Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga: Không có việc tái thiết lập quan hệ song phương
(Baonghean.vn) - Các chuyên gia, nhà chính trị gia quốc tế dự đoán cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới khó có thể đạt được những kết quả tiến bộ, thậm chí sẽ không có bất kỳ "sự tái thiết lập" nào trong quan hệ song phương Mỹ - Nga
Hãng thông tấn Nga Ria Novosti đã có cuộc phỏng vấn một số chuyên gia nước ngoài về những kỳ vọng của họ xoay quanh cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan)
Trước đây, ông Trump và Putin đã gặp nhau không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao nhóm các nước công nghiệp G-20 tại Hamburg (Đức) tháng 7/2017 và Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng (Việt Nam) tháng 11/2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh Ria Novosti |
Cuộc gặp mang tính biểu tượng
Richard Sakwa – Giáo sư chính trị về Nga và châu Âu tại Đại học Kent cho rằng, với mục đích ban đầu, đối với Nhà Trắng cuộc gặp là cơ hội giảm căng thẳng ngoại giao, khôi phục quan hệ và giải quyết nhiều vấn đề quốc tế.
"Bất cứ sự nhún nhường lớn nào cũng khó xảy ra, có thể có sự nhượng bộ nhỏ, song điều này không góp phần giải quyết triệt để mọi vấn đề. Để thay đổi được mối quan hệ cần phải thay đổi chương trình nghị sự với những vấn đề thực sự phức tạp và không dễ giải quyết. Do đó, cuộc gặp chỉ là một công vụ bình thường, mà không có sự tái thiết quan hệ nào" - Giáo sư Sakwa nhận định.
Vấn đề Syria sẽ được ưu tiên bàn luận và giải quyết, hay như một thỏa thuận về an ninh chiến lược sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, trong một cuộc họp ngắn ngủi như vậy, thì cả hai nhà lãnh đạo khó có thể đưa ra giả pháp cuối cùng.
Giáo sư chính trị còn cho rằng, những sóng gió cản trở việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga còn thú vị hơn nhiều so với kết quả của nó. Cụ thể bộ Tư pháp Mỹ trước thềm cuộc gặp đã ra thông báo truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga với cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Diễn biến mới này đã trở thành “công cụ hữu ích để tăng sức ép và kiểm soát hành động” đối với Tổng thống Trump.
Cẩn trọng với những động thái của Tổng thống Trump
Cựu Ngoại trưởng Iran Seyed Kamal Kharrazi thẳng thắn cho rằng, với sự nhiệt thành của mình, Tổng thống Trump thường tạo ra bầu không khí cởi mở bằng những tuyên bố bóng bẩy. "Chúng ta cần phải cẩn trọng, tỉnh táo để đưa ra đánh giá chính xác" - Ông Kharrazi nói.
Cựu Ngoại trưởng Iran đánh giá, Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ cá nhân với ông Putin khi mà nhiều cố vấn và quan chức trong chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn với Nga. Ông Trump sẽ tiếp tục tìm cách đánh bóng danh tiếng của mình như một nhà thương thuyết hiệu quả, như cách ông thể hiện trong cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Kharrazi nhận định, việc duy trì đối thoại giữa các cường quốc là tín hiệu tích cực, nhưng cuộc gặp của ông Trump và ông Putin sẽ khó đạt được một thỏa thuận đặc biệt nào.
Để thay đổi tính chất của mối quan hệ, cả hai nước sẽ phải thay đổi, không chỉ chính sách của Mỹ mà cả chính sách của Nga. Tham vọng của hai bên là trở thành một cường quốc có những ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, ở mọi khu vực của thế giới. Để tìm tiếng nói chung cả Nga và Mỹ cần tập trung vào các vấn đề quốc tế, vào những điểm nóng đáng lo lắng, và sự phối hợp nỗ lực chung để vượt qua những thách thức. Còn nếu hai bên cứ duy trì sự cứng rắn, thì sẽ không có gì thay đổi cả.Không tồn tại lăng kính màu hồng
Trưởng khoa Quan hệ quốc tế và chính sách công của Đại học Mỹ tại Cairo (Ai Cập) và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Nabil Fahmi không đặt niềm tin nhiều về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga.
Nói về kỳ vọng của mình, ông Fahmi cho biết là người ủng hộ phương thức đối thoại, nhưng cần nhìn nhận một cách tỉnh táo rằng cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước rơi vào vòng vây của hàng loạt khủng hoảng và xung đột, các tranh chấp hiện tại đã phá hoại nghiêm trọng quan hệ song phương Mỹ - Nga. "Như vậy không tạo điều kiện để tiến triển".
Theo ông Fahmi, cả Nga và Mỹ đang cố gắng để đảm bảo tình hình sẽ không tồi tệ hơn, và hai nhà lãnh đạo đều muốn được coi là thắng lợi về mặt chính trị.
“Tôi không tâm ai là nhà lãnh đạo tài ba nhất thế giới, mà điều đáng quan tâm nhất là thế giới này được cải thiện và thay đổi như thế nào” – cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập nói.
Đồng quan điểm đó, Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shiam Saran nhận định, không cần phải chú trọng quá nhiều vào cuộc gặp lần này, mà hãy “dành một khoảng lặng để đánh giá, và nhìn nhận xem liệu rằng sẽ có bất kỳ kết quả nào hay không, nhất là sự thay đổi về tương quan chính trị”.
“Tôi không mong đợi nhiều từ hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki. Điều này sẽ không mang lại sự kiến tạo mới nào trên chính trường quốc tế, hay như sự hình thành thế giới đa cực” - Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shiam Saran
Ông Saran dự đoán, mục đích của cuộc gặp sẽ chỉ dừng lại ở việc làm rõ những chính sách trong nước của chính nước Mỹ hơn là mối quan hệ song phương với Nga.
Mối quan tâm cấp thiết nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là tránh để xảy ra sự hiểu lầm đối với Nga vì bất cứ sự hiểu lầm nào về mục đích và nội dung chính sách hay các nghị quyết sẽ có nguy cơ tạo ra sai lầm lớn, gây leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa hai cường quốc.
Ông Saran cho biết thêm, trước chuyến đi tới Helsinki, Tổng thống Trump chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel do ký hợp đồng lớn mua khí đốt của Nga từ dự án “Nord Stream 2”, và thẳng thừng cho rằng Đức đang bị Nga kiểm soát, “giam hãm”. Điều này cũng trở thành một yếu tố “xấu” cản trở cuộc gặp của ông Trump và ông Putin.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga sẽ diễn ra lúc 13h00 (giờ Moscow) - khoảng 17h (giờ Việt Nam) tại dinh tổng thống - Presidentinlinna, Helsinki, Phần Lan.
Hội nghị sẽ bắt đầu với cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Trump và Putin và chỉ có thêm 2 phiên dịch. Sau đó, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ bắt đầu.
Sau các cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp báo, trong đó có phát biểu trước công chúng và trả lời 4 câu hỏi, mỗi bên 2 câu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, một tuyên bố chung không phải là điều bắt buộc sau cuộc gặp này và các tuyên bố sẽ phụ thuộc vào kết quả hội nghị.