Hơn 85% các trường học ở Nghệ An chọn phương án 2 cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Mỹ Hà 05/10/2023 14:55

(Baonghean.vn) - Phương án thi tốt nghiệp 2025 đang nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh và các nhà trường. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình mới nên tổ chức giảm tải để giảm áp lực cho học sinh.

Theo kế hoạch, từ năm 2025 lứa học sinh đầu tiên học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT. Để chuẩn bị cho Kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các nhà trường về việc triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Buổi tư vấn lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 10 của Trường THPT Hà Huy Tập.jpg
Buổi tư vấn lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 10 của Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh). Ảnh: NT

Trước đó, sau 2 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới dành cho bậc THPT, việc tổ chức dạy học ở các nhà trường gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc hướng dẫn học sinh đăng ký tổ hợp môn học, bao gồm các môn tự chọn và môn bắt buộc.

Thời gian qua, các trường đang định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn trên cơ sở nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của học sinh. Các môn học sinh đăng ký có sự tương đồng với các tổ hợp khối truyền thống hiện nay.

Ngoài ra, các trường định hướng dựa trên cơ cấu giáo viên của các nhà trường để cân bằng giáo viên đứng lớp ở các môn học.

Tuy nhiên, dù với phương thức nào thì việc định hướng này chỉ mang tính chất tương đối.

Có sự lúng túng này, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính là hiện nay là bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa xây dựng phương án thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Do đó, việc dạy học và lựa chọn môn học cho học sinh ở trường phổ thông theo chương trình mới còn nhiều bất cập.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án tổ chức thi và dự kiến sẽ công bố phương án chính thức vào quý 4/2023.

Phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.

Phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.

Học sinh Trường THPT Tương Dương 2.jpg
Học sinh Trường THPT Tương Dương 2. Ảnh: NT

Tại Nghệ An, việc lấy ý kiến đã được triển khai đồng loạt tại các nhà trường qua hai kênh.
Trước khi đưa ra phương án lựa chọn, Sở cũng yêu cầu các nhà trường tổ chức Hội thảo nghiên cứu Dự thảo Phương án thi và lấy ý kiến của toàn bộ các cán bộ quản lý, giáo viên (theo hướng dẫn gửi kèm công văn này). Bên cạnh đó, cần tổng hợp số lượng mỗi nhóm lựa chọn môn thi; phân tích ưu điểm, nhược điểm mỗi nhóm lựa chọn khi thực hiện tổ chức thi tại đơn vị mình.

Kết quả, tổng hợp lựa chọn từ các đơn vị gửi theo công văn của Sở có 85,56% các đơn vị lựa chọn phương án 2.

Trong khi đó, tổng hợp lựa chọn từ Bảng lựa chọn thiết lập trên Google form có 72,89% ý kiến của các thầy, cô giáo lựa chọn phương án 2.

Phương án thi tốt nghiệp THPT được xem có tác động rất lớn đến việc dạy, học cũng như định hướng nghề nghiệp của học sinh. Lý giải cho sự lựa chọn này, lãnh đạo nhiều nhà trường cho biết, việc lựa chọn phương án 2 với ba môn bắt buộc là Văn - Toán - Anh và 2 môn còn lại là môn tự chọn nhằm mục đích bớt áp lực cho thi cử.

Nói về điều này, thầy giáo Trần Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 nói thêm: Ngoài các giáo viên dạy Lịch sử, còn lại ở trường chúng tôi đều thống nhất chỉ nên chọn 3 môn bắt buộc. Mục đích của nhà trường đó là mong muốn, Bộ giảm tải các môn thi để giảm áp lực cho học sinh.

Về lý do không chọn môn Lịch sử, thầy Mạnh nói thêm: Chương trình Giáo dục phổ thông với bậc THPT được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, nếu học sinh học Lịch sử ở trường thì các em đã nắm được đầy đủ lượng kiến thức cần thiết. Còn lại, nên để học sinh tự lựa chọn các môn thi sao cho phù hợp với ngành nghề tương lai mà các em theo đuổi.

Trường THPT Hà HUy Tập tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh và học sinh lớp 10.jpg
Trường THPT Hà Huy Tập tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh và học sinh lớp 10. Ảnh: NT

Cùng chung quan điểm này, thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) cho biết: Từ trước đến nay, dù qua nhiều lần thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa thì Lịch sử chưa bao giờ là môn bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Vì vậy, nếu phương án mới đưa ra không có môn bắt buộc thì cũng là điều bình thường và học sinh, giáo viên ở trường chúng tôi đều lựa chọn phương án này. Việc chỉ chọn 3 môn thi bắt buộc cũng sẽ bớt áp lực cho học trò, nhất là với những học sinh lựa chọn các khối thi tự nhiên hoặc khối D, tránh cho các em phải học quá nhiều môn.

Để việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thuận lợi trong những năm tới, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cũng mong Bộ cân nhắc trong việc triển khai các môn tự chọn. Bởi lẽ, nếu như với phương án có 8 môn thi tự chọn như hiện nay, thì kỳ thi có thể sẽ kéo dài trong nhiều ngày, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức và quá cồng kềnh trong việc thực hiện.

IMG_9709.JPG
Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà

Như vậy, với kết quả này, nhiều nhà trường mong muốn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình sách giáo khoa mới sẽ thi 5 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo quan niệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi được xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng phương án tổ chức thi và dự kiến sẽ công bố phương án chính thức vào quý 4/2023./.

Mới nhất

x
Hơn 85% các trường học ở Nghệ An chọn phương án 2 cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO