số mạ trên. “Năm nay, ốc bươu cắn phá nhiều nên nhu cầu dặm lại lúa của người dân nhiều lắm. Do đó, người dân dư mạ đều đưa ra đây bán”.

Trước đây, mạ thừa sau vụ cấy, sau khi tỉa dặm thì nhà thừa cho nhà thiếu hoặc đem cắt ngang gốc về làm thức ăn cho trâu, bò chứ không có chuyện bán mua. Những năm gần đây, khi nhu cầu mạ để dặm ruộng tăng cao nên hình thành chợ mạ.

Mỗi bó mạ được bán với giá từ 10.000 - 25.000 đồng/bó, tuỳ loại giống và độ cứng cáp của mạ. Ảnh: Thanh Phúc

Chợ mạ của người dân vùng chợ Cồn (Thanh Chương) hoàn toàn tự phát, người thừa mạ mang đến bán, người thiếu mạ đến mua. Giá mạ cũng do người mua, kẻ bán tự giao ước, tuỳ theo giống lúa, độ cứng cáp của mạ mà có giá cao hoặc thấp. “Cây lúa có thì, cây mạ có tuổi” do đó chợ mạ cũng chỉ họp độ mươi phiên rồi giải tán.

Cũng nhờ chợ mạ nên cây lúa chết do thời tiết, do ốc bươu vàng cắn phá hay do thiếu nước… cũng được cấy, dặm lại không bị bỏ hoang.

Chợ mạ ở Thanh Dương, Thanh Chương. Clip: Thanh Phúc
Các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng

1. Biện pháp thủ công, canh tác

+ Làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.

+ Bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau.

+ Có thể sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống... dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom.

+ Đánh rãnh thoát nước (25 x 5 cm) cách nhau 10 - 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rãnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay.

+ Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

+ Cắm cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương kênh tưới để thu hút ốc đến đẻ trứng và thu gom dễ dàng.

+ Dùng vôi, tuy tốn công nhưng rất hiệu quả trừ ốc bươu vàng ngoài ra còn giúp cải tạo đất, liều dùng 500 kg/ha. Có thể xử lý vôi kết hợp với bón lót lân vào giai đoạn chuẩn bị ruộng....

+ Cho nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc.

+ Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại. Ở nhiều nơi nông dân có kinh nghiệm không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế ốc bươu vàng di chuyển và gây hại. Giai đoạn chuẩn bị làm đất nếu cày bừa kỹ, cày sâu thì có thể diệt được ốc bươu vàng nằm vùi dưới ruộng. Ở nhiều nơi sau khi thu hoạch, bà con cày lật ngay để hạn chế ốc bươu vàng lứa sau.

2. Biện pháp hóa học:

Những ruộng có mật độ ốc cao, nên dùng các loại thuốc như: Viniclo 700WP, Pazol 700WP, Map passion 10WG... Theo kinh nghiệm của nông dân, chỉ cần phun 1 lần, đúng theo hướng dẫn, diệt ốc cả vụ.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO