Hơn 40 năm giữ lời hẹn ước...
Bà Trinh nâng bức ảnh trên đôi tay của mình, đôi tay đã nhăn nheo vì tuổi tác run run lau từng hạt bụi nhỏ. Từ đôi mắt bà, nước mắt bỗng trào ra, như thể bao nhớ thương, uẩn khúc có dịp tỏ bày. Trong ảnh, là gương mặt thanh xuân của người bà yêu. Người chiến sỹ - Đài trưởng Đài vô tuyến điện 15W, Khu Trung tâm Thông tin tiền phương ấy đã ngã xuống sau loạt bom Mỹ tại khe Phương Thoan, Hướng Hóa, Quảng Trị khi còn mang nặng lời hẹn ước với người con gái quê nhà. Và người con gái ấy, đã sống hơn 40 năm qua với lời hẹn ước chưa thành...
(Baonghean) Bà Trinh nâng bức ảnh trên đôi tay của mình, đôi tay đã nhăn nheo vì tuổi tác run run lau từng hạt bụi nhỏ. Từđôi mắt bà, nước mắt bỗng trào ra, như thể bao nhớ thương, uẩn khúc có dịp tỏ bày. Trong ảnh, là gương mặt thanh xuân của người bà yêu. Người chiến sỹ - Đài trưởng Đài vô tuyến điện 15W, Khu Trung tâm Thông tin tiền phương ấy đã ngã xuống sau loạt bom Mỹ tại khe Phương Thoan, Hướng Hóa, Quảng Trị khi còn mang nặng lời hẹn ước với người con gái quê nhà. Và người con gái ấy, đã sống hơn 40 năm qua với lời hẹn ước chưa thành...
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Trinh tại thôn Đa Cát, Nam Cát, Nam Đàn nhờ có "người dẫn đường" nhiệt tình là ông Vũ Quang Cảnh- người bạn chiến đấu của liệt sỹ HồĐức Tín, quê tận mạn Hùng Tiến. Căn nhà bà Trinh đang ở, cũng là nhà của em trai bà. Bà Trinh thắp lên nén hương nơi ban thờ liệt sỹ Tín, trước khi những hồi tưởng bắt đầu...
"Một ngày tháng 2 năm 1965. Bữa liên hoan đưa anh Tín ra trận cũng là bữa liên hoan tôi kết nạp Đoàn. Ngày ấy, chúng tôi là lứa thanh niên cùng xóm, lớn lên cùng nhau. Anh Tín sinh năm 1943, hơn tôi 2 tuổi..."- Bà Trinh rưng rưng nhớ.
Ngày ấy, bà Trinh là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Bị tật ở chân (sau một lần viêm cơ), bà quên nỗi mặc cảm bằng sự chăm chỉ học hành, hăng say hoạt động các phong trào ởđịa phương, tần tảo giúp đỡ cha mẹ nuôi hai em trai khôn lớn. Bà trở thành cô giáo trường làng. Có lẽ chính nhờ nghị lực, lòng yêu thương cuộc đời, nét duyên dáng thanh tân của cô giáo trẻ, cả nét chữ rất đẹp trong những cánh thư gửi ra tiền tuyến đã dần hình thành nên niềm thương nhớ trong lòng anh báo vụ viên trẻ tuổi. Họđã thư từ qua lại 4 năm. Những cánh thưđan dày thêm niềm vui, nỗi nhớ mong mỗi ngày. "Nhận thư Trinh đã là niềm vui không chỉ của riêng Tín nữa mà còn trở thành niềm vui của đồng đội. Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nét chữ mềm mại của Trinh trong những bức thư dài hàng chục trang mà Tín cho chúng tôi cùng đọc". - Ông Cảnh góp chuyện.
Đến năm 1969, khi tình yêu đã chớm nở, anh Tín có một chuyến công tác và được ghé về quê 3 ngày. Đó cũng là dịp Trinh có đợt tập huấn ở xã Xuân Lâm, và được kết nạp Đảng. Họ chỉ có một ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi quanh xóm. Nói qua thư, được nhiều là thế, nhưng gặp nhau thì lại ngại ngùng. Trưa đó, anh lính rủ cô giáo qua nhà mình chơi và ăn cùng gia đình một bữa cơm đạm bạc. Ngày hôm sau, người lính lại trở về mặt trận B5 (Quân khu Trị Thiên- Huế).
Bà Trinh bên di ảnh của liệt sỹ HồĐức Tín
Trong bức thư sau ngày hôm đó, có một dòng chữ mà cô giáo Trinh ân hận tới giờ, ấy là lời ngại ngùng, xấu hổ: "Em ăn với anh bữa cơm, ấy là bữa đầu tiên mà cũng là bữa cuối cùng thôi đó!". Trong bức thư trả lời, anh Tín quả quyết : "Anh sẽ cùng ăn cơm với em suốt quãng đời mình, từ Thế kỷ 20, đến sang cả Thế kỷ 21". Kể từđó, hai người chính thức yêu nhau và ngầm đính ước. Anh lính đã luôn mơ về một tương lai và "muốn Trinh sẽ là một người con dâu tốt của gia đình anh".
Tháng 4/1971, nhân thể có chuyến công tác của người đồng đội Vũ Quang Cảnh, anh Tín đã nhờ bạn mang về món quà chiến trường cho người yêu: một bức thư, một tấm vải dù, một gói đường mơ, một tấm Huân chương Chiến công hạng Ba. "Theo chỉ dẫn của bạn, tôi mượn xe đạp đem quà đến Trường cấp 1 Nam Cát, nơi Trinh đang dạy học. Trinh vui lắm. Đọc xong thư, má Trinh ửng hồng. Trinh hỏi tôi về những ác liệt nơi mặt trận, khoe với tôi rằng Tín hẹn ngày về cưới và vội viết thư ngay cho Tín để nhờ tôi chuyển". - Ông Cảnh kể lại.
Trong bức thưấy, người lính đã hẹn: Tháng 5 hoặc tháng 6 anh được nghỉ phép. Nếu vềđược chúng ta cưới nhé? Anh cũng xin phép được bỏ qua những thủ tục dạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi vì thời gian của người lính rất ngắn ngủi. Cũng khoảng này, anh Tín viết thư về cho bố mẹ, dặn "thầy, mẹ chuẩn bị cho con một con lợn và gạo nếp để con cưới vợ". Ở chiến trường, anh Tín đã chuẩn bịđầy đủ cho cô dâu của mình từ chiếc nón, đôi dép, tới áo quần, cả chiếc gối do chính tay anh thêu. Bà Trinh kể: "Anh ấy rất khéo tay, không chỉ thêu gối mà còn có khăn thêu tặng tôi nữa, trong khi đó tôi vẫn còn vụng về... Nhận tin anh ấy báo về xin cưới, nhưng tôi cũng không dám nói cùng ai, chỉ biết đợi trông phấp phỏng. Hoàn cảnh tôi lúc đó, không cho phép mình nghĩ quá xa".
Ngày 30/4/1971 âm lịch, anh Tín lên báo cáo chỉ huy đơn vị, xin cắt phép về quê cưới vợ ( đợt phép này cũng có thêm một nguyên do nữa là đơn vị chiếu cố vì em trai của anh Tín hy sinh năm 1968). Tối 1/5, sau bữa cơm chiều, trận bom Mỹđã đánh vào đơn vị. Anh Tín cùng 2 đồng đội khác vĩnh viễn nằm lại với đất Hướng Hóa (Quảng Trị), chưa kịp vềđể làm trọn lời hẹn ước với người con gái anh yêu. Đồng đội rưng rưng khi xếp lại những bức thư hai người, món quà cưới ấp ủ niềm vui của anh giữa bom đạn khốc liệt.
Từ sau bức thư hẹn ngày về, cô giáo Trinh chờ hết tháng 5, tháng 6 mà không có tin gì của anh Tín. Sang tháng 7, cô nhận được bức thư của một người đồng đội anh, quê Hà Tĩnh. Nhận thư, giữa giờ lên lớp, cô đã ngồi lịm đi. Đất dưới chân sụp đổ. Cả lớp học cũng lặng phắc trong nỗi ngơ ngác. Những cô cậu học trò còn quá nhỏđể có thể hiểu, sẻ chia với nỗi đau đớn ập đến với cô giáo thân yêu. Đồng nghiệp hôm đó đã phải dìu cô về nhà. Cô không thể nói, không biết nói với ai. Tình yêu lặng lẽ, âm thầm giữa hai người, nào có mấy ai được biết? Chưa có ràng buộc bởi một lễ nghi gì, cô cũng không thể chạy đến nhà anh. Hơn nữa, cô cũng không muốn cái tin ấy vội đến với cha mẹ già của anh. Họ sẽ quỵ ngã mất khi nỗi đau mất một người con (là em trai anh Tín) còn chưa kịp lành.
Những tháng ngày sau đó, với cô giáo Trinh là những tháng ngày "chân đi như không vững nữa". Cô nghĩ về câu chuyện của hai người, lần gặp gỡ ngắn ngủi, những bức thư, lời hẹn ước. Về món quà anh gửi từ chiến trường. Chiếc khăn dù kia như vẫn còn nguyên hơi ấm bàn tay anh. Cô đã quàng lên cổ mình như một niềm tự hào, như ngầm khẳng định rằng mình đã có nơi, có chốn. Rồi, trong những suy nghĩ triền miên, cô lại hy vọng rằng bức thư báo tin ấy là không có thật. Biết đâu là sựđùa giỡn, biết đâu là sự nhầm lẫn?!
