Người dân bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ thu hoạch chè shan tuyết cung cấp nguyên liệu để chế biến trà shan tuyết, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP của Kỳ Sơn vừa được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Hoài Thu |
Theo Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 17/1/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Nghệ An đợt 2 của năm 2022, Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao.
6 sản phẩm được công nhận lần này gồm: Trà shan tuyết của Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất chè hữu cơ Huồi Tụ, đóng tại bản Huồi Lê, xã Huồi Tụ; bò giàng Hậu Quế của hộ kinh doanh Bùi Thị Quế, khối 5, thị trấn Mường Xén; tinh dầu gừng và bột gừng Kỳ Sơn của Hợp tác xã Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ; gà đen Mường Lống của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, xã Mường Lống; các sản phẩm của Hợp tác xã Thổ cẩm Na Loi (chân váy, váy, khăn quàng, khăn trải bàn) đóng tại bản Na Loi, xã Na Loi.
Người dân xã Na Loi duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Hoài Thu |
Trước đó, tháng 11 năm 2021, Làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Loi, xã Na Loi được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Xã Na Loi có 6 bản, dệt thổ cẩm chủ yếu ở bản Na Loi với 78/88 hộ tham gia. Người dân Na Loi tự trồng dâu, nuôi tằm để lấy tơ dệt vải.
Việc các sản phẩm thổ cẩm như váy, khăn... của người dân Na Loi được công nhận OCOP 3 sao đã tạo thêm động lực để bà con tích cực trau dồi tay nghề, đẩy nhanh tốc độ sản xuất đáp ứng yêu cầu sản phẩm và tiếp cận kinh doanh, thương mại giúp nâng cao thu nhập.
Người dân bản Na Loi, xã Na Loi dệt vải thủ công từ chính nguyên liệu tơ tằm sản xuất được. Clip: Hoài Thu |
Ở xã Mường Lống, gà đen là vật nuôi quen thuộc của đồng bào nơi đây. Hiện nay, người dân không chỉ chăn nuôi phục vụ nhu cầu gia đình, mà còn biến vật nuôi này thành sản phẩm hàng hoá có chất lượng, thương hiệu. Ví như ông Vừ Nỏ Pó ở bản Mường Lống 1 đã đầu tư 30 triệu đồng mua 50 con gà đẻ giống gà đen bản địa và 01 máy ấp trứng về để phát triển chăn nuôi. Sau một thời gian, đàn gà của ông tăng lên từ 300 – 700 con, có thời điểm lên đến hơn 1.000 con, cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm.
Người dân Mường Lống áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học để duy trì chất lượng và nguồn giống gà đen bản địa. Ảnh: Hoài Thu |
Ngoài hộ ông Pó, còn có gần 20 hộ khác cũng đầu tư nuôi gà đen và đã thành lập Chi hội Nông dân chăn nuôi gà đen với 15 hộ tham gia vào năm 2020. Đến năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Mường Lống do anh Lầu Bá Tu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc với 07 thành viên ra đời, mục tiêu là giữ nguồn giống gà đen bản địa và cung cấp sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng...
Như vậy, cùng với sảm phẩm gừng tươi đã được gắn chỉ dẫn địa lý và công nhận OCOP 3 sao năm 2020, thì nay Kỳ Sơn có 7 sản phẩm OCOP 3 sao, tạo thêm niềm vui, động lực cho người dân sản xuất, kinh doanh ở huyện biên giới rẻo cao này.