Xe mài dao dạo 'độc nhất' thành Vinh
(Baonghean.vn) - Ông có một công việc gần như là “độc quyền” ở TP. Vinh. Những bà nội trợ ai cũng quen mặt ông dù không nhiều người biết tên ông. Hỏi thì ông khoát tay: “Cứ gọi tôi là ông mài dao cho dễ nhớ”.
Nghề “đứt tay”
Chiếc xe đồ nghề đơn giản của ông mài dao. Ảnh: Diệp Thanh |
Rất dễ bắt gặp “ông mài dao” trên những nẻo đường của TP. Vinh với một chiếc xe đạp cũ kỳ lạ. Ông thong thả rảo khắp các con đường, dừng lại ở tất cả các chợ mình đi qua và trở thành người bạn thân quen của nhiều hàng quán bán đồ ăn. Nhờ vậy, ngày nào ông cũng có khách, dù ông đi ở khu vực nào. Hoặc giả nếu không gặp khách dọc đường đi ông cũng có nhiều người khách quen chủ động gọi qua điện thoại.
Trên xe của ông mài dao dựng đứng một chiếc ghế dài do chính ông thiết kế để tiện phục vụ công việc mài dao, kéo của mình. Phần ghi đông và giỏ xe chất treo lúc lỉu những đồ đạc thiết yếu khác như loa, nước, làn… Tất cả đều cũ kỹ và thô sơ. Phần “hiện đại” nhất của chiếc xe có lẽ là chiếc máy mài cầm tay – công cụ được sử dụng đầu tiên trong quá trình mài dũa của mình.
Để bắt đầu công việc, ông hạ chiếc ghế dài cao tầm 30cm xuống, những viên đá mài hình chữ nhật với nhiều độ nhám khác nhau được dỡ ra từ cái giỏ nhựa tự chế gắn ở sau mặt ghế. Can nước lớn treo ở xe cũng được dỡ xuống, đổ đầy vào chiếc chậu nhựa có phần cáu bẩn – nước chính là “chất liệu” không thể thiếu suốt quá trình mài dũa. Xong đâu đấy, ông tìm nguồn điện để cắm nhờ chiếc máy mài. Vừa thoăn thoắt chuẩn bị, ông vừa trò chuyện: “Trước tôi cũng học kỹ sư xây dựng ra đấy. Có một giai đoạn ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn, không có việc làm, tôi xin ra ngoài làm tư nhân rồi nghỉ hẳn. Khi về hưu, sức khỏe không đảm bảo nên tôi chuyển sang nghề này. 2 năm đầu tôi mài thủ công bằng tay và đá ở các chợ. Sau này có máy mài, tôi cũng linh hoạt cách làm hơn, chọn đi nhiều nơi thay vì ngồi một chỗ, vừa vui vừa có thêm khách”.
Trước khi mài tay, những chiếc dao được làm ướt và mài bằng máy. Ảnh: Diệp Thanh |
Làm ướt dao và mài máy là những bước cơ bản đầu tiên. Các lưỡi mài được lựa chọn phù hợp với tình trạng của dao, kéo. Với kim loại thép hay gỉ sét thì dùng chổi đánh trước, kim loại inox ít gỉ thì dùng luôn đá mài sắt. Thao tác với máy đòi hỏi người thợ phải cực kỳ cẩn thận và chắc tay. “Bao nhiêu năm làm nghề, dù cẩn thận thì vẫn có rủi ro xảy ra tai nạn nghề nghiệp. Lần gần nhất, suýt thì tôi bị máy cắt bay nửa đốt ngón tay cái. May sao vẫn kịp vào viện để nối lại” – ông nói. Chiếc máy mài di chuyển đến đâu, tia lửa bắn ra đến đấy.
Trung bình công mài một chiếc dao/kéo từ 5-15 nghìn đồng nhưng "ông mài dao" làm rất chu đáo, cẩn thận. Ảnh: Diệp Thanh |
Sau khi xử lý phần thô bằng máy, người thợ mài dao chuyển sang mài thủ công bằng tay và đá. Những viên đá mài hình chữ nhật được cố định vào chiếc ghế dài giúp việc mài dao thực hiện được dễ dàng hơn. Lúc này kỹ thuật của người thợ mài dao được thể hiện qua độ nghiêng của dao, cách lựa chọn độ mịn của hòn đá mài, lực ấn của tay xuống dao. Khi độ sắc của dao càng cao thì hòn đá mài được lựa chọn càng mịn. Suốt quá trình mài và thay đá, rửa đá, người thợ thường xuyên phải thử độ sắc của dao bằng cách lấy ngón tay cái chạm khẽ vào lưỡi dao. Ngón tay cái của ông chằng chịt những vết xước ngang - dấu vết để lại của những con dao sắc lẻm.
Vừa làm ông vừa tự hào giới thiệu với mọi người về những hòn đá mài đặc biệt của mình. Chỉ vào 2 hòn đá mài nửa đỏ, nửa trắng, ông nói: “Mỗi viên này trị giá 500 ngàn đấy, chúng là đá mài Nhật Bản được tôi đặt mua từ trên mạng. Nhật Bản có cả những viên đá mài trị giá nhiều triệu đồng. Ngoài chợ cũng có nhiều loại đá mài, đá bùn lắm nhưng đa phần là loại thường, độ bền không cao, phục vụ gia đình thì được, làm nghề thì không”.
Cái tâm người mài dao
Trung bình mỗi con dao ông mất khoảng hơn 5 phút để mài. Với những “ca” khó thì thời gian sẽ lâu hơn. 14 năm trong nghề đủ khiến đôi tay đầy sẹo của ông trở nên chuyên nghiệp với công việc mài dũa, đôi mắt ông trở thành chuyên gia trong lựa chọn dao, kéo chất lượng và ông không ngại chia sẻ những gì mình biết cho mọi người. Ông hướng dẫn mọi người cách phân loại, nhận biết dao xịn, bày cho các bà nội trợ cách hỏi mua một con dao tốt, thẳng thắn khuyên khách không nên mài những con dao kém chất lượng. “Tôi có thể mài sắc tất cả nhưng luôn khuyên khách không nên mài những chiếc dao, kéo hàng nhái, hàng dởm, chất lượng kém. Bởi chất liệu của chúng rất mỏng, dễ hoen gỉ, sứt mẻ và tuổi thọ không cao, tốt nhất nên bỏ đi thay vì mài sắc” – ông giải thích.
Nhiều đồ nghề nhưng được sắp xếp khoa học nên thao tác mài rất thuận tiện. Ảnh: Diệp Thanh |
Công đoạn kiểm định chất lượng sản phẩm sau khi mài của “ông mài dao” là dùng dao, kéo cắt một tấm ni lông mỏng. “Cắt giấy không khó bằng cắt ni lông đâu” – ông cười, gương mặt mãn nguyện nhìn đường cắt sắc lẹm của cây kéo trên tấm ni lông sau rất nhiều lần thử đi, thử lại. Ông nói thêm: “Tôi hoàn toàn có thể kết thúc công việc của mình chóng vánh hơn nhưng đồng nghĩa với việc sẽ mất uy tín. Khách hàng đã tin tưởng tìm đến mình thì mình phải toàn tâm với công việc, nhất định không để người ta cảm thấy giá trị đồng tiền bỏ ra không xứng đáng”.
“Giá trị đồng tiền” mà ông nói ở đây là 5-15 nghìn để mài một chiếc dao hoặc kéo. Câu nói của ông khiến nhiều người chạnh lòng và cái tâm trong nghề của ông khiến nhiều người cảm mến. Ở cái thời hoàng kim của công nghiệp sản xuất, khi người ta chuộng mua mới thay vì sửa cũ, mong sao “ông mài dao” vẫn có thật nhiều khách hàng mỗi ngày.
Chiếc ghế ghi lại lịch hẹn mài dao và số điện thoại khách đặt. Ảnh: Diệp Thanh |