Giải pháp chống rét cho mạ của nông dân miền núi Nghệ An

Thái Hiền 02/01/2019 10:49

(Baonghean.vn) - Trong những ngày đầu năm mới, nhiệt độ tại huyện miền núi Anh Sơn xuống thấp, từ 8 - 13 độ C. Hiện nay, bà con nông dân Anh Sơn đang khẩn trương sử dụng nhiều biện pháp để chống rét cho mạ nhằm giảm thiểu lượng mạ chết rét và giúp thóc giống nảy mầm thuận lợi.

Để thóc giống nảy mầm đều, nông dân Anh Sơn ngâm và thay nước ấm đều đặn. Ảnh: Thái Hiền
Để thóc giống nảy mầm đều, nông dân Anh Sơn ngâm và thay nước ấm đều đặn. Ảnh: Thái Hiền

Mặc cho cái rét căm căm, những ngày này trên cánh đồng thôn Kẻ May, xã Cẩm Sơn, bà con nông dân vẫn hối hả ra đồng bắc mạ để kịp gieo cấy đúng lịch thời vụ. Chị Hà Thị Hiền ở thôn Kẻ May chia sẻ, thời điểm bắc mạ lại gặp đúng đợt rét đậm, rét hại nên để thóc giống nảy mầm, gia đình chị đã dùng nước ấm 3 sôi 2 lạnh và hộp xốp có nắp đậy ngâm ủ thóc. Chị còn thường xuyên thay nước ấm để đảm bảo thóc nảy mầm đều.

Theo kinh nghiệm lâu nay của chị Hiền, khi tiến hành gieo mạ vụ xuân phải chuẩn bị ni lông, tre nứa để che chắn cho mạ. Thời gian che chắn tránh rét cho mạ kéo dài khoảng 15 - 20 ngày. Lúc đó, cây mạ phát triển tốt, sức đề kháng cao nên giảm thiểu được lượng mạ chết rét.

Nông dân Anh Sơn làm khung, phủ ni lông chống rét cho mạ. Ảnh: Thái Hiền

Tại thôn 11, xã Hoa Sơn, mặc dù thời tiết rét căm căm nhưng không khí xuống đồng khá tấp nập. Bà Hà Thị Thưởng cho biết: Vụ xuân này nhà bà cấy hơn 4 sào giống lúa NA2. Mấy hôm nay, mặc dù trời giá rét nhưng để đảm bảo thời vụ khép kín trước Tết nên bà đã tiến hành gieo mạ.

Để chống chọi với thời tiết giá rét, bà Thưởng đã đắp bờ cao chống nước từ ngoài tràn vào gây ngập úng, hơn nữa giữ được nước trong ruộng cho ấm chân mạ rồi che phủ ni lông xung quanh. Hy vọng thời tiết không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây mạ và có thể hoàn tất việc gieo cấy trước Tết Nguyên đán.

Vụ xuân năm 2019 huyện Anh Sơn gieo trồng 3.250 ha lúa. Để giành thắng lợi trong sản xuất vụ xuân năm nay, ngành Nông nghiệp huyện tập trung chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, xây dựng cánh đồng lớn lúa thuần chất lượng cao từ 5 - 7 cánh đồng, mỗi cánh đồng từ 30 - 50 ha. Theo khung lịch thời vụ, toàn huyện Anh Sơn sẽ tiến hành gieo mạ bắt đầu từ ngày 8/1 - 20/1/2019; cấy từ 28/1 - 12/2/2019.

Dùng ni lông che chắn cho mạ. Ảnh: Thái Hiền
Dùng ni lông che chắn cho mạ. Ảnh: Thái Hiền

Để phòng tránh giá rét làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mạ, Anh Sơn chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới bà con áp dụng biện pháp che phủ ni lông 100% diện tích, thường xuyên thăm đồng theo dõi sự phát triển của cây mạ. Trong thời gian che ni lông cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần phải mở hai đầu ni lông vào ban ngày để thoát hơi nước, giúp cây quang hợp tốt hơn. Nếu đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy ni lông.

Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp mạ ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần cho nước ở mức 2 cm để giữ ấm. Tuyệt đối không được bón đạm urê hoặc phân bón lá giàu đạm cho mạ trong những ngày này./.

Mới nhất

x
Giải pháp chống rét cho mạ của nông dân miền núi Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO