“Hôn nhân” Mỹ - Trung có dễ hàn gắn?
(Baonghean.vn) - “Cuộc hôn nhân” giữa Mỹ và Trung Quốc hiện trong tình cảnh dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1979. Các căng thẳng song phương tiếp tục leo thang khi bất đồng ngày một hiển hiện trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại, gia tăng cạnh tranh chiến lược và hoạt động gián điệp mạng.
Trong những tình huống đầy thách thức như vậy, việc tái thiết một mối quan hệ đối tác chiến lược đáng tin cậy là điều bắt buộc, vì những thành quả của sự phối hợp song phương đem lại lợi ích không chỉ cho 2 bên, mà cả cộng đồng quốc tế nói chung.
Không gì đưa đối thủ xích lại gần nhau dễ hơn bằng những đối thủ lớn hơn hay những vấn đề rắc rối chung. Những nỗ lực gần đây của Mỹ và Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đưa ra cơ hội hiếm có để đạt được một bước đột phá về ngoại giao. Tuy nhiên, sẽ cần có thêm nhiều thành công hơn nữa để có thể “hàn gắn” mối liên kết này.
Những nỗ lực gần đây của Mỹ và Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đưa ra cơ hội hiếm có để đạt được một bước đột phá về ngoại giao. Ảnh minh họa: Internet |
Những vấn đề căn bản trong quan hệ Mỹ - Trung
Những dòng tít thông báo sự xuất hiện của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã rất phổ biến trong vài tháng qua. Thuế quan leo thang từ 2 phía có thể gây tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế của cả 2 nước.
Đối với Mỹ, khả năng chiến tranh thương mại xảy đến trong thời điểm nhạy cảm, khi nền kinh tế nước này chỉ vừa mới phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dù kinh tế Mỹ hiện đang ở trạng thái tương đối tốt, sự trả đũa cũng tiềm ẩn khả năng “san bằng” tăng trưởng kinh tế, đẩy nước này vào một cuộc suy thoái.
Với Trung Quốc, những hậu quả của tranh chấp thương mại có thể là rất lớn khi nước này đang phải chính diện đương đầu với những cơn cuồng phong kinh tế khác, bao gồm sự giảm sút trong lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và tăng trưởng kinh tế so với năm ngoái.
Tăng cạnh tranh chiến lược
Trong 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã chuyển mình từ một quốc gia biệt lập lún sâu trong nghèo đói thành một siêu cường đang nổi lên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính đa chiều, tăng trưởng kinh tế và quân sự phi thường cùng thuật ngoại giao tích cực của nước này đang làm thay đổi khu vực Đông Á.
Sức mạnh và tầm ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc khiến Mỹ phiền muộn, bởi nó đồng nghĩa với sự giảm sút tầm ảnh hưởng của Washington tại khu vực.
Kiểm soát trọn vẹn Biển Đông và Biển Hoa Đông đều nằm ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh và Washington. Cả 2 bên đang cạnh tranh nhằm tăng cường các liên minh với các quốc gia châu Á khác (chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc,…) nhằm bảo đảm ưu thế của mình trong khu vực. Việc kiểm soát các đại dương đem lại quyền lực tối thượng trong thương mại khu vực và toàn cầu. Hơn thế, cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng này vượt ra ngoài phạm vi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng sang châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á và Trung Đông.
Thiếu lòng tin chiến lược
Bất kể bản chất cạnh tranh giữa 2 nước, Mỹ và Trung Quốc hiểu rằng họ có mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất thế giới. Tuy vậy, việc không tin tưởng những ý đồ dài hạn của đối phương tiếp tục cản trở sự hợp tác chặt chẽ hơn. Thiếu minh bạch trong các kế hoạch và học thuyết quân sự chỉ thêm làm tăng sự thiếu hụt lòng tin này.
Trong khi Mỹ vẫn sở hữu quân đội quy mô nhất thế giới, 2 thập niên tăng trưởng 2 con số trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách này. Quân đội Trung Quốc hiện là lực lượng chuyên nghiệp, nghiên cứu tỉ mỉ quân đội Mỹ hòng nhận diện bất kỳ điểm yếu nào của đối phương.
Mỹ đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc thường tấn công máy tính của quân đội Mỹ, và Trung Quốc đã xây dựng các hệ thống chống vệ tinh và tên lửa đạn đạo chống hạm để đối đầu với sức mạnh trong không gian và trên biển của Mỹ.
