Hoàng Mai coi trọng 'mũi' phát triển kinh tế biển

Nguyễn Hải 25/08/2020 15:35

(Baonghean.vn) -Với 18 km bờ biển, trong đó có vùng nước sâu ven bờ Đông Hồi và Lạch Cờn là cửa sông lớn để tàu thuyền ra, vào và neo đậu, thị xã Hoàng Mai có tiềm năng lớn về đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Những năm gần đây, nhờ các giải pháp hợp lý nên địa phương đã từng bước vươn lên trở thành một trong những trọng điểm về phát triển nghề cá vùng Bắc Trung Bộ.

Bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Hoàng Sa

Ở phường Quỳnh Phương, một trong những địa phương trọng điểm của nghề đánh bắt hải sản mạnh nhất thị xã Hoàng Mai, từ thực hiện chính sách khuyến khích của Nhà nước, năng lực khai thác đánh bắt của bà con ngư dân đã tăng lên đáng kể. Không những thế, so với các địa phương bạn, phường Quỳnh Phương có ngành nghề đánh bắt đa dạng hơn.

Bên cạnh nghề truyền thống đánh cá đáy, gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sáng đánh bắt xa bờ, hiệu quả cao hơn; năm 2019 bình quân thu nhập nghề cá đạt 110 triệu đồng/lao động.

Từ khi cảng cá Quỳnh Phương được đầu tư nâng cấp, hàng loạt các dịch vụ hậu cần như sửa chữa cơ khí, chế biến, bảo quản cũng được đầu tư mạnh hơn, nên giá trị hải sản ngày càng gia tăng. Năm 2019, giá trị sản xuất ngư nghiệp của phường đạt 520 tỷ đồng, chiếm 52% cơ cấu kinh tế của phường.

Tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ đang vào neo đậu tại cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Nguyễn Hải
Tàu vỏ sắt đánh bắt xa bờ đang vào neo đậu tại cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngư dân xã Quỳnh Lập cũng mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền bám biển đánh bắt xa bờ. Hiện tại, với 149 trên tổng số 200 tàu có chiều dài trên 15m thường xuyên tham gia đánh bắt xa bờ nên hàng năm sản lượng đánh bắt hải sản của xã Quỳnh Lập luôn đạt trên 30.000 tấn, hoạt động đánh bắt là đầu tàu thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế của xã đi lên.

Trong vòng 6 năm kể từ khi thành lập, trên toàn thị xã đóng mới 79 tàu, trong đó 41 tàu theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, đưa tổng số đội tàu đánh xa bờ lên gần 400 chiếc. Thị xã cũng thành lập 128 tổ đội khai thác hải sản xa bờ, vươn khơi bám biển dài ngày. Hiện tại, TX. Hoàng Mai là địa phương có tàu đánh bắt xa bờ lớn thứ 2 toàn tỉnh và đi đầu trong việc tham gia đánh bắt bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Hoàng Sa khi hàng năm có trên 200 trăm lượt tàu thuyền đăng ký đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại vùng biển Hoàng Sa. Sản lượng đánh bắt năm 2019 đạt gần 50 ngàn tấn, tăng 2,2 lần so với năm 2013.

Bên cạnh đó, nhờ nâng cao năng lực chế biến và kho bãi nên thị xã không chỉ đảm bảo năng lực thu mua sản phẩm cho ngư dân thị xã, mà còn có thể thu mua hải sản từ các tỉnh khác để chế biến. Năm 2019, giá trị chế biến đạt 970 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 đạt 990 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2013.

Thu mua, chế biến đưa vào cấp đông cá tại cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Nguyễn Hải
Thu mua, chế biến đưa vào cấp đông cá tại cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp tục chiến lược phát triển kinh tế biển

Để kinh tế biển có được chuyển biến tích cực đó, từ năm 2014, ngay khi thành lập, thị xã Hoàng Mai đã ban hành Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn 2014 - 2015 và tính đến năm 2020. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định kinh tế biển là một trong những trọng tâm ưu tiên đầu tư.

Trên cơ sở đề án và chỉ đạo của thị xã, các phòng, ban và địa phương đã xây dựng kế hoạch và chương trình trọng tâm triển khai. Sau 6 năm, thị xã đã huy động, lồng ghép khoảng 150 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp cảng cá Lạch Cờn, mở 3 km đường từ đền Cờn ngoài đến cảng cá Quỳnh Phương, góp phần kết nối khu du lịch với cảng cá.

Thu hoạch tôm trên địa bàn phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai).

