Khắc sâu tình yêu nguồn cội
(Baonghean) Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi giữa 22 CLB đến từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ 2012 đã gặt hái được những thành công nhất định.
Tại sân khấu này, người ta đã thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca cổ xứ Nghệ trong trái tim nhân dân và trong sinh hoạt thường nhật. Không chỉ có thế, Liên hoan còn tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, dặm vùng quê này...
Được bắt đầu bằng đêm khai mạc khá lộng lẫy, nhưng các chương trình nằm trong khuôn khổ Liên hoan đã khiến dân ca ví, dặm dần dần tự trút bỏđược tấm áo lụa làmà bộc lộ chất mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần duyên dáng, ý nhị của mình.
Với thể lệ phù hợp, cuộc thi đã mang đến cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc vừa đậm chất truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại. Theo tỷ lệ quy định, 70% là các làn điệu dân ca ví, dặm gốc và 30% các làn điệu cải biên nhằm tái tạo các trò diễn xướng dân gian, Liên hoan không chỉ dựng lại không gian diễn xướng, tập quán lao động, sản xuất và khắc họa tâm hồn người dân thông qua các làn điệu ngợi ca tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước mà còn đan cài những tình cảm thời đại với những khúc hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì tùy theo đặc điểm thiên nhiên, tập quán sản xuất, sinh hoạt mà ở nhiều vùng trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có những điệu hát ví khác nhau, còn dặm thì chủ yếu phát triển ở phía Nam Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân xứ Nghệ từ xưa đã sáng tạo và lưu truyền những câu hát ấy một cách rộng rãi, xem như một thứ tài sản chung.
Chính vì thế, tại Liên hoan lần này có sự trùng lặp tiết mục trong chương trình dự thi của các CLB, trong đó nhiều nhất là điệu hát ví đối đáp giao duyên, ví phường cấy, hát dặm "Phụ tử tình thâm", "Thập ân phụ mẫu"... Ban tổ chức cho rằng, đó là phần hạn chế, nhưng với cảm nhận riêng, tôi cho đó là cái được ở phương diện mức độ phổ biến và lưu truyền của các làn điệu trong cuộc sống hiện đại. Điều đó cũng thể hiện mối liên hệ mật thiết, gần gũi trong tâm hồn của cư dân 2 tỉnh.
Ân tình ấy còn bộc lộ mạnh mẽ qua những đêm giao lưu giữa các CLB tại Nam Đàn, Nghi Xuân, Cửa Lò, TP.Vinh... trong hoạt động bên lề Liên hoan. Khi những người dân vùng miền núi Nghệ An hay vùng sông nước Hà Tĩnh hát rất hay nhiều làn điệu mang tính đặc trưng của địa phương bạn, khi đó người dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã hòa làm một trong mối ân tình chung.
Tuy là lần đầu, Liên hoan Dân ca ví, dặm xứ Nghệ với sự tham gia của 22 CLB và 700 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công qua 72 tiết mục được đầu tư dàn dựng, tập luyện công phu đã chứng tỏ một tình yêu cháy bỏng với văn hóa nguồn cội. Tình yêu với ví, dặm được thể hiện rất phong phú và đa dạng trong từng buổi biểu diễn.
Từ những tiết mục được sưu tầm, biên soạn lại lời cổđến một số lượng khá lớn những tiết mục tự biên đã chứng tỏ thái độ nghiêm túc của các CLB. Có thể thấy rõ điều đó qua tiết mục mang đậm sắc thái tình cảm, phương ngữ, tập quán sinh hoạt: "Kháp mặt hẹn dạ nên duyên" (Thạch Châu - Lộc Hà), sự hòa quyện cuộc sống hiện đại và văn hóa truyền thống trong những tiết mục tự biên của CLB Diễn Thái (Diễn Châu - Nghệ An). Sự tham gia của những nghệ nhân cao tuổi như Trần Khánh Cẩm (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) và nhiều diễn viên nhí như Thu Hà (10 tuổi ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Hiền (14 tuổi ở Nghĩa Đàn - Nghệ An)... cũng cho thấy sự tiếp nối giữa các thế hệ trong việc lưu truyền vốn văn hóa phi vật thể quý giá của xứ Nghệđược các CLB thực hiện tốt.
Trên sân khấu, khán giả có thể cảm nhận rất rõ tính nghiệp dư trong từng ánh mắt ngại ngùng, trong từng động tác còn có phần vụng về của nhiều diễn viên, nhưng đồng thời điều đó cũng nói lên một tình yêu dân ca cháy bỏng trong trái tim những người nông dân chân lấm tay bùn. Liên hoan diễn ra đúng vụ mùa nhưng họ sΩn sàng xa ruộng, xa đồng, sẵn sàng khoác phục trang để lên sân khấu. Và với họ, giải thưởng không mấy quan trọng, cái chính là họđã truyền được ngọn lửa yêu mến những khúc hát dân ca sang trái tim khán giả, góp phần khơi dậy phong trào yêu và hát dân ca trong đông đảo nhân dân. Thông qua nhiều tiết mục đặc sắc như: "Hát đối đáp giao duyên", hát dặm "Thập ân phụ mẫu", "Phụ tử tình thâm"... của nhiều CLB, khán giảđã tìm thấy sự quyến rũ bởi nét nhân văn, triết lý trong những câu hát ân tình mộc mạc, dung dị, góp phần khơi dậy tấm lòng nhân ái, đoàn kết trong cộng đồng, khơi dậy những tình cảm gia đình truyền thống.
Liên hoan khép lại bằng việc mở ra trong lòng đông đảo công chúng một tình yêu tha thiết với khúc hát dân ca và khắc đậm hơn mối tình gắn bó của người dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh trong dòng chảy đời sống hiện đại.
Anh Hoài