Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn ODA
(Baonghean) - Trong 5 năm qua, Nghệ An thu hút được 31 chương trình, dự án ODA, tổng giá trị đạt 15.050 tỷ đồng, hỗ trợ quan trọng cho tỉnh trong đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất.
Nghi Thái (Nghi Lộc) là xã sản xuất nông nghiệp bấp bênh do thường xuyên gặp thiên tai, địa bàn thấp trũng, sản xuất thường mất mùa khi nước lũ tràn về. Con đường từ Nghi Thái đến Hưng Hòa (TP. Vinh) lâu nay về mùa lũ người dân đi lại khó khăn. Trước thực tế đó, Tiểu dự án cầu kết hợp tràn, đường cứu hộ, cứu nạn từ xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đến xã Hưng Hoà (Thành phố Vinh) thuộc Dự án Quản lý rủi ro thiên tai được thực hiện đã đem lại diện mạo mới cho con đường và tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, đặc biệt tham gia cứu nạn, cứu hộ mùa lũ.
Dự án cầu kết hợp tràn, đường cứu hộ ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc). |
Công trình trị giá 35 tỷ đồng, hoàn thành ngày 5/6/2014, quy mô bao gồm cầu tràn, tuyến đường và cống ngăn mặn, trên tuyến. Công trình còn có hệ thống điện hạ thế cấp điện phục vụ vận hành. Nguồn vốn ODA còn đầu tư cho Nghi Thái tuyến đê ngăn nước lũ từ thành phố Vinh về các xóm của Thái Hưng, Thái Bình trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Ở Thành phố Vinh, một dự án rất lớn đang được thực hiện bằng vốn ODA đó là Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, thuộc Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư gần 153 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 98 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam gần 55 triệu USD (riêng vốn đối ứng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 43 triệu USD).
Kênh Bắc được cải tạo, nâng cấp tạo diện mạo mới cho Thành phố Vinh được xây dựng từ nguồn vốn ODA. |
ODA đã góp phần phát triển hệ thống đô thị, đường giao thông (bao gồm cả đường liên thôn, liên xã, liên huyện), nông, lâm nghiệp, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, điện nông thôn, giáo dục, y tế... Việc sử dụng nguồn vốn ODA còn góp phần làm nâng cao lực của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động, thu hút, quản lý và sử dụng ODA. Các khóa tập huấn, đào tạo được tổ chức dưới sự tài trợ của các dự án đã có đóng góp đáng kể cho việc nâng cao năng lực. Hàng trăm lượt cán bộ trong các cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác vận động, thu hút, quản lý và sử dụng ODA đã được tham gia các khóa đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan.
Bên cạnh đó, hàng ngàn lượt người dân được tham gia các lớp đào tạo về giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các dự án, cũng như phát triển khả năng tự bảo dưỡng, sửa chữa các công trình sau khi hoàn thành nhằm kéo dài tuổi thọ các công trình.
Tuy nhiên, giải ngân vốn các chương trình, Dự án ODA trong giai đoạn 2011 - 2015 chưa cao, mới đạt 3.676,9 tỷ đồng, bằng 30,18% vốn cam kết.
Giai đoạn 2016 - 2020, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi: Kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng sau khủng hoảng nên nhu cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng cao. Việt Nam tiếp tục lộ trình hội nhập sâu và rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực.
Giai đoạn 2015 - 2020, Nghệ An phấn đấu vận động viện trợ ODA đạt 350 - 400 triệu USD (6.600 - 7.000 tỷ đồng). Trong giai đoạn trước mắt, các ban, ngành tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vận động, đàm phán các dự án đã xác định rõ nhu cầu và nhà tài trợ.
Giai đoạn 2011 - 2015, Nghệ An đã vận động được nhiều dự án ODA quy mô lớn như: Phát triển đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án Thành phố Vinh (WB), Khôi phục hệ thống Thủy lợi Bắc (JICA) 5.204 tỷ đồng, Khôi phục vùng ngập lũ Nghệ An (Quỹ Ả rập xê út) 672 tỷ đồng, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (giai đoạn 3), các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, thoát nước thải, hạ tầng giao thông... của các nhà tài trợ lớn như WB, JICA, ADB, Kfw, Bỉ... |
Châu Lan
TIN LIÊN QUAN