Giáo dục ngoài công lập ở Nghệ An: Cơ sở 'lao đao', giáo viên sống bằng nghề 'tay trái'

(Baonghean.vn) - Dịch bệnh kéo dài và học sinh không thể đến trường đẩy nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập rơi vào tình trạng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều giáo viên đã phải bỏ nghề và không ít đơn vị đã phải đóng cửa, phá sản.

Giáo viên sống bằng nghề tay trái

Đã gần nửa năm nay, cô giáo Ngô Thị Sao - giáo viên một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn phường Hưng Phúc (TP. Vinh) sống bằng nghề tay trái với một gian hàng nhỏ, đầu đường Hermann Gmeiner. Gọi là gian hàng nhưng thực chất chỉ là vài cái mẹt, trên đó bày một số mặt hàng quê do mẹ của chị gửi xuống hằng ngày.

Việc nghỉ học kéo dài khiến cho nhiều trường ngoài công lập rơi vào khó khăn. Ảnh: MH
Việc nghỉ học kéo dài khiến cho nhiều trường ngoài công lập rơi vào khó khăn. Ảnh: MH

Việc buôn bán cũng chỉ tranh thủ vài tiếng buổi sáng, bởi những người kinh doanh không có hàng quán cố định nếu gặp phải Đội đô thị trật tự sẽ bị xử lý. Ngoài bán hàng, cô giáo Sao còn hằng ngày nấu thêm tào phớ, chè để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù thu nhập không đáng là bao nhưng nhờ có gian hàng này, gia đình có thêm đồng ra đồng vào để chi phí hằng ngày. Trong khi đó, việc chính của chị thì chưa biết đến bao giờ mới có thể tiếp tục.

Trước đó, cô Sao vốn là giáo viên Âm nhạc và đã có 3 năm dạy hợp đồng ở một trường tiểu học ở huyện Quỳ Châu. Một thời gian, do không có chỉ tiêu biên chế, chị học thêm chuyên ngành Mầm non rồi xin chuyển xuống một trường mầm non công lập ở thành phố. Sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi, không có cơ hội tuyển vào chính thức chị lại xin chuyển sang trường ngoài công lập để công tác.

Các cơ sở mầm non ngoài công lập ở huyện Quỳnh Lưu không tuyển đủ học sinh vì nhiều phụ huynh còn lo ngại khi con đến trường trong mùa dich. Ảnh: MH
Các cơ sở mầm non ngoài công lập ở huyện Quỳnh Lưu không tuyển đủ học sinh vì nhiều phụ huynh còn lo ngại khi con đến trường trong mùa dịch. Ảnh: MH

Nhà ở huyện Nam Đàn nhưng 1 tuần vài lần cô giáo Trần Thị Minh - giáo viên Trường Mầm non ACB lại xuống trường để cùng tham gia hỗ trợ với một số giáo viên khác duy trì quầy hàng bán cháo cho trẻ ở trước cổng trường. Chị cũng tranh thủ đến một số cơ sở đầu mối để lấy hàng về bán online. Đây cũng là công việc phổ biến hiện nay của nhiều giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên ngoài công lập, bởi từ giữa tháng 5 đến nay các trường mầm non gần như đóng cửa vì dịch Covid - 19.

Đặc thù riêng của các trường ngoài công lập là sống dựa vào học phí của học sinh, thế nên học sinh nghỉ học thì nhà trường cũng không có nguồn thu để chi trả lương cho giáo viên. Khó khăn cũng dồn lên các chủ nhà trường bởi để duy trì một ngôi trường không có nguồn thu là điều hết sức gian nan, khi mà họ vẫn còn phải chi trả rất nhiều khoản như tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhân công, bảo vệ và hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm cho giáo viên. Ngay tại Trường Mầm non ACB, để có chi phí khoảng 20 triệu đồng /tháng để chi trả cho các khoản phí này, nhà trường buộc phải mở hàng cháo để tạo nguồn thu.

 Từ đầu năm học đến nay, hơn 3.600 giáo viên, nhân viên, lao động ở các cơ sở mầm non ngoài công lập rơi vào tình trạng thất nghiệp do trường học chưa mở cửa trở lại vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, thành phố Vinh là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì trên địa bàn có đến 39 trường mầm non và 121 cơ sở mầm non ngoài công lập đã nghỉ học gần 7 tháng. Một số địa phương khác, dù dịch bệnh có thời điểm được khống chế nhưng việc học vẫn phập phù và không duy trì thường xuyên.

 Trường Mầm non Lý Tự Trọng ở thị trấn Cầu Giát mới đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng gần một nửa thời gian đã phải đóng cửa. Tại thời điểm này, dù trường đã được mở cửa trở lại nhưng số học sinh đến trường chỉ đạt khoảng 2/3 theo quy mô của trường. Chính vì lẽ đó, giáo viên cũng phải làm việc luân phiên và thu nhập vì thế cũng giảm đi một nửa.

Trước đó, cũng như nhiều địa phương khác, các trường mầm non ở trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đều không tổ chức dạy học vì dịch Covid-19 liên tục xuất hiện các ca bệnh mới trên nhiều xã của huyện. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh khó khăn của các trường ngoài công lập, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có văn bản xin UBND huyện cho phép các đơn vị này được mở cửa đón trẻ với điều kiện phải cam kết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

 “Toàn huyện chúng tôi có 2 trường mầm non tư thục và 29 cơ sở nhóm trẻ độc lập. Hiện tại, mặc dù phần lớn các cơ sở đều đã mở cửa trở lại nhưng hoạt động vẫn rất khó khăn bởi số trẻ đi học ít, học phí thu được thấp và chưa đủ chi trả lương cho giáo viên. Ngoài ra, có một số đơn vị, dù đã hoàn thành hồ sơ xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhận được trợ cấp cho đối tượng giáo viên bị ảnh hưởng do dịch”.

 Bà Hồ Thị Quyên - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu

Phá sản vì đại dịch

Dịch Covid-19 kéo dài trong năm 2021 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Riêng với ngành Giáo dục, do tác động của dịch nên từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều địa phương chưa thể đón học sinh trở lại trường. Đại dịch còn đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là các trường mầm non ngoài công lập hoặc các trung tâm Anh ngữ, Tin học, Kỹ năng sống.

Học sinh theo học tại các Trung tâm Anh ngữ. Ảnh: PV
Học sinh theo học tại các Trung tâm Anh ngữ. Ảnh: PV

Tại Trung tâm Anh ngữ Newstar nếu như trước đây trung tâm có đến 5 cơ sở với hơn 3000 học sinh, học viên theo học thường xuyên thì nay số học sinh theo học đã giảm 50%.

Để duy trì được con số này, thời gian qua trung tâm phải chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến, giảm quy mô số lớp từ 15 em/lớp xuống còn 7 - 8 em. Trong khi nguồn học sinh giảm, nguồn thu học phí cũng giảm nhưng đơn vị lại không được giảm tiền thuê mặt bằng, vẫn phải trả lương cho đội ngũ khoảng 50 giáo viên cơ hữu khiến cho hoạt động của trung tâm trở nên khó khăn, đời sống của giáo viên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ở Trung tâm Anh ngữ Happy School (huyện Nghi Lộc), dù các quy định 5K được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng đến thời điểm này học sinh đến học tại trung tâm cũng rất hạn chế. Ông Nguyễn Huy Hải - Giám đốc trung tâm cũng cho biết: Thực tế nguồn thu của các trung tâm đều từ học sinh. Tuy nhiên, mấy tháng nay do số lượng học sinh đăng ký giảm nhiều nên chúng tôi phải lấy tiền túi để trả lương cho giáo viên.

Giờ học Ngoại ngữ của Trung tâm Anh ngữ Happy School. Ảnh: PV
Giờ học Ngoại ngữ của Trung tâm Anh ngữ Happy School. Ảnh: PV

Do điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào các đơn vị mới hoạt động trở lại, nên thời gian qua có một số trường mầm non tư thục hoặc các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã âm thầm đóng cửa. Về phía các trung tâm Anh ngữ, qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, ít nhất đã có gần 20 trung tâm xin phá sản hoặc không tiếp tục hoạt động bởi không có đủ chi phí để trang trải. Tình trạng này nếu kéo dài, các trung tâm còn phải đối diện với việc giáo viên nhảy việc, khó tuyển dụng giáo viên nếu mở cửa trở lại, đặc biệt là giáo viên nước ngoài.

Liên quan đến hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ngoài khoản hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng phương án hỗ trợ cho giáo viên Mầm non, Tiểu học ngoài công lập.

Dự kiến phương án hỗ trợ được xây dựng trên tinh thần ưu tiên cho giáo dục nhưng phải bảo đảm cân đối, hài hòa với các đối tượng khó khăn khác; khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Nếu phương án này sớm được thông qua sẽ giúp cho các đơn vị có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn và từng bước ổn định để vượt qua đại dịch.

 

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.