Bên cạnh đó, thị xã cũng đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 3 vùng nuôi tôm VietGAP tại các xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Lộc; tích cực chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thành công tảo xoắn, giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng chất lượng… đáp ứng nhu cầu cho thị trường khu vực.

Đồng chí Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết: Trong bối cảnh đầu tư vào công nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn thì kinh tế biển, sản lượng tăng 10,05%/năm và giá trị chế biến tăng 13,3%/năm đã góp phần rất lớn vào ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội thị xã.

Tuy nhiên, việc hội nhập quốc tế ngày càng cao và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trong giai đoạn mới, TX. Hoàng Mai nói riêng và Nghệ An nói chung đang nỗ lực đưa nghề cá truyền thống của nhân dân lên đánh bắt hiện đại.

Ngư dân vá lưới  tại cầu cảng chuẩn bị cho đánh bắt dài ngày. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngư dân vá lưới tại cầu cảng chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt dài ngày. Ảnh: Nguyễn Hải

Đồng chí Hồ Sỹ Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập chia sẻ: Sau một thời gian phát triển đội tàu đánh bắt quá nóng, giờ là lúc xã Quỳnh Lập và thị xã phải nhìn lại, rà soát, cơ cấu lại bằng cách ổn định đội tàu không phát triển thêm để nghề cá phát triển bền vững hơn. Thống kê những năm gần đây cho thấy, mặc dù số phương tiện đánh bắt ngày càng nhiều và lớn hơn nhưng sản lượng và giá trị tăng không tương xứng. Đã vậy, do thu nhập thấp nên lao động nghề cá ngày càng giảm, ngư trường đánh bắt ngày càng bị thu hẹp (do thủ tục, giám sát) nên phải cơ cấu lại.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, trên cơ sở đánh giá 6 năm thực hiện Đề án kinh tế biển, thị xã Hoàng Mai đã có những định hướng cho bà con ngư dân.

Tuyên truyền cho ngư dân tàu đánh xa bờ. Ảnh Nguyễn Hải
Tuyên truyền cho ngư dân tàu đánh xa bờ. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo đó, cùng với khẩn trương hiện đại hóa, nâng cấp trang thiết bị đánh bắt trên tàu và ứng dụng khoa học công nghệ mới, vươn khơi, thị xã phấn đấu nâng cao hiệu quả đánh bắt bằng gắn hoạt động thu mua, chế biến và bảo quản thủy, hải sản theo chuỗi để đánh bắt dài ngày hơn; tàu cá tham gia đánh bắt phải chấp hành nghiêm quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và khuyến cáo của EU về “Thẻ Vàng” để hải sản đến được với các thị trường lớn hơn. Song song với đó, cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cảng, bến bãi, luồng lạch và xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa…

xác định kinh tế biển là một trong những trọng tâm ưu tiên đầu tư. Ảnh Hồ Long
Thị xã Hoàng Mai tiếp tục xác định kinh tế biển là một trong những trọng tâm ưu tiên đầu tư. Ảnh Hồ Long


Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, để nâng cao giá trị đánh bắt, cần làm tốt khâu thu mua chế biến và bảo quản. Kể từ khi cảng cá Quỳnh Phương được nâng cấp, do tàu ra vào cập cảng thuận lợi nên nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt kho đông công suất lớn (Bình quân 200 đến 250 tấn/kho) để thu mua hải sản, chế biến, cấp đông xuất khẩu nên giá trị tăng lên đáng kể.

Đồng chí Hồ Văn Hường - Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương

Trong khi đó, phía bên kia Lạch Cờn, bà con xã Quỳnh Lập cũng tận dụng lợi thế về nguồn nước ngọt đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất đá lạnh và cung cấp nước ngọt; tích cực thu mua hải sản để chế biến, hấp sấy, đóng gói xuất khẩu.

Sắp tới, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển, TX. Hoàng Mai đang quy hoạch mở rộng khu dịch vụ đền Cờn, tăng cường đầu tư hạ tầng dịch vụ, kết nối với Khu du lịch biển Quỳnh nhằm thu hút khách. Bên cạnh đó, thị xã cũng tăng cường thu hút đầu tư vào nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng, khuyến khích các dự án chuyển giao sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua, tảo xoắn… Hy vọng đây sẽ hướng đi mới hiệu quả và sự bền vững cho kinh tế biển Hoàng Mai.

Mới nhất

x
Hoàng Mai coi trọng 'mũi' phát triển kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO