Giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới
(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nội dung chính được thông qua tại hội nghị thống nhất danh sách người người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới do UBND tỉnh Nghệ An và Ủy ban chính quyền 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào phối hợp tổ chức vào sáng 28/12 tại thành phố Vinh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Ly |
Dự hội nghị, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, lãnh đạo 6 huyện có chung biên giới với Lào gồm Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương.
Về phía nước bạn Lào có các đồng chí: Pheng Căn Nha Nhim - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn; Bun Sỏn Sỉ Nuôn Thoong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng, thành viên các tổ chuyên viên liên hợp 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng.
Thượng tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Khánh Ly |
Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, UBND tỉnh Nghệ An và UBND 2 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng đã chỉ đạo các tổ chuyên viên liên hợp của các bên phối hợp chặt chẽ với nhau để tiến hành các đợt song phương điều tra, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa các tỉnh.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, tỉnh Nghệ An và các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đã thống nhất theo thỏa thuận.Ảnh: Khánh Ly |
Trong năm 2018, hai tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh Nghệ An và Hủa Phăn (Lào) đã thực hiện được 2 đợt điều tra song phương; phân loại, lập danh sách gồm 5 hộ/23 khẩu người Việt Nam di cư tự do và 187 người kết hôn không giá thú trên địa bàn 2 huyện Sầm Tớ và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn. Tất cả đều đủ điều kiện ở lại sinh sống tại nước sở tại theo quy định thỏa thuận. Về phía tỉnh Hủa Phăn có 137 người đang cư trú, sinh sống trong vùng biên giới thuộc các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An).
Đồng chí Pheng Căn Nha Nhim - Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn (Lào) mong muốn tỉnh Nghệ An sẽ tạo điều kiện cho công dân Lào sinh sống ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Ly |
Hai tổ chuyên viên liên hợp của tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) đã thực hiện được 3 đợt song phương điều tra, phân loại và lập danh sách 46 hộ/253 khẩu người Việt Nam di cư tự do và 55 người kết hôn không giá thú trong vùng biên giới thuộc các huyện Mường Mộc, Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng. Trong đó chỉ có 1 khẩu không đủ điều kiện ở lại nước sở tại vì không chấp hành nghiêm pháp luật của nước bạn Lào.
Ông Bun Sỏn Sỉ Nuôn Thoong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng. Ảnh: Khánh Ly |
Tại hội nghị, các bên đánh giá quá trình hợp tác giữa các tỉnh của hai nước trong việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào tương đối tốt. Việc thực hiện thỏa thuận là phù hợp với lợi ích của hai Đảng, hai Nhà nước, bảo đảm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào nói chung, Nghệ An - Xiêng Khoảng; Nghệ An - Hủa Phăn nói riêng, góp phần đảm bảo an ninh biên giới quốc gia giữa 2 nước.
Các bên ký biên bản thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới. Ảnh: Khánh Ly |
Các bên cũng ký kết biên bản thỏa thuận thống nhất tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ người dân trong khu vực biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền; Nghị định thư về đường biên, mốc quốc giới giữa chính phủ 2 nước nhằm chấm dứt tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới trên địa bàn các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng (Lào) và Nghệ An (Việt Nam). Các bên cũng cam kết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng sớm hoàn thành công tác trao trả, tiếp nhận người di cư tự do thuộc diện phải trả về nước gốc; thực hiện tốt việc bố trí định canh, định cư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Hướng dẫn người di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú ở nước sở tại và người phải trở về nước hoàn tất hồ sơ để được cấp các giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch và các giấy tờ cần thiết khác trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Ly |
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt, tỉnh Nghệ An và các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng sẽ khắc phục mọi khó khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc; phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đã thống nhất theo thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Ly |
Vùng biên giới tỉnh Nghệ An tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng gồm 3 huyện, 51 xã, 3 thị trấn (trong đó có 17 xã biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng gồm các xã Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Tri Lễ (Quế Phong); Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương); Mỹ Lý, Bắc Lý, Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Loi, Nậm Cắn, Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn (Kỳ Sơn); có 08 dân tộc sinh sống, gồm (Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Hoa, Tày Poọng, Ơ Đu).
Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề làm nương, phát rẫy, tự cung, tự cấp, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao ( 60% theo chuẩn mới), còn nặng về tư tưởng du canh, du cư. Mối quan hệ thân tộc, dòng tộc, dòng họ 2 bên biên giới khăng khít đặc biệt là đối với đồng bào Mông. Tình hình di cư tự do và kết hôn không giá thú có lịch sử từ xưa, trong giai đoạn hiện nay diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng chủ yếu là địa bàn có người Mông sinh sống.