Sau cái Tết năm 1972, một người đồng đội của anh Tín ở xóm dưới về phép và có nhắn cô xuống nhà chơi. Anh trao lại cho cô toàn bộ thư từ của anh Tín, kể rõ hơn về sự hy sinh của người cô yêu thương. Cô ôm bọc thư trĩu nặng ấy. Quãng đường trở về hôm đó, có lẽ là quãng đường dài nhất, khó khăn nhất trong đời cô. Đêm về, cô chong đèn, sống cùng những bức thư, những nét chữ của anh. Ngày nào cũng vậy, sau giờ lên lớp, cô trở về góc nhỏ quen thuộc trong căn nhà mình. Nước mắt cứ cạn dần, cạn dần sau bao đêm trắng... Cô như chạm vào sự héo mòn qua từng ngày. Rồi lòng tự nhủ lòng, thôi hãy vững tâm lên để sống, để làm việc, để có thể ngẩng đầu mỗi khi sang "bên ấy", nơi mà anh đã ước ao rằng cô sẽ sống là "một người con dâu tốt". Cô gói lại những bức thư thấm đẫm nước mắt của mình bao đêm, đem gác chúng lên trên mái nhà. Biết đâu không đọc chúng, mình sẽ bớt đau, sẽ bớt đi những đắm chìm vô vọng... Để rồi, sau hôm đó, mỗi lần đi dạy về, cô lại ngửa mặt lên trần nhà, nơi cất giữ kỷ vật tình yêu mà vẫn không nguôi nước mắt...
Lời hẹn ước sẽ trở thành vợ chồng hình như không lúc nào phai nhạt tâm trí bà Trinh. Bà lao vào công việc, đăm đắm chăm lo cho các em sau khi bố mẹ lần lượt qua đời. Là cô giáo dạy giỏi, lại đảm đang, tháo vát, nhiều người vẫn không hiểu vì sao bà không lấy chồng, dù không ít đám dạm hỏi. Bà cũng cứ lặng lẽ thế, không một lời giải thích, giữ cho riêng mình một quá khứ thẳm sâu. Bà ở với em trai (cậu em sớm phải đi làm ăn xa, sớm mất vợ) chăm lũ cháu lớn lên. Từ chối những nơi dạm hỏi, bà lại viện lý do tật bệnh, e không đảm đương, gánh vác nổi việc gia đình. "Thật ra, trong tôi, có lúc nào mà rời được những suy nghĩ về anh Tín. Có lúc nào không đinh ninh những lời anh dặn? Tôi thương anh ấy, thương cái phút giây anh ngã xuống khi mà đang nghĩ mình sắp chạm tới hạnh phúc đơn sơ. Và tôi tự hứa với anh, với mình, sẽ mãi là người phụ nữ thủy chung của anh ấy". Vì lẽđó, bà đã xin phép bên nhà anh được lập một bàn thờ, đưa ảnh của anh vềđể thờ trong nhà mình...
Hơn 40 năm qua, những người đồng đội cũ của anh, những người đã đọc thư của cô giáo Trinh trên chiến trường, những người đã rưng rưng gói lại món quà cưới của người chiến sỹđã hy sinh, sững sờ gặp lại cô giáo Trinh trong căn nhà có ban thờ liệt sỹ Tín. Họ là người biết rõ nhất mối tình ấy, biết rõ nhất nỗi đau ấy. Một người trong số họđã cảm động viết lên những dòng thơ, tuy còn không ít vụng về, nhưng đầy xúc cảm để tặng cho người phụ nữ tên Trinh, cũng như bao nhiêu người phụ nữ trên đất nước ta có chồng, có người yêu nằm xuống nơi trận mạc:
Con đường đã bao lần em trở lại
Nơi chia tay ngày anh ra trận
chỉ một lần
Thời gian cứ trôi đi và mãi mãi
Trái tim còn náo nức
mỗi lần xuân
Mấy chục năm rồi mà như hôm qua
chỗ hẹn hò mọc xanh mầm cỏ
và mầm cỏ mọc lên mầm cỏ
mầm cỏ xanh
xanh tận đáy lòng
Con đường thành đau đáu trông mong
thành khắc khoải
thành niềm hy vọng
dẫu biết rằng chẳng bao giờ anh trở lại
mầm cỏ xanh
xanh mãi
kệ thu tàn!
Thùy Vinh