Huyện vùng cao Tương Dương nửa nhiệm kỳ đổi mới

Khánh Ly 15/10/2023 10:23

(Baonghean.vn) -Với quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025) đã được các tổ chức cơ sở đảng và đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Tương Dương cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt,  vào thực tiễn. 

Đổi thay ở các địa bàn vùng khó

Xã Nga My là địa bàn đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Tương Dương hơn 65km với 1.111 hộ, 5.009 khẩu, trong đó 557 hộ nghèo (chiếm 50,14%); 61 hộ cận nghèo (chiếm 5,49%).

Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền xã Nga My đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trước hết là tạo sự thay đổi trong tư tưởng, hành động, nếp nghĩ, nếp làm của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Quang cảnh đông đúc, nhộn nhịp của chợ phiên Nga My.Anh Đinh Tuân.jpg
Quang cảnh đông đúc, nhộn nhịp của chợ phiên Nga My. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Về Nga My hôm nay, sẽ được chứng kiến sự sôi động của những phiên chợ quy mô được tổ chức vào ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng.

Đây không chỉ là nơi đồng bào các dân tộc trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa. “Trước đây các sản phẩm do người dân trên địa bàn làm ra không biết bán cho ai, từ ngày có phiên chợ, hàng hóa, nông sản, kể cả mặt hàng dệt thổ cẩm, đan lát có nơi tiêu thụ, đời sống của bà con cũng được nâng lên”, bà Vi Thị Dung ở bản Văng Môn cho hay.

Nhờ có chợ phiên, các sản phẩm do người dân nga my làm ra dễ tiêu thụ. Anh Dinh Tuân.jpg
Nhờ có chợ phiên, các sản phẩm do người dân Nga My làm ra dễ tiêu thụ. Ảnh: Đình Tuân

Theo ông Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy xã Nga My: Bên cạnh triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, cấp ủy, chính quyền đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, áp dụng KHKT vào canh tác, tăng năng suất diện tích lúa nước hơn 170ha; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng có năng suất thấp. Bên cạnh đó tận dụng tối đa quỹ đất bằng, vùng đất ven khe suối để phát triển rau màu các loại hoặc cây ăn quả; tận dụng diện tích đất rừng sản xuất (ở những nơi có điều kiện) để trồng rừng tập trung; phát triển các cây con chủ lực bản địa như sắn, keo, trồng dược liệu, nuôi vịt bầu, nuôi cá, chăn nuôi gia súc lớn ở các bản vùng ngoài…

BNA_6541.jpeg
Người dân bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Ảnh: KL

Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng trong cách nghĩ, cách làm của người dân đã có sự chuyển động tích cực. Hiện người dân Nga My đã mạnh dạn tham gia các mô hình mới để nâng cao thu nhập như mô hình thâm canh lúa nếp DT52 trên diện tích 13ha với 93 hộ tham gia; mô hình ngô vụ đông 8ha với 50 hộ tham gia; mô hình trồng lúa nếp 97 trên 10ha với 70 hộ tham gia; mô hình trồng xoài Đài Loan tại bản Bay và bản Na Ca với quy mô 2,6ha…

bna-1-675.jpg
Cánh đồng lúa tươi tốt ở xã Yên Hoà, Tương Dương. Ảnh: Đình Tuyên

Còn tại xã Yên Hòa, Đề án 07-ĐA/HU về “xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân” - một trong những đề án quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương nhiệm kỳ 2020-2025 đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, hành động cụ thể nhằm phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên trong nhân dân.

bna-2-1492.jpg
Nét đặc sắc ở xã Yên Hòa, Tương Dương chính là hệ thống gần 50 cọn nước nằm dọc khe Chà Hạ vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa phục vụ du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Minh chứng là, gần đây, Yên Hòa được biết đến là điểm du lịch mới nổi của huyện nhà, với hệ thống gần 50 cọn nước và khu rừng săng lẻ tuyệt đẹp. Yên Hòa cũng là 1 trong 2 địa phương được chọn để phát triển dược liệu dưới tán rừng, chủ yếu là khôi nhung, chè hoa vàng tập trung ở các bản Yên Tân, Yên Hợp, bản Cọoc.

bna-7-4525.jpg
Xã Yên Hòa, Tương Dương có cánh rừng săng lẻ tuyệt đẹp, là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ảnh: Đình Tuyên

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình dược liệu trên diện tích 1,5ha, ông Vi Văn Chôm - Trưởng bản Cọoc cho hay: Gia đình tôi bắt đầu trồng khôi nhung từ năm 2020, năm ngoái đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu (cả lá và cành) được khoảng 4 tạ, sau khi phơi khô bán với giá 200 nghìn đồng/kg. Không chỉ vậy, nay tôi đã ươm giống thành công được hơn 1.200 cây và đang đề xuất mở rộng mô hình.

Theo ông Đặng Văn Viên - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa: Hiện trên địa bàn có khoảng 10,5ha cây dược liệu, sản phẩm sau thu hoạch được Công ty Đông Nam dược miền Trung thu mua, giá bán lẻ từ 200-250 nghìn đồng/kg (sản phẩm khô), bán nhập 180 nghìn đồng/kg.

