Hiệp Hòa - Nỗi niềm chưa thỏa

Anh Đặng 03/01/2021 11:38

(Baonghean.vn) - Hơn 40 năm qua, sau sự kiện Hiệp Hòa, nước sông Lam vẫn hiền hòa rẽ qua sông Đào, chảy qua Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,… để làm nên những mùa vàng bội thu. Bưng bát cơm thơm vẫn nhớ ơn người đã khuất. Nhiều người dân, nhiều tờ báo vẫn nhắc đến Hiệp Hòa với nỗi niềm khắc khoải...

Cơm độn ngô và những đại công trình thủy lợi

Sau ngày đất nước thống nhất hòa chung không khí sôi nổi khắc phục hậu quả chiến tranh của cả nước, cả Nghệ Tĩnh náo nức, nổi tiếng, với khẩu hiệu “Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”.

Đại hội Đảng các cấp xác định: “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, thủy lợi được đặt lên hàng số 1. Hàng vạn trai gái thế hệ chúng tôi tập trung trên các công trường đại thủy nông của tỉnh.

Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, toàn dân son sắt một niềm tin với Đảng. Dù còn khó khăn trăm bề nhưng Đảng một lòng vì Dân, Dân hết lòng tin Đảng. Mọi ý nghĩ thật vô tư, trong trẻo. Đại hội Đảng các cấp xác định: “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, thủy lợi được đặt lên hàng số 1. Hàng vạn trai gái thế hệ chúng tôi tập trung trên các công trường đại thủy nông của tỉnh. Mỗi huyện thành lập một Tổng đội 202, do Bí thư hoặc Phó Bí thư Huyện đoàn làm Tổng đội trưởng. Mỗi xã có hàng trăm thanh niên tình nguyện tham gia. Nguồn lực các địa phương rất hạn hẹp. Ngoài sự động viên về tinh thần, các địa phương chỉ giúp thêm anh chị em ít gạo, ngô, khoai, rau, chuối, lạc, vừng,… Cả ngày lao động mệt nhọc, bữa ăn của công nhân chủ yếu là cơm độn ngô, canh rau muống, thậm chí bánh mì “nắp chuông” luộc, không đủ no,… Những công trình như hồ Vực Mấu, hồ Kẻ Gỗ, kênh Vách Bắc, sông Nghèn, kênh Nhà Lê, hồ Goong, sông Đào, cống Hiệp Hòa,… đã được xây dựng hoặc khôi phục trong hoàn cảnh ấy.

Trên công trường thủy lợi Hiệp Hòa. Ảnh tư liệu (nguồn: vtv.vn)
Trên công trường thủy lợi Hiệp Hòa. Ảnh tư liệu (nguồn: vtv.vn)

“Đứng ở thời đại 4.0” nhìn lại, càng khâm phục và trân trọng các thế hệ lãnh đạo và người dân lúc đó thật táo bạo và kiên cường.

Lao động thủ công của những người nông dân áo vải đã dựng nên hoặc làm sống lại những công trình thủy lợi, đưa lại lợi ích to lớn trong 40 năm qua, cho hôm nay và sẽ còn cho cả những mai sau. “Đứng ở thời đại 4.0” nhìn lại, càng khâm phục và trân trọng các thế hệ lãnh đạo và người dân lúc đó thật táo bạo và kiên cường. Họ đã làm nên những công trình “rất thủy lợi”, rất có lợi, bền vững cho môi trường! Đó là thành quả to lớn, cần được đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, tích cực, toàn diện, lịch sử, công bằng, là những bài học quý giá dưới nhiều phương diện.

Hiệp Hòa ngày tang tóc

Mỗi khi nhắc đến những năm tháng ấy, chúng ta không thể quên sự kiện đau lòng tại cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Do cống xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do lâu ngày, bị bồi lấp, lưu lượng nước qua cống không đảm bảo, người ta phải đào, chuyển đất dưới lòng kênh lên hai bên bờ để đổ lại cống. Công việc hối hả, hàng nghìn người hăng hái chạy đua với thời gian. Ban Chỉ huy Công trường đã chọn những đơn vị ưu tú thi công ngay tại nơi hiểm yếu. Mưa phùn, gió rét. Khi những công đoạn cuối cùng của đào vét sắp xong, chuẩn bị đổ lại cống thì lúc 12 giờ kém 5 phút, ngày 3 tháng 1 năm 1978 đã xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng. Hàng nghìn khối đất đá hai bên vách dựng đứng sập xuống lòng kênh. Hàng trăm người bị vùi lấp trong tích tắc. 98 người con quê hương đã hy sinh vĩnh viễn, 156 người bị thương. Trong số đó, riêng xã Cát Văn (Thanh Chương) có tới 37 anh chị em có chung ngày giỗ ngay trước ngày Ông Táo về trời của Tết Mậu Ngọ! Trong số họ, có người mới 17 tuổi. Có người đã gửi thiệp mời, chuẩn bị lễ cưới. Có người đã có giấy báo vào đại học, cao đẳng. Có người trong miệng còn ngậm cả miếng bánh mì luộc chưa kịp nuốt! Cả xứ Nghệ ngập chìm trong đau thương, tang tóc!...

Những ngôi mộ với hai dòng chữ Ghi công của những người tử nạn tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Duy
Những ngôi mộ với hai dòng chữ Ghi công của những người tử nạn tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Duy

Lịch sử Đảng bộ tỉnh đã có những dòng ghi về sự kiện bi thương, đáng tiếc này. UBND tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ đã tặng Bằng GHI CÔNG cho từng cá nhân “hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh” (chữ dùng đúng nguyên văn trên bằng GHI CÔNG) của UBND tỉnh.

Nỗi lòng chưa thỏa

Năm 1978, một phiên tòa đã được mở tại Đô Lương. Hàng nghìn người, từ chủ tọa phiên tòa đến người dự khán cùng bật khóc nức nở, đau đớn, xót xa cho cả bị cáo và người bị hại! Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thiếu thốn trăm bề. Trong hoạn nạn, người dân nén đau thương, cắn răng chịu đựng. Từ năm 1979, UBND tỉnh đã giải quyết chế độ chính sách cho mỗi gia đình có người hy sinh 6 kg gạo/tháng. Qua một số lần điều chỉnh, đến nay là 540.000 đồng/tháng/thân nhân.

Dẫu vậy nhiều cuộc tiếp xúc cử tri đã có những ý kiến vừa thiết tha, vừa gay gắt.

Ý Dân muốn: Nhà nước công nhận những anh chị em đã hy sinh là liệt sĩ. Họ xứng đáng là liệt sĩ. Vì đó là những người lao động tình nguyện, xây dựng quê hương theo tiếng gọi của Đảng. Họ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, trong giờ lao động, có sự quản lý của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền. Họ lao động mệt nhọc hàng tháng trời trên nhiều công trường xây dựng quê hương mà không có một chế độ thù lao gì.

Bằng ghi công của tỉnh Nghệ Tĩnh gọi những thanh niên tử nạn trong khi đang xây cống Hiệp Hòa là “hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh”. Ảnh tư liệu: TP
Bằng ghi công của tỉnh Nghệ Tĩnh gọi những thanh niên tử nạn trong khi đang xây cống Hiệp Hòa là “hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh”. Ảnh tư liệu: TPO

Dân mong mỏi xây dựng bia tưởng niệm trang trọng nơi anh chị em đã hy sinh để các thế hệ hậu sinh biết, tri ân những người đã cống hiến cho quê hương, đất nước. Dù đã có chủ trương của tỉnh nhưng đến nay vẫn chỉ là một cái miếu nhỏ, sơ sài của vài anh em đồng đội tự phát tâm xây dựng.

Số người tham gia trên những công trường ngày ấy nay đã cao tuổi. Hiện tại, một số anh chị em do bị tai nạn sống đơn thân, ốm đau, một số thân nhân của các anh chị em đã hy sinh rất khó khăn. Bây giờ họ đã già cả, ốm yếu, là những hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nhà nước nên dành một khoản kinh phí, giúp họ ổn định cuộc sống, đừng để họ “tụt lại phía sau”.

Hơn 40 năm qua, sau sự kiện Hiệp Hòa, nước sông Lam vẫn hiền hòa rẽ qua sông Đào, chảy qua Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,… để làm nên những mùa vàng bội thu. Bưng bát cơm thơm vẫn nhớ ơn người đã khuất. Nhiều người dân, nhiều tờ báo vẫn nhắc đến Hiệp Hòa với nỗi niềm khắc khoải,…

Cống Hiệp Hòa. Ảnh tư liệu: TPO
Cống Hiệp Hòa. Ảnh tư liệu: TPO

Bác Hồ kính yêu từng khẳng định: Đối với nước ta, nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh, nông thôn yên vui thì đất nước yên vui. Đó cũng chính là chiến lược phát triển, là sự đảm bảo cho tính bền vững, ổn định của quê hương, đất nước. Hơn 35 năm đổi mới, thế và lực của Đất nước đã lớn mạnh hơn. Trong thành quả đó, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ của nền kinh tế”, nông thôn vẫn là một địa bàn chiến lược, nông dân vẫn là những người “một nắng hai sương” “lo cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn”. Lẽ nào mà một nguyện vọng chính đáng như vậy cứ mãi đi vào quên lãng với thời gian? Tôi từng làm đại biểu HĐND huyện, từng trực tiếp gặp nhiều nhân chứng và kêu gọi thiện nguyện, giúp một số nạn nhân Hiệp Hòa. Chúng tôi cũng rất nhiều lần “nghiêm túc tiếp thu ý kiến cử tri, phản ánh lên cấp có thẩm quyền” nhưng kết quả chưa được như mong muốn.

Sắp đến ngày giỗ lần thứ 42 của anh chị em. Viết mấy dòng này, nếu được những vị có thẩm quyền quan tâm thì thật toại nguyện?

Hiệp Hòa - Nỗi niềm chưa thỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO