Hỗn loạn nhân sự trong nội các của Trump
Hoài nghi và bất an là tâm trạng chung của nhiều quan chức Mỹ khi chứng kiến cảnh chính quyền Trump đang trải qua hàng loạt biến động nhân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Các biến động nhân sự liên tiếp bên trong nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những nỗ lực mà ông thực hiện nhằm cải tổ bộ máy đang bị chính những người Cộng hòa ở Đồi Capitol hoài nghi, theo CNN.
Gina Haspel, ứng viên Trump đề cử cho vị trí giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thế chỗ ông Mike Pompeo, người được chỉ định thay vị trí Ngoại trưởng Rex Tillerson, đang khiến các nghị sĩ Cộng hòa ở thượng viện không khỏi lo lắng, bởi vai trò của bà này trong việc giám sát một chương trình thẩm vấn và giam giữ gây tranh cãi. Trong khi đó, ít nhất một thành viên Cộng hòa cùng vài người Dân chủ ở thượng viện đã tỏ thái độ phản đối lãnh đạo Bộ Ngoại giao tương lai Mike Pompeo.
Mặt khác, hiện bên trong cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cũng tồn tại những bất đồng trước thông tin rằng ông John Bolton, một người mang quan điểm hiếu chiến, có thể thay thế ông H.R. McMaster đảm nhận vai trò cố vấn an ninh quốc gia.
Một số nghị sĩ Cộng hòa ở thượng viện cảnh báo Nhà Trắng đang gây áp lực lên các nhà lập pháp với quá nhiều đề cử. "Với tất cả những gì chúng tôi phải làm ở đây, việc xác nhận thêm hai vị trí nữa đã đủ là một thách thức", thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn cho hay.
Tuy nhiên, bất chấp những rối ren trong bộ máy, Tổng thống Trump vẫn ra những dấu hiệu cho thấy ông háo hức như thế nào trước công cuộc "thay máu" nội các. Hôm 13/3, Trump khẳng định "đang tiến rất gần" đến nội các mà ông hằng mong muốn.
Bất an
Ngoại trưởng Rex Tillerson, người vừa bị Tổng thống Trump sa thải. Ảnh: AFP. |
Các kế hoạch thay đổi nhân sự trên diện rộng tiếp tục làm gia tăng những hỗn loạn vốn đã bao trùm Cánh Tây, Nhà Trắng, suốt vài tuần qua và khiến không ít quan chức cảm thấy bất an. Một số nguồn tin Nhà Trắng chia sẻ với CNN rằng họ thấy như đang đi trong bóng tối, hồi hộp không biết ai sẽ là người bị sa thải hoặc từ chức tiếp theo. Sự bất định này góp phần làm cho tinh thần của các nhân viên đi xuống và tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều tháng.
Cánh Tây hiện vẫn phải gồng mình với những thay đổi: Ông McMaster có thể đang đối mặt nguy cơ bị thay thế. Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin cùng Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị cũng không ngoại lệ. Thậm chí, có tin đồn rằng chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly một lúc nào đó sẽ ra đi. Những câu hỏi liên quan đến tương lai của Kelly đã khiến các cố vấn thân cận nhất bên ông tính đến chuyện tìm kiếm công việc khác bên ngoài chính quyền, một nguồn tin đảng Cộng hòa gần gũi với Nhà Trắng tiết lộ.
Phát biểu trước các phóng viên hôm 15/3 tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump bác bỏ những thông tin về việc cải tổ nhân sự diện rộng nhưng thêm rằng sẽ "luôn luôn có sự thay đổi". "Tôi nghĩ các bạn sẽ muốn xem sự thay đổi", ông nói. "Tôi cũng muốn thấy những ý tưởng khác nhau".
Nếu Tổng thống Trump thực sự đang hướng đến mục tiêu sửa chữa bộ máy, quan chức có nguy cơ phải ra đi cao nhất là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người đã chịu đựng những lời chỉ trích, chế giễu và chế nhạo lâu hơn bất kỳ thành viên nội các nào khác. Tuy nhiên, việc sa thải ông khá phức tạp.
Trong nhiều tháng, bạn bè và các cố vấn của Tổng thống Trump đã thành công trong việc thuyết phục ông không sa thải Bộ trưởng Sessions. Song, ông chủ Nhà Trắng chưa từ bỏ ý định. Nhà Trắng lúc này đang diễn ra cuộc thảo luận về việc liệu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ Scott Pruitt có thể trở thành bộ trưởng tư pháp tiếp theo hay không nếu Tổng thống Trump thực sự sa thải ông Sessions, theo một nguồn tin Cộng hòa am hiểu vấn đề.
Ông Pruitt, cựu chưởng lý bang Oklahoma, từng nằm trong số những ứng viên cho vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp. Tổng thống Trump cuối cùng chọn Sessions và quyết định này khiến ông hối tiếc, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa ở thượng viện cho rằng việc sa thải ông Sessions tiềm ẩn nguy cơ kích động phản đối từ cả lưỡng đảng và khơi dậy lại câu hỏi liệu có phải Tổng thống Trump đang hành động để gây khó dễ cho cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Tôi sẽ vừa ngạc nhiên, thất vọng và lo lắng" nếu ông Sessions bị sa thải, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho hay. " Sẽ rất khó tìm người thay thế. Hiện giờ là thời điểm khó khăn để phê chuẩn một vị trí như vậy. Tôi nghĩ ông Jeff đã làm tốt công việc".
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Ảnh: AFP. |
Chuck Grassley, chủ tịch ủy ban, khẳng định chương trình nghị sự của ông đã đầy đủ và ông sẽ không tổ chức điều trần xác nhận việc thay thế. Điều này được ông Grassley nêu rõ từ hồi tháng 7 năm ngoái, khi những tin đồn về khả năng ông Sessions bị sa thải xuất hiện.
Cùng thời điểm đó, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mỹ Mitch McConnell, nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky, cũng thúc giục ông Trump không nên hành động, cảnh báo quy trình xác nhận chức vụ cho gương mặt mới sẽ vô cùng khó khăn, theo một nguồn tin am hiểu sự việc.
"Tôi đã nói về nó một năm trước và tôi không có gì mới để bổ sung", Grassley hôm 14/3 khẳng định. "Tôi không muốn nói điều đã nói 6 tháng trước ở đây, hôm nay, nhưng tôi nghĩ sa thải Sessions không phải lựa chọn khôn ngoan".
Ngoài Bộ trưởng Sessions, các thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ còn đang nỗ lực để bảo vệ những quan chức nội các khác, bao gồm cả Shulkin. Hiện có nhiều tin đồn rằng Tổng thống Trump muốn thay thế ông.
Thượng nghị sĩ bang Georgia Johnny Isakson và hạ nghị sĩ bang Tennessee Phil Roe đã lên tiếng bày tỏ sự tin tưởng đối với Bộ trưởng Cựu chiến binh Shulkin. "Tôi tin ông Shulkin đang làm xuất sắc công việc", ông Roe nói. "Tôi chắc chắn ghét việc phải nhìn thấy ông ấy rời vị trí".