Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lựa chiều trong giám sát, phản biện

Mai Hoa 05/06/2023 12:47

(Baonghean.vn) - Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 quy định các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, một trong những hạn chế được chỉ ra là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lựa chiều trong giám sát, phản biện.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MH

Sáng 5/6, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLTUBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Nhiều đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 27/9/2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác theo từng nhiệm kỳ; gắn tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 525 đến với các cấp, các ngành liên quan.

Theo đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung. Ngoài tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử, hai bên đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú của đại biểu Quốc hội với 106 cuộc; tiếp xúc cử tri chuyên đề về y tế, về công tác quy hoạch, tiếp xúc với công nhân lao động…

Đồng chí Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh điều hành thảo luận tại hội nghị. Ảnh: MH

Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, ngoài việc dựa vào nguồn ý kiến cử tri phát biểu trực tiếp tại các buổi tiếp xúc, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh còn thu thập ý kiến của cử tri dưới nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc các nguồn thông tin phản ánh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua trao đổi của các sở, ngành tại các cuộc làm việc, giám sát của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

Hai bên cũng đã quan tâm phối hợp theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; đặc biệt đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần tiếp tục được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát phát hiện khó khăn, vướng mắc từ đó để kiến nghị cấp có thẩm quyền và đôn đốc UBND tỉnh có các phương án giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng ban Dân vận Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố Vinh đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri. Ảnh: MH

Tính từ ngày 01/01/2013 đến 31/12/2022, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các địa phương đã tổ chức 984 cuộc tiếp xúc cử tri; tổng hợp hơn 9.500 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tại hội nghị, thông qua các tham luận, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nêu lên một số hạn chế: hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri đang chủ yếu là cán bộ xóm, khối, bản, đoàn thể, chưa có nhiều cử tri là người dân lao động trực tiếp.

Các ý kiến kiến nghị đang thiên về quyền lợi trực tiếp của người dân, chưa có nhiều ý kiến mang tính “hiến kế”, đóng góp vào chủ trương, chính sách, chiến lược mang tầm quốc gia. Hạn chế trong việc tổ chức để các vị đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri trong thời gian một năm.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 21 đơn vị cấp huyện và kết nối đến cấp xã trong tỉnh. Ảnh: MH

Sự phối hợp giữa hai cơ quan trong theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của địa phương có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả.

Một số cơ quan, đơn vị ở địa phương chưa quan tâm giải quyết triệt để, giải trình thấu đáo ý kiến, kiến nghị cử tri. Đó là những vấn đề cần tiếp tục trăn trở để việc phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời gian tới hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Hồ Nam - Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Nghi Lộc nêu các giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ. Ảnh: MH

Cần đầy đủ 4 hình thức giám sát và 3 hình thức phản biện xã hội

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLTUBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, sau 5 năm, hoạt động giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn.

Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 26.067 cuộc giám sát (cấp tỉnh 62 cuộc, cấp huyện 1.641 cuộc và cấp xã 24.364 cuộc); phản biện 5.941 dự thảo văn bản (cấp tỉnh 28, cấp huyện 623 và cấp xã 5.290 văn bản).

Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được nhân dân quan tâm, như: xử lý ô nhiễm môi trường; thực hiện chính sách đối với giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác tiếp dân và quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; thực hiện cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư để thực hiện Dự án thủy điện Hủa Na; công tác cán bộ, đảng viên…

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh kết luận hội nghị, nhấn mạnh một số nội dung, yêu cầu, giải pháp cần quan tâm nhằm nâng cao công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ các cấp. Ảnh: MH

Qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với các lĩnh vực được giám sát; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa có sự đồng đều giữa các cấp, địa phương; còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, lựa chiều trong hoạt động giám sát, phản biện; chưa phát huy đầy đủ 4 hình thức giám sát và 3 hình thức phản biện xã hội một cách phù hợp với nội dung, điều kiện thực tế của từng địa phương; nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ảnh: MH

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLTUBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Ảnh: MH

Dịp này, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; 33 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLTUBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lựa chiều trong giám sát, phản biện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO