Góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản

15/12/2017 07:00

(Baonghean) - Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, người con của mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống cách mạng đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Vượt qua bao biến thiên của thời gian, mối quan hệ truyền thống ấy được nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó tỉnh Nghệ An cũng giành được nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực hợp tác với xứ sở hoa anh đào.

Âm hưởng phong trào Đông Du

Lật lại lịch sử, những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đất nước Việt Nam đứng trước nhiều biến cố. Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, lòng yêu nước và căm thù giặc của dân tộc ta dâng lên mạnh mẽ, xuất hiện nhiều nhân sỹ nổi bật với nghĩa khí ngút trời, hừng hực ý chí đấu tranh để giành lại độc lập, mà tiêu biểu phải nhắc đến chí sỹ Phan Bội Châu.

Và dĩ nhiên, không thể tách rời tên tuổi của người con yêu nước xuất thân từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Nam Đàn với phong trào Đông Du, vốn được giới nghiên cứu xem là sự kiện mở ra giai đoạn phát triển mới trong tư duy của người Nhật đối với Việt Nam.

Được khởi xướng từ năm 1905, Đông Du là phong trào đưa thanh niên ưu tú sang Nhật Bản để tìm tòi, học hỏi cái mới, bồi dưỡng đội ngũ nhân tài kế cận cho đất nước. Đến hết năm 1908, ước tính khoảng 200 người Việt Nam đã tham gia vào phong trào này, học tập tư tưởng canh tân đất nước tại xứ mặt trời mọc, tích cực sáng tác và gửi về nước các tác phẩm cổ động, tuyên truyền, chấn hưng dân khí...

Hình ảnh về Phong trào Đông du (Trung tâm Văn hóa Pháp cung cấp)
Hình ảnh về Phong trào Đông du (Trung tâm Văn hóa Pháp cung cấp)

Không chỉ vậy, phong trào Đông Du còn chứa đựng những tư tưởng, quan điểm canh tân, để lại những bài học giá trị cho thế hệ sau trong công cuộc xây dựng đất nước, trên con đường phát triển và hội nhập đương đại.

Ông Trần Ngọc Danh - Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An khẳng định: “Tư tưởng xuyên suốt trong đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Phan Bội Châu là dựa vào ngoại lực để phát triển nội lực. Đây là một trong những điểm tiến bộ vượt bậc của cụ, thể hiện quan điểm về sự mở cửa, về hội nhập quốc tế, để lại cho thế hệ sau bài học lớn: Tranh thủ ngoại lực là cần thiết nhưng cần phải biết tranh thủ, học hỏi tinh hoa trong quá trình hội nhập để trau dồi sức mạnh cho chính mình".

Đưa hợp tác Nghệ An - Nhật Bản đi vào chiều sâu

Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp theo tinh thần Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Là tỉnh lớn, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, lại là quê hương của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, Nghệ An đã hòa mình vào dòng chảy hội nhập và hợp tác thiết thực với các đối tác đến từ quốc gia Đông Á này.

Trong đó, đáng chú ý trên khía cạnh hợp tác song phương, Nghệ An đã thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Gifu của Nhật Bản từ tháng 11/2015, cùng tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục - đào tạo, đầu tư và giao lưu văn hóa, thể thao…

Hàng năm, nhiều đoàn đại biểu cấp cao của 2 địa phương thường xuyên thăm viếng lẫn nhau; nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức những chuyến thăm, khảo sát và tìm hiểu môi trường đầu tư, quảng bá du lịch tại Nghệ An.

Thêm vào đó, Nghệ An cũng tổ chức chu đáo Hội thảo Xúc tiến đầu tư - du lịch - thương mại tại tỉnh Gifu, cử các chuyên gia sang Nhật Bản để nghiên cứu, tập huấn trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó xác định chương trình hợp tác phù hợp với tiềm năng thế mạnh của mỗi bên.

Ở cấp huyện, các địa phương của 2 bên cũng tích cực giao lưu, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, tiêu biểu như thành phố Vinh đã thiết lập quan hệ và thường xuyên có các hoạt động trao đổi giao lưu hữu nghị với thành phố Kasumigaura, tỉnh Irabaki của đất nước hoa anh đào.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao đổi với đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Phú Bình
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao đổi với đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Phú Bình

Không những thế, về hợp tác đầu tư, viện trợ ODA và NGO, Nhật Bản được tỉnh Nghệ An xem là một trong những đối tác truyền thống và quan trọng. Theo số liệu từ Sở Ngoại vụ, hiện có 8 dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng số vốn đầu tư là 95,28 triệu USD trong các lĩnh vực: khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc...

Các chương trình, dự án ODA do Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An với tổng số vốn lên đến 6.172,087 tỷ đồng, với nhiều dự án tiêu biểu như: Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; Phục hồi bền vững rừng phòng hộ tỉnh Nghệ An (JICA 2)...

Trong lĩnh vực viện trợ phi chính phủ, cuối năm 2016 Nghệ An đã được nhận 1 tàu cứu hộ vỏ composite do International Small Vesel Recycle Project tài trợ. Tổ chức phi lợi nhuận này tiếp đó cũng đã đề xuất tiếp tục viện trợ 30 chiếc tàu biển bao gồm nhiều chủng loại khác nhau để khai thác kinh tế sông/biển cho tỉnh Nghệ An.

Trên mặt trận đối ngoại nhân dân, Hội hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Nghệ An đã thường xuyên tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị với nhiều đối tác Nhật Bản; trong đó có Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Hà Nội; đặc biệt là với 2 hội truyền thống lâu năm là Hiệp hội cầu nối Nhật - Việt ở Tokyo và Hiệp hội Asaba tỉnh Shizuoka.

Tháng 11/2016, Hội hữu nghị Việt - Nhật cũng đã cử đoàn công tác sang Nhật Bản làm việc với Hiệp hội Asaba tỉnh Shizuoka và Hiệp hội cầu nối Nhật - Việt ở Tokyo theo lời mời của hai cơ quan này để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên và thống nhất kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm 150 năm ngày sinh cụ Phan Bội Châu và cụ Asaba Sakitaro vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm ngày cụ Phan Bội Châu dựng tấm bia tưởng niệm bác sỹ Asaba Sakitaro vào năm 2018…

Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong chuyến khảo sát môi trường đầu tư tại Nghệ An. Ảnh: Phú Bình
Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong chuyến khảo sát môi trường đầu tư tại Nghệ An. Ảnh: Phú Bình


Những kết quả khả quan trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, bám sát quan điểm kế thừa những di sản quý giá mà các thế hệ trước, trong đó có cụ Phan Bội Châu và phong trào Đông Du, đã lưu giữ, trao truyền lại, tạo cơ sở để phát huy tối đa thế mạnh nổi bật của Nghệ An, vun đắp, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ thiết lập quan hệ với các đối tác mới và tiềm năng của Nhật Bản.

Và trên thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trong các cuộc làm việc với đoàn công tác đại sứ quán, tổ chức JICA Nhật Bản hay các đoàn doanh nghiệp đều nêu rõ, hiện Nghệ An đang tập trung thúc đẩy thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào các lĩnh vực như nông nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao...

“Với những thành quả mà tỉnh Nghệ An đã đạt được trong việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản thời gian qua, tôi hy vọng rằng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, Nghệ An và các đối tác Nhật Bản nói riêng sẽ được thúc đẩy phát triển bền vững trong thời gian tới, góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Nghệ An khẳng định trong buổi tiếp xã giao Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 10 vừa qua.

Phú Bình

TIN LIÊN QUAN

Góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO