Giải pháp bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch ở Nghệ An
(Baonghean) - Nghệ An đang là địa bàn hấp dẫn về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch về văn hóa, lịch sử, lễ hội, tâm linh. Lượng khách du lịch đến Nghệ An ngày càng tăng, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường du lịch đang là vấn đề cần quan tâm.
Nhiều cơ sở du lịch còn xả thải ra môi trường
Qua theo dõi, khảo sát của ngành Tài nguyên và Môi trường cho thấy, một số địa điểm vùng giáp ranh Nghi Sơn (Thanh Hóa), cửa lạch, cảng biển của Nghệ An bắt đầu có dấu hiệu biến động cần quan tâm như: Chỉ số chất rắn lơ lưng (TSS), Coliform...
Cùng đó, ở nhiều địa điểm du lịch chưa quan tâm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, tình trạng vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường vẫn còn.
Ngay ở một số nơi khai thác du lịch sinh thái nhưng chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh tối thiểu... khiến du khách cảm thấy ái ngại, nhất là khách quốc tế. Cùng với đó, chất thải từ các cơ sở lưu trú hầu hết chưa được thu gom, xử lý đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.
Cửa biển của các làng chài của xóm 11 A, 11B và xóm 16 (Diễn Thịnh) ngất ngưởng những đống rác thải chạy dài theo mép biển. Ảnh: Thanh Yên |
Theo tính toán, lượng nước thải do hoạt động du lịch thải ra trên địa bàn tỉnh khoảng 900 triệu m3/năm, tuy nhiên, số lượng cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chiếm rất ít.
Đa số các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng chỉ có hệ thống bể phốt xử lý nước thải từ nhà vệ sinh để xử lý sơ bộ rồi thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; Vấn để thu gom chất thải rắn tại nhiều điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ,… còn bất cập, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường, như việc phân loại rác, việc bố trí các điểm trung chuyển rác thải chưa hợp lý,…
Việc xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, sân golf, các khu vui chơi, giải trí đã làm thu hẹp diện tích dải đất ven biển, giảm diện tích rừng phi lao phòng hộ ven biển. Hậu quả, gây xói lở bờ biển ở một số địa phương,…
Bãi tắm sát với hệ thống nhà hàng, khách sạn của khu du lịch biển Diễn Thành (Diễn Châu) phủ kín các loại rác thải. Ảnh chụp tháng 7/2019, Ảnh: Cảnh Yên |
Giải pháp bảo vệ môi trường
Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, Nghệ An cần khuyến khích ứng dụng công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tái sử dụng chất thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch; khuyến khích và hỗ trợ phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Cùng với đó, quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên môi trường; thực hiện tốt quy hoạch về nguồn cung cấp nước sạch cho đô thị và các vùng nông thôn, nhất là các vùng du lịch, vùng kinh tế trọng điểm.
Tăng tỷ lệ chi cho hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch nói riêng từ các nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ Trung ương.
Nên khuyến khích phát triển du lịch bền vững, du lịch sinh thái bằng cách áp dụng “chính sách tiêu thụ xanh” và thực hiện quản lý tiết kiệm năng lượng ở các nhà hàng, khách sạn; quản lý chất thải với chiến lược 4R: Rethink (Suy nghĩ lại), Reuse (Tái sử dụng), Reduce (Giảm xả thải), Recycle (Tái chế)… Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong hoạt động du lịch.
Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Cửa Lò thu gom rác thải trên bãi biển. Ảnh: Lâm Tùng |
Nâng cấp, bảo trì, sửa chữa hệ thống giao thông phục vụ vận chuyển khách du lịch được tốt hơn để hạn chế phát sinh bụi, đặc biệt là một số tuyến đường đến các điểm du lịch nổi trội nối các điểm du lịch với các tưyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện.
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước tại các khu du lịch; hạn chế ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt là dùng bể phốt 3 ngăn cho nước thải vệ sinh và bể lắng lọc cho nước thải tắm rửa. Tỉnh và các doanh nghiệp cũng cần đầu tư thêm các nhà vệ sinh công cộng di động dọc các đường dạo chơi để phục vụ khách du lịch.
Thu gom rác thải ở biển Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng |
Cùng đó, xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, đảm bảo 95% chất thải rắn đô thị và khu du lịch được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; hoàn thành các dự án xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn, xây dựng hệ thống thoát nước và các cơ sở xử lý nước thải, đặc biệt các cơ sở có nước thải tại các khu du lịch, các vùng nhạy cảm sinh thái. Khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ xử lý chất thải, áp dụng công nghệ để ứng phó với các sự cố môi trường.
Lấy mẫu quan trắc nước biển tại thị xã Cửa Lò. Ảnh: Tư liệu |
Trong khai thác du lịch, các cơ quan quản lý phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch; đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.