Hàng không thế giới trước thách thức sống còn

09/11/2015 11:25

(Baonghean) - Máy bay bị gài bom đang là giả thiết hàng đầu lý giải thảm họa rơi máy bay của Nga khiến 224 người thiệt mạng. Nếu đây là sự thật, an ninh hàng không thế giới đang đối mặt với thách thức mang tên: khủng bố.

Nỗi lo sợ bao trùm

Một tuần sau vụ rơi máy bay Nga ở bán đảo Sinai (Ai Cập), các cuộc điều tra đang được tiến hành ráo riết nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hàng loạt quốc gia đã triển khai kế hoạch an ninh hàng không đảm bảo an toàn cho công dân nước mình. Đầu tiên là các quyết định “tránh không phận” Ai Cập của Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức...

Tiếp đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng công bố các biện pháp an ninh mới, bao gồm khám xét hành lý chặt chẽ hơn trước khi lên máy bay, đối với các chuyến bay từ nhiều sân bay tại Trung Đông tới Mỹ. Tổng thống Vladimir Putin cũng phải ra lệnh ngưng các chuyến bay đi và đến Sharm el-Sheikh, dù trước đó Nga vốn chỉ trích các động thái của Anh và các nước phương Tây là “quá vội vàng”. Dễ dàng cảm nhận tâm lý căng thẳng trong cộng đồng quốc tế khi nhắc đến “mối đe dọa” từ Sharm el-Sheikh.

Mỹ thắt chặt an ninh ở Sân bay quốc tế Denver (Mỹ).
Mỹ thắt chặt an ninh ở Sân bay quốc tế Denver (Mỹ). Ảnh Internet

Đến nay, giới chức phương Tây đã khẳng định đến 90% rằng máy bay rơi là do bị khủng bố gài bom. Theo hãng tin AFP (Pháp), kết quả phân tích hộp đen của chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập ngày 31/10 cho thấy, các bộ phận ghi dữ liệu bay và ghi âm chuyến bay "mọi thứ hoàn toàn bình thường" cho tới khi cả 2 bộ phận này ngừng hoạt động ở phút thứ 24 sau khi máy bay cất cánh từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Nhiều khả năng đã có "sức ép từ một vụ nổ bất ngờ", "củng cố mạnh mẽ" giả thuyết rằng một quả bom phát nổ trên máy bay trước thời điểm rơi.

Bước leo thang của khủng bố

Khả năng khủng bố tấn công đòi hỏi các quốc gia phải xem xét lại vấn đề an ninh, an toàn hàng không. Nếu thảm kịch vừa qua là do khủng bố thực hiện thì đây có thể là bước leo thang đáng kể trong khả năng tấn công và mục tiêu chiến lược của IS, đồng thời đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Từ năm 2014, IS phát đi lời kêu gọi các tín đồ trên toàn thế giới sát hại những người không theo Hồi giáo "bằng bất cứ phương thức nào có thể". Sau lời kêu gọi đó, những "con sói đơn độc" cuồng IS đã thực hiện một số vụ tấn công đơn lẻ trong lòng xã hội phương Tây, giết hại các binh sỹ hoặc cảnh sát để phô trương thanh thế. Các chuyên gia cho rằng, trước đây IS không đủ khả năng và tiềm lực để thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn như vụ khủng bố 11/9 hay vụ đánh bom Bali do al-Qaeda thực hiện.

Nhưng theo thời gian, có vẻ như phiến quân IS đã tiếp cận được với các kỹ thuật chế tạo bom chuyên nghiệp và thay đổi mục tiêu chiến lược của mình. Tiến sỹ Clarke Jones từ Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Tôi không khẳng định đây là phương pháp tấn công mà IS sẽ sử dụng từ nay trở đi. Nhưng, từ sự việc máy bay Nga cho thấy đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại hệ thống an ninh hàng không”.

Có ý kiến lo ngại rằng, nguyên nhân thực sự đằng sau thảm họa hàng không lớn nhất của Nga này giống với vụ Lockerbie: trả thù. Có khả năng nhóm khủng bố IS cực đoan đã tìm cách tiêu diệt máy bay của hãng Kogalymavia để trả thù Tổng thống Vladimir Putin thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Syria. Nhóm này cũng muốn phô trương khả năng của mình, rằng chúng đủ mạnh để trả đũa kẻ thù, dù đó có là Nga đi chăng nữa.

Cần một sự thay đổi

Xác thực hay không thì nguy cơ khủng bố IS nhằm vào các chuyến bay đã thực sự hiện hữu và là một thách thức cho ngành hàng không thế giới. Nhiều chuyên gia thậm chí lo ngại về việc phiến quân có thể nhắm vào các mục tiêu lớn của Mỹ trong tương lai, đặc biệt là máy bay dân dụng.

Đối phó với mối đe dọa khủng bố ngày càng lớn từ IS sẽ gây sức ép rất lớn đối với cộng đồng tình báo Mỹ và các nước trên thế giới, nhất là khi kỹ thuật chế tạo bom của phiến quân đang ngày càng tinh vi hơn. Trước mắt, các hãng hàng không có thể chuyển hướng đường bay của mình ra khỏi một số khu vực nguy hiểm nhất định, hạn chế hạ cánh ở những sân bay bị coi là có mức độ an ninh thấp.

Bên cạnh đó, kiểm soát an ninh sân bay được cho là nhiệm vụ tối quan trọng. Sau khi vụ việc xảy ra ở Sinai, các hãng truyền thông phương Tây đã dẫn lời nhiều hành khách nói rằng, hệ thống kiểm soát an ninh sân bay ở Sharm el-Sheikh có quá nhiều lỗ hổng. Thủ tục kiểm soát an ninh được tiến hành một cách qua loa khi nhân viên an ninh nhận được chút “lót tay” của hành khách.

Hành khách tại phòng chờ lớn tại sân bay Sharm el-Sheikh (Ai Cập). ẢnhAP
Hành khách tại phòng chờ lớn tại sân bay Sharm el-Sheikh (Ai Cập). Ảnh AP

Mới đây, giới chức Ai Cập đã cho kiểm tra hệ thống camera an ninh sân bay nhằm phát hiện các đối tượng qua mặt nhân viên an ninh và máy quét kim loại. Hành động này dù đã muộn nhưng được cho là cần thiết không chỉ tại Ai Cập mà nhiều sân bay khác ở Trung Đông - điểm nóng của bạo lực, và tất cả quốc gia trên thế giới vì sự an toàn của ngành hàng không.

Bất chấp chiến dịch chống khủng bố thời gian qua vốn đã rất quyết liệt, nỗi ám ảnh và sự hiện diện của khủng bố vẫn gia tăng. Các nhóm khủng bố như IS ngày càng chứng tỏ bản chất man rợ và đầy thù hằn. Chính vì thế, trong thời gian tới, có lẽ cần có sự thay đổi mang tính đột phá trong chiến dịch chống khủng bố.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hàng không thế giới trước thách thức sống còn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO