Hệ lụy từ việc xuất khẩu lao động trái phép

P.V (Tổng hợp) 29/10/2019 16:08

(Baonghean.vn) - Hàng nghìn người xuất khẩu lao động trái phép ở nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sự tiếp tay của các công ty môi giới không phép. Đằng sau đó là những hệ quả đau lòng…

Bị bắt cóc, tống tiền, bỏ mạng khi đi lao động “chui”

Tháng 8/2019, Công an Nghệ An liên tiếp nhận được trình báo về việc lao động bất hợp pháp đang làm việc ở Trung Quốc bị chính người Việt bắt cóc, sau đó gọi điện về cho người thân yêu cầu gửi tiền chuộc. Chỉ trong vòng 3 tháng, có ít nhất 4 trường hợp đến trình báo vụ việc tương tự này. Trong đó có trường hợp chị Nguyễn Thị Hiền (24 tuổi, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), bị 2 đối tượng người Việt Nam bắt cóc trên đường đi làm về vào chiều 3/5/2019

Theo trình báo của gia đình, thì chị Hiền cùng chồng là anh Nguyễn Văn Công sang làm thuê tại một xưởng gỗ bên Trung Quốc từ lâu, bằng con đường lao động chui. Đến nay, đã hơn 3 tháng kể từ khi số tiền 187 triệu đồng được chuyển đủ theo yêu cầu của bọn bắt cóc nhưng chúng vẫn chưa chịu thả người.

Nhiều gia đình ở Nghệ An lập bàn thờ vọng cho con em mất liên lạc khi đi lao động trái phép ở Anh. Ảnh: Tiến Hùng

Trước đó, trung tuần tháng 7/2019, Công an huyện Quỳnh Lưu nhận được trình báo của bà Trần Thị Hương (53 tuổi, xã Quỳnh Thắng), về việc gia đình vừa nhận được cuộc điện thoại lạ đầu số nước ngoài, thông báo về việc con trai của bà là anh Nguyễn Hữu Quân (31 tuổi), bị bắt cóc, yêu cầu gửi tiền chuộc 200 triệu đồng. Cách đây không lâu, Quân theo bạn qua tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), làm việc bằng con đường chui.

Còn ở huyện Quỳ Châu, bà Vi Thị Huệ ở bản Tà Lành, xã Châu Hạnh cho biết, bà cùng 14 người trong gia đình, họ hàng đã từng đi lao động “chui” ở Trung Quốc. Thời gian ở Trung Quốc, bà đã gặp không ít trường hợp người Việt Nam đi “chui” sang đó tìm việc phải bỏ mạng nơi xứ người.

Lao động Việt Nam chờ ở Cửa khẩu Lạng Sơn để đi
Lao động Việt Nam chờ ở Cửa khẩu Lạng Sơn để đi "chui" sang Trung Quốc tìm việc làm. Ảnh tư liệu

Trên địa bàn huyện Quỳ Châu, năm 2017 có 365 người lao động “chui” sang Trung Quốc và 6 tháng đầu năm 2019 có 113.

Tại huyện biên giới Tương Dương, tính đến thời điểm hiện nay có 2.928 người đi lao động tự do, bất hợp pháp ở nước ngoài, trong đó phần lớn là ở Trung Quốc.

Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, chỉ riêng trong năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.800 trường hợp lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đơn vị đã xử lý hành chính 422 trường hợp, chủ yếu qua Lào và Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn Nghệ An, số lượng người đi lao động “chui” ở nước ngoài năm 2016 là 11.378 người (trong đó làm việc ở Trung Quốc là 5.488 người), năm 2018 là 8.123 người (trong đó làm việc ở Trung Quốc là 3.143 người).

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 7/5/2019 thì hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và xuất khẩu lao động không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.

Ngăn chặn các tổ chức môi giới lao động bất hợp pháp

Những ngày đầu tháng 10/2019, ở một số bản làng nằm sát QL7A, thuộc xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) xuất hiện nhiều tờ rơi tuyển dụng lao động trái phép, với mức lương "khủng" dụ dỗ người dân.

Người dân bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) phản ánh: Nhiều tờ rơi tuyển dụng lao động trái phép được dán ở khắp mọi nơi trong bản với nội dung tuyển dụng lao động nữ, tuổi từ 18 - 25, làm công việc phục vụ quán karaoke với mức lương trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng và có chỗ ăn ở.

Chính quyền xã Chiêu Lưu, cho biết, đây là những tờ rơi tuyển dụng lao động trái phép, vì không có cơ quan, địa chỉ tuyển dụng lao động cụ thể. Chính quyền đã cho lực lượng đi gỡ tất cả các tờ rơi này. Đồng thời khuyến cáo người dân không tin và đi làm theo các kiểu tuyển dụng lao động trái phép này.

Tháng 7/2019, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng công bố danh sách 11 công ty bị tạm đình chỉ tư cách đại diện xin cấp Visa trong thời gian 6 tháng từ ngày 1/6 – 1/12/2019. Tại Nghệ An, có 1 đơn vị là Công ty TNHH Giáo dục Sekai, có địa chỉ tại 126, đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh.

Ngày 26/10, Cơ quan An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Nghệ An đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". Cùng với quyết định khởi tố vụ án hình sự này, Cơ quan An ninh Đối ngoại Công an tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành bắt tạm giam 4 người có liên quan trong đường dây đưa người ra nước ngoài lao động, cư trú bất hợp pháp.

Trong số 4 người bị khởi tố, bắt tạm giam có 1 người có hộ ở khẩu ở Hà Nội, còn lại đều là người Nghệ An.

Theo đó, 4 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" gồm: Lê Duy Anh (40 tuổi, HKTT xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Hồ Thị Hằng (54 tuổi, trú phường Trường Thi, TP. Vinh) và Trần Thị Hà (45 tuổi, trú thị xã Thái Hòa, Nghệ An), Trần Thị Thành (60 tuổi, trú phường Hưng Phúc, TP. Vinh).

Cơ quan chức năng xác định Lê Duy Anh là Giám đốc Trung tâm Đào tạo tư vấn du học Chấn Hưng (đóng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và cũng là người cầm đầu đường dây này.

Đã bắt được tài xế container chở 39 nạn nhân từ Pháp đến cảng tại Bỉ, sau đó tử vong ở Anh. Ảnh tư liệu

Từ tháng 9/2015 đến khi bị bắt (tháng 10/2019), Lê Duy Anh cùng với cộng sự của mình tuyển người lao động đi làm việc tại Australia. Cụ thể, nhóm này nhận hơn 400 hồ sơ và hàng trăm nghìn USD để làm thủ tục xuất cảnh qua Australia cho các lao động. Tuy nhiên, chưa lao động nào được xuất cảnh.

Liên quan đến vấn đề đưa người ra nước ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp, trong diễn biến mới nhất vụ 39 thi thể được phát hiện trong container tại Anh.

Người có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 17, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, cụ thể: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi qua lại biên giới mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che dấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài và Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép.

Điều 349, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng thì phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Mới nhất

x
Hệ lụy từ việc xuất khẩu lao động trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO