Góp ý dự thảo các đề án liên quan đến chức danh, chức vụ, vị trí việc làm trình Bộ Chính trị
(Baonghean.vn) - Chiều 11/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý kiến vào dự thảo các đề án trình Bộ Chính trị.
Đó là dự thảo Đề án Rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và xây dựng Bảng danh mục chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở; dự thảo Đề án Xây dựng khung danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Cùng dự có đồng chí Hồ Phúc Hợp – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Tuấn |
Nhiều ý kiến đóng góp vào các dự thảo đề án
Về dự thảo Đề án Rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và xây dựng Bảng danh mục chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở, tại hội nghị, các đại biểu dự họp đã thảo luận, bổ sung ý kiến về sự cần thiết và những căn cứ xây dựng Đề án, đánh giá những ưu điểm, một số hạn chế cần khắc phục.
Bên cạnh đó, về Bảng danh mục chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các đại biểu cũng phát biểu, làm rõ thêm một số nội dung nhằm thực hiện đồng bộ, thống nhất các khâu của công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.
Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với Bảng danh mục chức vụ được sắp xếp theo 2 nhóm, trên cơ sở lấy các chức vụ trong hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước làm gốc gồm 10 cấp chức vụ để xác định các chức vụ tương đương.
Đại biểu cũng tham gia ý kiến trong việc xác định “Chức vụ tương đương” theo tiêu chí: Cùng khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ do cấp có thẩm quyền ban hành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn |
Đối với khung danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, theo đánh giá chung, vị trí việc làm hiện đã được xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình triển khai xây dựng vị trí việc làm luôn đạt được sự đồng thuận cao của các cấp ủy, tổ chức Đảng cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Đã xây dựng được khung danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, được thiết kế khoa học theo 4 nhóm (Lãnh đạo quản lý, nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ).
Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện việc trả lương và bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Tuy nhiên, hạn chế là đến thời điểm hiện nay mới hoàn thành việc xây dựng khung danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; chưa xây dựng được bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm. Việc triển khai xây dựng vị trí việc làm viên chức đang được thực hiện, chưa tổng hợp đồng bộ trong hệ thống khung danh mục vị trí việc làm. Một số văn bản hướng dẫn xây dựng, quản lý, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Đề án khung danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị đã khắc phục những hạn chế, bất cập trước đây và được xây dựng trên mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, quy trình đảm bảo tổng thể, thống nhất, liên thông trong hệ thống chính trị. Do đó đáp ứng được mục tiêu trả lương và thực hiện công tác quản lý, bố trí sử dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Cụ thể: Đã xây dựng được khung danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện gồm 988 vị trí việc làm. Trong đó 219 vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 679 vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; 72 vị trí việc làm chuyên môn dùng chung: 18 vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ.
Vị trí việc làm cũng đã được phân chia theo các khối như: Khối cơ quan Đảng; Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Khối các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý và Văn phòng Chủ tịch nước; Khối cơ quan thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân , Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước…
Mở rộng vị trí việc làm chuyên gia cho các tỉnh, thành phố
Tham gia phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khẳng định, các bản đề án được Ban soạn thảo, Tổ biên tập Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị công phu, có sự xem xét chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, thể hiện sự đổi mới căn bản, khoa học về công tác cán bộ, tổ chức cán bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn |
Đối với Đề án Rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và xây dựng Bảng danh mục chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đề xuất làm rõ hơn vấn đề sự cần thiết phải xây dựng đề án. Theo đó, không chỉ khẳng định những cái được của hệ thống chính trị và công tác cán bộ ngày càng hoàn thiện hơn mà cũng phải chỉ ra được những bất cập hiện nay.
Đối với dự thảo Tờ trình xây dựng khung danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đề nghị: Vị trí việc làm chuyên gia không nên chỉ giới hạn cho các ban, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, cần cho phép các tỉnh, thành phố khác cũng có vị trí việc làm chuyên gia. Vì thực tế, với xu thế phát triển như hiện nay, các tỉnh, thành phố cũng rất cần có chuyên gia.
Đặc biệt, nên khuyến khích việc trở thành chuyên gia là một hướng phấn đấu cho cán bộ chứ không chỉ có con đường phấn đấu lên chức vụ. Mặt khác, có những đồng chí lãnh đạo, quản lý hết 2 nhiệm kỳ, chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ tuổi tái cử lãnh đạo, trong khi họ thực sự là có những khả năng, hiểu biết vượt trội, có chuyên sâu, kinh nghiệm, kỹ năng và sức khỏe. Việc bố trí vào vị trí chuyên gia sẽ rất có lợi.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương lưu ý danh mục vị trí việc làm lành đạo quản lý đối với các tổ chức sáp nhập và chưa sáp nhập nhưng có hướng sáp nhập…
Hội nghị cũng đã nghe 22 ý kiến đóng góp đến từ đại diện các tỉnh, thành phố. Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được Ban Tổ chức Trung ương tiếp thu, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các đề án trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.