Người dân xã Yên Hoà, Tương Dương mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu. Anh CSCC.jpg
Người dân xã Yên Hoà, Tương Dương mạnh dạn đầu tư trồng dược liệu. Ảnh: CSCC

Bên cạnh dược liệu, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Hòa khóa XXI, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cũng được triển khai như mô hình trồng chuối ngự, trồng rừng, trồng keo, chăn nuôi trâu, bò. Toàn xã có 31 gia trại nhỏ và vừa phát triển tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường để phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đoàn kết toàn dân, phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu; chăm lo phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự ATXH, quyết tâm đưa Tương Dương thoát khỏi huyện nghèo”.

2-NGANG-2.png
Thị trấn Thạch Giám ngày càng khang trang sạch đẹp; Không khí đón chào các ngày lễ lớn ở huyện miền núi Tương Dương; Rừng săng lẻ tại xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn - Đình Tuân - Hồ Phương

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết đặt ra, Đảng bộ huyện Tương Dương đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng thoát nghèo, nâng cao vai trò chủ thể của nhân dân, phát triển toàn diện nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, huyện chú trọng chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa quy mô tập trung gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn (chiếm 92% tổng diện tích) và trên 7.000ha diện tích mặt nước, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản.

Lãnh đạo tỉnh và huyện tương dương thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Tống Văn Chiến ở xã Tam Quang. Anh tu lieu pv.png
Lãnh đạo tỉnh và huyện Tương Dương thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Tống Văn Chiến ở xã Tam Quang. Ảnh tư liệu: PV

Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các mô hình trang trại, gia trại theo hướng tạo thành hàng hóa. Toàn huyện hiện có 12 trang trại, 26 gia trại; tổng đàn trâu, bò năm 2022 đạt 91,65%; tổng đàn lợn năm đạt 83% mục tiêu đại hội.

Công tác nuôi trồng thủy sản mang hiệu quả kinh tế cao thông qua khai thác có hiệu quả những ưu thế về mặt nước tại lòng hồ bản Vẽ, Khe Bố. Năm 2022, tổng số lồng cá trong toàn huyện là 501 lồng; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 595 tấn, đạt 98,94% mục tiêu đại hội.

bna_2_anh_pv6007462_2712202.jpg
Người dân Tương Dương nuôi cá lồng trên lòng hồ Thuỷ điện bản Vẽ. Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Đặc biệt huyện chú trọng phát triển mạnh về trồng rừng nguyên liệu. Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Sinh kế cho hộ nghèo khu vực miền núi vẫn phải gắn với rừng để bảo vệ rừng và thu lại nguồn lợi từ rừng”.

Tính đến năm tháng 6/2023, toàn huyện trồng được 2.552,8ha rừng, bảo vệ rừng 218.339ha, đạt 98%; chăm sóc rừng trồng 3.220ha, đạt 83%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 79,26% mục tiêu đại hội. Nhìn một cách tổng thể, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Tương Dương đã có sự chuyển dịch tích cực, nông nghiệp giảm từ 61,3% xuống 57,5%; lâm nghiệp tăng từ 36,02% lên 39,8%; thủy sản tăng từ 2,68% lên 2,7%.

Giống keo cấp phát cho các hộ trồng rừng được chủ động ngay trên địa bàn huyện Tương Dương.jpeg
Giống keo cấp phát cho các hộ trồng rừng được chủ động ngay trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu PV

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo từng bước đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, cộng đồng như xây dựng, tôn tạo các điểm di tích như đền Cửa Rào, xã Xá Lượng; đang thực hiện các bước xây dựng chùa Tương Dương. Nhiều mô hình dịch vụ du lịch sinh thái bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, như: Cụm du lịch sinh thái Tam Quang (khu du lịch sinh thái Nậm Xán) - Tam Đình (rừng Săng lẻ, Khe Cớ) - đền Vạn Cửa Rào - Lưu Kiền (Khe Kiền); điểm du lịch Cọn Nước, xã Yên Hòa; Thác Nha Vang - xã Nhôn Mai…

5-NGANG.png
Đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM ở xã Tam Đình; Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức với nhiều hình thức phong phú; Những ngành nghề truyền thống đang dần được khôi phục; Người dân bản Khe Quỳnh, Xiêng My rước Bằng công nhận bản văn hóa; Một giờ học của học sinh Trường PTDTNT THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu: Hồ Phương – Đình Tuân

Là huyện biên giới, nhận thức rõ có đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới mới tạo được động lực để phát triển, trong nửa nhiệm kỳ qua, song song với việc duy trì tốt quan hệ đối ngoại chính quyền, đối ngoại nhân dân và lực lượng vũ trang với các bản, huyện, tỉnh giáp biên thuộc nước bạn Lào, cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh biên giới. Nổi bật là việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/HU xây dựng huyện sạch về ma túy. Kết quả, đã có 14/17 xã, thị trấn đạt các tiêu chí sạch ma túy, dự kiến đến năm 2025, 17/17 xã, thị trấn sạch ma túy.

Công an xã Yên Na tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy. anh CSCC.jpg
Công an xã Yên Na, huyện Tương Dương tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy. Ảnh: CSCC

Có thể khẳng định, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Tương Dương đã đoàn kết, đồng lòng hiện thực hóa các chương trình hành động đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Qua đó, kinh tế - xã hội tiếp tục có bước phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới. Những kết quả trên là cơ sở, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Huyện vùng cao Tương Dương nửa nhiệm kỳ đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO