Gỡ vướng, khai phá tiềm năng kinh tế từ dược liệu vùng Tây Nam Nghệ An
(Baonghean.vn) - Nghệ An có vùng miền núi chiếm hơn 2/3 diện tích cả tỉnh. Cùng với các định hướng phát triển kinh tế vùng miền Tây theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phát huy tiềm năng kinh tế từ dược liệu vùng miền Tây.
Tháo gỡ các khó khăn, bất cập
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 12/10/2022 của HĐND tỉnh, huyện Kỳ Sơn được phân bổ 6,643 tỷ đồng, Tương Dương 6,642 tỷ đồng, Con Cuông 4,403 tỷ đồng, Quế Phong 6,642 tỷ đồng, Quỳ Châu 4,403 tỷ đồng.
Dự án quy định địa phương được thụ hưởng phải có đủ diện tích phân bổ trồng dược liệu từ 210 ha trở lên, không yêu cầu liền vùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương được phân bổ vốn, ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện còn lại không đủ điều kiện về diện tích để triển khai dự án, nên đến tháng 10/2023 vẫn chưa giải ngân được vốn.
Ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện khác đã có ý kiến đề xuất cấp trên điều chỉnh nguồn vốn do địa phương không đáp ứng đủ số diện tích trồng dược liệu theo quy định.
“Kỳ Sơn là địa phương đủ điều kiện thực hiện thì việc bố trí nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng là rất hạn hẹp khó có thể thực hiện. Theo đó, để có cơ sở thực hiện Tiểu dự án 2, dự án 3, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, ngày 24/4/2023, huyện Kỳ Sơn đã đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn triển khai dự án đầu tư vùng trồng dược liệu quý; đề nghị tập trung đầu tư vùng trồng dược liệu tại huyện Kỳ Sơn, không dàn trải ở các địa phương khác”, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết.
Đây là chuyển động tích cực, mang lại niềm hy vọng lớn cho người dân các huyện miền Tây trong sự phát triển kinh tế gắn với trồng, chế biến, bảo tồn cây dược liệu sẵn có ở địa phương.
Ngày 28/10/2023, ông Thò Bá Rê cho biết, hiện các thủ tục liên quan việc điều chuyển vốn và quy mô Tiểu dự án thuộc Dự án 3 đã hoàn thành. Huyện cũng đã hoàn thành kế hoạch triển khai vùng trồng dược liệu, chờ UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh vốn, sớm giải ngân dự án.
Phát huy tiềm năng kinh tế lớn từ dược liệu
Vùng Tây Nam Nghệ An được xác định gồm các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, chiếm gần 50% diện tích của tỉnh. Diện tích đất lâm nghiệp cả vùng chiếm hơn 61% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Đặc biệt, cả 5 huyện đều nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An, với vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là vùng có đặc điểm địa hình, khí hậu rất thuận lợi để phát triển đa dạng sinh học, nhất là sự phát triển của các loài dược liệu quý, hiếm.
Theo nghiên cứu, tổng hợp của các ngành chức năng, chỉ riêng tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã xác định được 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, có 70 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Trong đó, có gần 1.000 loài dược liệu với nhiều loài quý như: Sâm Puxailaileng (tam thất hoang lá tròn), hà thủ ô đỏ, sâm 7 lá 1 hoa, trà hoa vàng, lan kim tuyến, sâm thổ hào, đẳng sâm, nấm linh chi đỏ,…
Bên cạnh lợi thế về tự nhiên, các huyện Tây Nam có tuyến Quốc lộ 7 xuyên sang Lào, có thể kết nối với tỉnh Xiêng Khoảng cũng là nơi có tiềm năng và lợi thế phát triển dược liệu. Có đường Hồ Chí Minh đi qua 2/5 huyện trong vùng, có sông Lam chảy qua cả 5 huyện. Đây cũng là vùng có đa dạng văn hóa dân tộc với tri thức bản địa rất phong phú, đặc biệt là cách nhận biết, khai thác, trồng và sử dụng dược liệu.
Nhận thấy tiềm năng lớn về phát triển kinh tế từ dược liệu, nhiều năm qua, các sở đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn nhằm khai thác giá trị kinh tế gắn với bảo tồn nhiều loài dược liệu.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm tìm hiểu khảo sát và đầu tư như Công ty Dược liệu Pù Mát, Tập đoàn TH và nhiều doanh nghiệp khác cũng cam kết đầu tư như Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty Dược và Vật tư y tế Nghệ An đang xây dựng nhà máy dược tại Khu công nghiệp Nam Cấm.
Hơn nữa, đây là điểm đứng chân của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát, một đơn vị có chức năng nghiên cứu khoa học sẽ là nơi bảo tồn, di thực, khảo nghiệm và sản xuất giống dược liệu, từ đó kết nối với các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện và ban quản lý rừng phòng hộ các huyện để hỗ trợ nông dân.
Việc phát triển kinh tế từ trồng, bảo tồn dược liệu cũng đã được xác định tại Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 39 đã nêu rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa; tăng khả năng chống chịu trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó, “phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ các bon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”.
Vì vậy, cùng với việc “gỡ” vướng và bổ sung thêm vốn cho dự án trồng dược liệu thuộc Tiểu dự án 2, dự án 3 là một trong những chuyển động cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của các cấp, ngành đối với hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng từ dược liệu của các huyện miền Tây. Phát triển dược liệu ở vùng miền núi cũng thể hiện định hướng phát triển kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng tới.
Nó không những góp phần chuyển đổi tư duy từ trồng rừng, bảo vệ rừng sang kinh tế rừng, mà còn tạo nên sinh kế mới với mức thu nhập khác biệt. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, hy vọng rằng, các huyện miền Tây Nam nói riêng, vùng miền Tây Nghệ nói chung sẽ biến cái bất lợi truyền thống thành cơ hội phát triển mới, giúp người dân không những sống được nhờ rừng, mà còn có thể giàu lên từ rừng.