Hiểm họa rình rập từ nghề nuôi ong vò vẽ

Huy Thư 24/08/2022 06:32

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Thanh Chương đang duy trì nghề nuôi ong vò vẽ trong vườn. Nghề nuôi ong "tử thần" không tốn kém chi phí, cho thu nhập khá, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở các xã Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Thủy... (Thanh Chương) làm thêm nghề nuôi ong vò vẽ trong vườn, hình thành phong trào nuôi ong vò vẽ. Riêng xóm Yên Hòa, xã Thanh Hòa có khoảng 10 hộ dân tham gia nuôi ong, mỗi hộ nuôi từ vài chục đến cả trăm tổ ong vò vẽ. Ảnh: Huy Thư

Theo người dân địa phương, nuôi ong vò vẽ không khó, cơ bản có "liều" nuôi hay không. Khoảng tháng 5, 6 dương lịch, những người nuôi ong vò vẽ sẽ vào rừng săn tìm và mang những tổ ong vò vẽ còn nhỏ bằng nắm tay đưa về vườn nhà nuôi. Để đảm bảo an toàn cho người nhà và người dân xung quanh, khu vườn nuôi ong cần được rào kín, có cửa đóng mở khi cần. Nếu nuôi ong trong vườn không rào chắn, những người đến gần tổ ong dễ bị ong tấn công, nhất là trẻ em. Ảnh: Huy Thư

Ông Phan Văn Tú (72 tuổi) trú ở xóm Yên Hòa, xã Thanh Hòa cho biết: Hiện trong vườn nhà anh Phan Văn Luân - con trai ông đang nuôi trên dưới 80 tổ ong vẽ, tất cả đều được bắt từ trên rừng về. Nhà anh Luân đã nuôi ong vò vẽ từ 4 -5 năm nay. Ảnh: Huy Thư

Tổ ong vò vẽ sau khi đưa về nhà chỉ cần cột, treo vào các cành cây trong vườn sẽ phát triển ngày càng to, số lượng con ong ngày càng nhiều. Ông Tú cho biết thêm, nuôi ong vò vẽ gần như không tốn kém gì, chỉ mất công đi bắt ong, việc còn lại là phải "nuôi ong cho khéo". Ảnh: Huy Thư

Tổ ong vò vẽ có thể được treo trên cây hoặc treo trên những cây sào dài cột trong vườn. Do đó, chỉ cần một diện tích nhỏ cũng nuôi được khá nhiều tổ ong. Tuy nhiên, để đàn ong phát triển tốt, thuận lợi trong khi khai thác, tổ ong phải được bố trí cách nhau một khoảng nhất định. Ảnh: Huy Thư

Nhằm hạn chế tác động của mưa, nắng, một số hộ còn dùng lá cọ, vải bạt che chắn cho tổ ong. Khoảng 2 -3 tháng sau khi nuôi, tổ ong có thể thu hoạch được. Từ tháng 6 - 8 là mùa thu hoạch tổ ong vẽ. Ảnh: Huy Thư

Để lấy tổ ong trong vườn, những người nuôi ong thường dùng bộ quần áo bảo hộ che kín toàn thân, vải dày được bán trên thị trường với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Khi thu hoạch tổ ong, người nhà, nhất là trẻ em phải tránh xa khu vườn nuôi ong, tránh bị ong đốt. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có nhiều người nuôi ong vẽ hoặc người nhà, láng giềng bị ong đốt, một số trường hợp phải đến cơ sở y tế chữa trị và thậm chí đã có người tử vong. Ảnh: Huy Thư

Kinh nghiệm cho thấy, những người bị dị ứng mạnh với nọc độc của ong vò vẽ (bị ong đốt sẽ sưng cảy toàn thân, nôn mửa, bất tỉnh...) thì không nên làm nghề nuôi ong vò vẽ, tránh xa các tổ ong. Anh Nguyễn Văn Sự - một người nuôi ong vò vẽ lâu năm ở xã Thanh Thủy cho hay: Lúc lấy tổ ong có thể phá tổ để gỡ hết các tầng nhộng hoặc trừ lại 1 tầng trên cùng cho ong xây tổ tiếp để thu hoạch lần thứ 2. Lần thu hoạch tiếp theo, tổ ong chỉ bằng 1/2 - 2/3 lần đầu. Ảnh: Huy Thư

So với những tổ ong rừng, ong vò vẽ nuôi trong vườn nhà có tổ nhỏ hơn. Mỗi tổ khi thu hoạch có trọng lượng từ 1,5 - 3kg. Theo các hộ nuôi ong vò vẽ ở Thanh Chương, mùa ong năm nay đến muộn và kéo dài hơn các năm trước, giá tổ ong thấp hơn năm ngoái. Hiện giá bán tại vườn là 180.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư

Trung bình mỗi kg tổ ong sẽ lấy được 0,7 kg nhộng. Nhộng ong là thực phẩm bổ dưỡng có thể chế biến thành các món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Tổ ong sau khi thu hoạch có thể bán cho người dân, cho các điểm thu mua hoặc lái buôn sẽ đến mua tận vườn để vận chuyển đi các tỉnh, thành phía Bắc tiêu thụ. Nghề nuôi ong vò vẽ không tốn kém, cho thu nhập khá (hàng chục triệu đồng /năm/100 tổ), nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng. Ảnh: Huy Thư

Clip: Huy Thư

Hiểm họa rình rập từ nghề nuôi ong vò vẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO