Khát vọng lan tỏa dân ca ví, giặm
(Baonghean.vn) - Nằm trong số những nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh được Nhà nước vinh danh, Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân và Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Cẩm Vân luôn đau đáu, trăn trở với việc gìn giữ, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Cống hiến tâm sức để dân ca trường tồn
Với những người yêu dân ca ví, giặm ở “xứ nhút” Thanh Chương, không ai là không biết đến Câu lạc bộ Dân ca xã Ngọc Sơn - CLB Dân ca ví, giặm cơ sở ra đời sớm nhất và hoạt động sôi nổi nhất không những của huyện Thanh Chương mà còn của cả tỉnh Nghệ An. Người chèo lái câu lạc bộ trong hơn 14 năm thành lập đến nay là chị Võ Thị Hồng Vân - nghệ nhân duy nhất trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Nghệ An được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Sinh năm 1965 trong một gia đình thuần nông ở xã Ngọc Sơn, ngay từ khi còn là cô bé học trường làng, Võ Thị Hồng Vân đã là cây văn nghệ có tiếng của địa phương. Năm 1985, Võ Thị Hồng Vân được Trung tâm Văn hóa huyện Thanh Chương tuyển chọn vào đội văn nghệ quần chúng của huyện. Năm 1987, chị được Nhà hát Dân ca Nghệ Tĩnh tuyển chọn. Nhưng trong năm đó, bố chị mất do tai nạn, là chị cả trong một gia đình đông con (sau chị Vân còn có 6 người em) nên chị Vân đành phải gác lại ước mơ, trở về quê làm ruộng và nuôi dưỡng niềm đam mê dân ca bằng các hoạt động văn nghệ phong trào ở địa phương.
Đầu năm 2009, chị Võ Thị Hồng Vân đề xuất với Trung tâm Văn hóa – Thông tin (nay là Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông) huyện Thanh Chương và Đảng ủy, UBND xã Ngọc Sơn cho phép thành lập CLB Dân ca xã Ngọc Sơn.
Tháng 7/2009, CLB ra mắt với 24 thành viên. Ngoài cùng nhau ca hát để thỏa mãn niềm đam mê dân ca ví, giặm, CLB còn giúp xã, huyện và các cơ quan, đơn vị, trường học viết kịch bản, dàn dựng các chương trình sân khấu tuyên truyền về các ngày lễ lớn, an toàn giao thông, dân số, phòng chống ma túy… để có thêm kinh phí hoạt động. Không những vậy, CLB còn tích cực tham gia liên hoan, các hội thi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở huyện, tỉnh và thường giành được giải cao.
Ngoài duy trì các hoạt động của CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, chị Vân còn thường xuyên mở những lớp dạy hát dân ca miễn phí tại nhà. Mỗi dịp hè, lớp học của chị có khoảng từ 20 - 30 em. Gần đây, chị Vân còn rất tích cực tham gia các hoạt động quảng bá di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năm 2022, chị cùng đại diện các câu lạc bộ dân ca trong tỉnh ra tỉnh Bắc Ninh để gặp gỡ, giao lưu giữa các liền anh, liền chị quan họ làng Diềm (xã Hòa Phong, huyện Yên Phong), làng Hoài Thị (xã Liên Bảo, huyện Tiên Du) nhằm tăng cường hợp tác, kết nghĩa giữa hai miền di sản. Ngoài ra, chị còn đưa các thành viên CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn đi giao lưu ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang…
Một trong những hoạt động mà chị Vân tâm đắc nhất là vận động thành lập CLB Dân ca ví, giặm Sông Lam Thanh Chương để có sân chơi quy mô hơn cho những người yêu dân ca ví, giặm trên địa bàn huyện; tạo chỗ dựa cho các CLB dân ca ở cơ sở.
Năm 2015, chị Võ Thị Hồng Vân là 1 trong 12 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Tháng 9/2022, chị là 1 trong 64 Nghệ nhân Ưu tú trong cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nhiều năm qua, nghệ nhân ấy vẫn sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ cách ngã ba Cầu Rộ tầm 2 km, phía trước là một quán ăn nhỏ. Đây cũng là nơi sinh hoạt của CLB Dân ca xã Ngọc Sơn 14 năm nay và cũng là nơi chị Vân tổ chức các lớp dạy học dân ca miễn phí.
“Tôi chỉ mong rằng dân ca ví, giặm - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại luôn trường tồn trong lòng các thế hệ. Vì vậy, tôi luôn muốn đem hết sức lực, tâm huyết của mình để tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa sâu rộng hơn những làn điệu dân ca, ví, giặm”, Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân tâm sự.
Trăn trở giữ “lửa” đam mê
Tới dự một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm phường Vinh Tân mới thấy hết niềm tự hào của các thành viên khi tham gia câu lạc bộ này. Dù thành viên của câu lạc bộ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, từ cán bộ, giáo viên hay những người buôn bán, lao động tự do... và cả các em học sinh, nhưng tất cả đều có niềm đam mê với dân ca ví, giặm và đều mong muốn góp sức đưa phong trào ngày càng phát triển. Người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ngọn lửa đam mê đó là Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Cẩm Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Sinh năm 1957 tại thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, chị Hoàng Thị Cẩm Vân bén duyên với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh từ phong trào văn nghệ trong quân đội. Năm 1995, sau 20 năm trong quân ngũ với vai trò y sĩ, chị Vân xuất ngũ, theo chồng về sống tại xã Vinh Tân (nay là phường Vinh Tân, thành phố Vinh).
Nhờ sự nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào của địa phương, chị được bà con khối phố tin yêu, tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Phúc Tân (nay là khối Phúc Lộc, phường Vinh Tân). Có năng khiếu về ca hát cùng với sự nhiệt tình của các hội viên phụ nữ, chị Vân đã đứng ra thành lập đội văn nghệ của xóm, tích cực phục vụ bà con nhân dân khối phố và tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương.
Năm 2011, theo chủ trương của thành phố, CLB Dân ca phường Vinh Tân được thành lập với nòng cốt là đội văn nghệ xóm Phúc Tân với 43 thành viên. Đây cũng là câu lạc bộ dân ca ví, giặm đầu tiên được thành lập ở thành phố Vinh. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB, nghệ nhân Hoàng Thị Cẩm Vân đã tự mày mò sưu tầm các làn điệu gốc, dàn dựng chương trình, nghiên cứu các đạo cụ, dàn dựng cảnh cho các tiết mục biểu diễn, tập hát cho các thành viên…
Ngoài ra, để thu hút thêm những nhân tố trẻ vào câu lạc bộ, chị Vân còn đến các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phường, phối hợp với các giáo viên âm nhạc tìm kiếm những giọng ca nhí tiềm năng, rồi đến tận gia đình các cháu để thuyết phục bố mẹ cho các cháu tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.
Dưới sự dẫn dắt của chị Hoàng Thị Cẩm Vân, câu lạc bộ thường xuyên tham gia nhiều chương trình văn nghệ, hội thi ở thành phố và tỉnh, mang về nhiều giải thưởng. Đặc biệt, qua 4 kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào các năm 2011, 2014, 2016 và 2018, câu lạc bộ đều giành được giải cao. Ngoài ra, câu lạc bộ thường xuyên được mời tham gia biểu diễn tại các hoạt động văn hóa của thành phố như phố đêm, phố đi bộ; các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa thành phố Vinh với các huyện, thị trong tỉnh và với các địa phương kết nghĩa trong và ngoài nước.
Năm 2013, Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm phường Vinh Tân được công nhận là mô hình cấp tỉnh. Năm 2015, nghệ nhân Hoàng Thị Cẩm Vân được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Trong câu chuyện, chị Vân bày tỏ nỗi niềm đau đáu về sự duy trì, phát triển Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm phường Vinh Tân nói riêng và sự bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm nói chung: “So với hơn 40 thành viên ban đầu, số thành viên của câu lạc bộ dần ít đi, chỉ còn hơn 30 thành viên. Nguyên nhân là nhiều người dù vẫn còn đam mê, tâm huyết với dân ca nhưng tuổi cao, sức yếu nên không thể tiếp tục sinh hoạt, trong khi việc thu hút những nhân tố mới ngày càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, dù HĐND tỉnh đã có nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, được thực hiện từ ngày 01/01/2022, nhưng đến nay các câu lạc bộ dân ca, ví giặm vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, kinh phí của câu lạc bộ chủ yếu dựa vào sự tự nguyện đóng góp của các thành viên...".
"Tôi luôn trăn trở làm thế nào để huy động kinh phí cho câu lạc có thể sinh hoạt định kỳ đều đặn, và liệu lớp trẻ có còn giữ niềm đam mê không khi còn phải lo cho cuộc sống thường ngày…”, chị Hoàng Thị Cẩm Vân tâm sự.