Trung Quốc cũng đã cáo buộc Mỹ hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các mục tiêu chính phủ và doanh nghiệp quan trọng. Các chiến dịch mạng được dùng làm phương tiện trong cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Một cuộc tấn công thành công có thể bao gồm đánh cắp các bí mật quân sự và/hoặc thương mại, hay tiếp cận được các sáng kiến chính trị hết sức bảo mật hoặc dữ liệu cá nhân và tài chính tuyệt mật của nhân sự trong chính phủ.
Bất tương đồng trong các giá trị và hệ thống chính trị
Những khác biệt lớn trong các giá trị và hệ thống chính trị cũng là một thành tố không thể tách rời với sự mất lòng tin ngày một nhiều và sự cạnh tranh trong quan hệ Mỹ-Trung.
Sỹ quan Không quân Mỹ giám sát diễn tập chiến tranh mạng. Ảnh: Không quân Mỹ |
Lợi ích của quan hệ Mỹ - Trung được tăng cường
Rõ ràng những vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc là rất nhiều và khó có thể tìm được cách giải quyết dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có khả năng cho sự hợp tác giữa 2 đối thủ lâu đời miễn là lợi ích cốt lõi cũng như các quan ngại chính của mỗi bên được tôn trọng.
Giảm đe dọa an ninh
Khi những vấn đề đáng quan ngại này tích tụ dần trong quan hệ Mỹ-Trung, thách thức chung trong việc ứng phó với mối đe dọa Triều Tiên đưa ra một luồng sáng lạc quan hiếm hoi. Bằng việc duy trì tập trung vào kết quả, 2 cường quốc có thể thay đổi đáng kể một vấn đề quốc phòng quan trọng và đạt được một thành công ngoại giao.
Việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể dẫn tới hợp tác an ninh Mỹ-Trung được tăng cường, bắt nguồn từ một quá trình giảm thiểu đe dọa lẫn nhau đang diễn ra. Quá trình này có thể bao gồm cắt giảm các đe dọa trên mạng và những vụ tấn công của quân đội Trung Quốc nhằm vào các mục tiêu Mỹ; tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về những tranh chấp trên biển của Trung Quốc; và xử lý mối đe dọa khủng bố mạng, phổ biến hạt nhân, bất ổn năng lượng, và hơn thế nữa.
Tái cân bằng các quan hệ kinh tế và chính trị
Khi phát triển kinh tế của Trung Quốc chững lại và bất ổn đe dọa kinh tế toàn cầu, hội nhập kinh tế Mỹ-Trung trở thành điều cần thiết. Mở rộng đầu tư tại Trung Quốc sẽ trao cho các công ty Mỹ cơ hội tăng tiếp cận thị trường Trung Quốc, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người dân nước này. Hơn thế, khi củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Mỹ sẽ được nhiều hơn so với việc áp đặt các hàng rào thương mại mới.
Với Trung Quốc, các khoản đầu tư tăng thêm của Mỹ sẽ tăng tỷ lệ có việc làm, dẫn tới các sản phẩm có giá trị cao hơn, và hạ giá thành đối với người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ mở rộng cơ sở tính thuế của Trung Quốc.
Mở rộng hợp tác, tăng ổn định và tăng trưởng toàn cầu
Quan hệ Mỹ-Trung có tác động lớn đối với sự quản trị toàn cầu và những triển vọng đối với hòa bình thế giới. Củng cố các giá trị chung của Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy sự cộng tác lớn hơn trong cộng đồng toàn cầu thông qua phát triển cơ sở hạt tầng tại các nước đang phát triển. Xây dựng năng lực lớn hơn để giải quyết những thách thức đối diện với xã hội dân sự toàn cầu - bao gồm giáo dục, y tế, bình đẳng giới, hòa bình và an ninh, kinh doanh và thương mại - là điều hết sức cần thiết để bảo đảm ổn định và tăng trưởng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ngày 9/11/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Nhà Trắng |
Kết luận
Sự tiến triển các quan hệ Mỹ-Trung không chỉ là vấn đề định hình chiến lược đối với 2 nước, mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Các cuộc thảo luận có chiều sâu về những vấn đề căn bản trên là cần thiết để tăng sự hiểu biết chung và từ đó xây dựng lòng tin tổng quát lớn hơn cũng như tính hiệu quả trong mối quan hệ này.
Việc quan hệ Mỹ-Trung bước vào một “cuộc hôn nhân trưởng thành” là tối quan trọng, nơi sự tôn trọng lẫn nhau, những lợi ích chung và sự thấu hiểu những hậu quả tiêu cực của một mối quan hệ đối kháng ràng buộc 2 nước với nhau. Trong cuộc hôn nhân này, ly hôn không phải là phương án lựa chọn, bởi điều đó sẽ gây bất lợi cho ổn định và tăng trưởng toàn cầu, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.