Gieo chữ ở nơi thâm sơn cùng cốc của xứ Nghệ

Phương - Thọ 17/11/2018 15:08

(Baonghean.vn) - Đời sống người dân còn khó khăn, chưa có điện lưới, mùa mưa bị cô lập, chưa có sóng điện thoại… nên việc gieo chữ ở bản Cà Moong, xã Lượng Minh (Tương Dương - Nghệ An) - nơi được xem là chốn thâm sơn cùng cốc vẫn còn nhiều gian nan vất vả.


Để phục vụ việc xây dựng thủy điện Bản Vẽ, các em học sinh bản Cà Moong theo gia đình từ xã Kim Đa di vén lên đỉnh khe Ven định cư và học tập từ năm 2010. Hiện nay, điểm trường Cà Moong của Trường Tiểu học Lượng Minh có 6 giáo viên, 5 lớp học với 99 học sinh. Đây là điểm trường đóng tại bản của đồng bào Khơ mú với 158 hộ dân và hơn 700 nhân khẩu. Ảnh: Thọ Phương

Hiện nay, điểm trường có 6 giáo viên với 99 em học sinh của 5 lớp. Đây là điểm trường đóng tại bản của đồng bào Khơ Mú. Bản có 158 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Cả bản hiện nay có hơn 100 hộ nghèo.
Để đến với điểm trường Cà Moong, các thầy cô giáo phải đi thuyền máy giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hành trình khoảng 1 giờ đồng hồ. Rồi tiếp tục cuốc bộ khoảng 2 giờ đồng hồ trên những con đường cheo leo, nhiều điểm vừa bị lũ cuốn trôi. Đến mùa mưa, các con đường dẫn vào bản bị sạt lở, bản Cà Moong cô lập, nhiều thầy cô phải ở lại trường hàng tháng Ảnh: Phương Thọ

Các thầy cô giáo đều ở xa, có những người đi gần 10 giờ đồng hồ mới đến được với điểm trường Cà Moong, phải chuẩn bị thực phẩm từ đầu tuần để sử dụng cho cả tuần. Có những tuần không về được, đành phải ăn mì tôm hoặc vay mượn bà con dân bản. Giáo viên ở điểm trường Cà Moong hầu hết đều có tuổi đời còn rất trẻ, như Vi Thị Hồng Vân (SN 1994), Lương Thị Vân (SN 1993), Đào Như Kiều (SN 1992)… Ảnh: Thọ Phương

Cô giáo Lương Thị Vân (SN 1993) - Chủ nhiệm lớp 4K là một trong những giáo viên trẻ nhất của Trường tiểu học Lượng Minh đang "cắm" tại "ốc đảo" Cà Moong. Cô chia sẻ: "Những ngày đầu mới lên, cuộc sống khó khăn nên nhiều lúc muốn trở về. Còn hiện nay, mỗi khi về nhà lại nhớ các em học sinh, thương các em nên tôi lại có động lực để đến trường và lên lớp giảng dạy". Ảnh: Thọ Phương

“Việc gieo chữ tại khu vực mà “cái bụng” của người dân vẫn chưa no thì hết sức khó khăn. Bà con nơi đây chưa coi trọng đến việc học hành của con cái, chúng tôi phải đến từng gia đình để vận động con em đến trường. Nhiều gia đình ở trong rẫy phải mất hơn 4 giờ đi bộ để vào vận động” - cô Lương Thị Vân chia sẻ thêm. Ảnh: Thọ Phương


Trẻ em đến trường ngoài việc được học chữ còn được các thầy cô hướng dẫn tiếp xúc với các trò chơi dân gian, vừa giúp học sinh ứng phó với ngày mưa lũ, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Thọ Phương

Tối đến, từ thứ 2 - thứ 5, các các thầy cô tổ chức hướng dẫn học sinh học bài và làm bài, vì ở lớp có ánh điện đèn cù. Bởi vì, về nhà không có điện, không có đèn dầu nên hầu hết các em thường đi ngủ sớm, thực hiện giải pháp này sẽ các em nắm vững kiến thức hơn. Ảnh: Thọ Phương

“Được đến lớp khiến em rất vui, dù ban đêm phải soi đèn pin. Em được thầy cô dạy cho cái chữ để biết thêm nhiều thứ khác. Em còn dạy cho bố biết cách lưu tên trong điện thoại nữa...” - em Moong Văn Thanh, học sinh lớp 3K cho biết. Ảnh: Thọ Phương

Ông Moong Văn Vinh - Trưởng bản Cà Moong cho biết: “Cuộc sống người dân cũng như của các thầy cô giáo nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, nên bà con luôn yêu thương, kính trọng. Vì các thầy cô vượt chặng đường xa với bao vất vả, gian nan để đem cái chữ cho con trẻ...”. Ảnh: Thọ Phương

Những năm gần đây, việc dạy học và cuộc sống của người dân bản Cà Moong được chính quyền các cấp quan tâm hơn. Đặc biệt, đường điện sắp sửa được hoàn thành giúp cho dân bản có được "ánh sáng văn minh" và sự học của con em được đảm bảo hơn. Ảnh: Thọ Phương


Mới nhất

x
Gieo chữ ở nơi thâm sơn cùng cốc của xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO