Khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính

KL 15/02/2022 10:34

(Baonghean.vn) - Trong năm 2021, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủ tục, hình thức, trình tự áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm chính xác, khách quan. Tuy nhiên công tác này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng

Theo thống kê, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 tổng số vụ vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện là 16.639 vụ, số đối tượng bị xử phạt 17.652 đối tượng.

Công an huyện Nghĩa Đàn lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với lái xe không chấp hành dừng xe khai báo y tế, cố ý vuot chốt phòng chống dịch COvid-19. Ảnh tư liệu CANĐ
Công an huyện Nghĩa Đàn lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với lái xe không chấp hành dừng xe khai báo y tế, cố ý vượt chốt phòng chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu: CANĐ

Vi phạm hành chính diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đối với lĩnh vực y tế tập trung ở các hành vi đưa tin sai sự thật tình hình dịch Covid-19, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch Covid-19; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch Covid-19; vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc dịch Covid-19; không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19…

Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm trong phòng chống dịch tại khu vực hồ điều hòa, TP Vinh. Ảnh tư liệu Quang An
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm trong phòng chống dịch tại khu vực hồ điều hòa, TP Vinh. Ảnh tư liệu: Quang An

Lĩnh vực an toàn giao thông tập trung ở các hành vi điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dừng, đỗ sai quy định, điều khiển xe không có giấy phép lái xe, xe tải chở hàng quá tải trọng quy định, làm rơi vãi vật liệu, phế liệu gây ô nhiễm môi trường.

Lĩnh vực an ninh, trật tự và tệ nạn xã hội rơi vào các hành vi sửa chữa, tẩy xóa hộ khẩu, chứng minh nhân dân, không khai báo tạm trú, tạm vắng, gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích, trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ, đánh bạc chưa đến mức truy tố...

Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh). Ảnh tư liêụĐặng Cường.
Người vi phạm làm thủ tục nộp phạt tại phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh). Ảnh tư liệu: Đặng Cường

Nhìn chung các vụ việc vi phạm xảy ra được phát hiện và xử lý kịp thời; trình tự, thủ tục xử phạt đảm bảo đúng quy định của pháp luật, xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Trong năm 2021, tổng số vụ vi phạm 16.639 vụ (tăng 45,5% so với năm 2020). Tổng số đối tượng bị xử phạt: 17.652 đối tượng (tăng 44,9%). Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính: 16.124 (tăng 38,5%). Số quyết định đã thi hành: 15.711 (tăng 44,9%). Số quyết định bị cưỡng chế thi hành: 22 (68,18%). Tổng số tiền phạt thu được: 45.871.968.832 đồng (tăng 20.929.259.048 đồng so với năm 2020). Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: 2.161 (giảm 4,86%). Số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính: 1.841 (giảm 2,66%).

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho thấy còn không ít khó khăn, bất cập. Chẳng hạn tại Điều 26, Luật Xử lý VPHC quy định: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Theo đó, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn trong các lĩnh vực thương mại, an ninh, trật tự... rất nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức vận chuyển hàng hóa nhưng không được biết là vận chuyển mặt hàng gì nên rất khó để chứng minh hành vi đó là do lỗi cố ý, mặc dù mức độ vi phạm là nghiêm trọng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh tư liệu: Thanh Lê
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Bên cạnh đó, theo quy định Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có quy định biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”, thẩm quyền áp dụng là của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Căn cứ vào cách xác định số lợi bất hợp pháp được quy định tại Điều 7 của Nghị định này thì đối với các trường hợp có hành vi vi phạm được quy định từ Điều 9 đến Điều 14 của Nghị định này đều bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính”, việc này đẩy thẩm quyền lên cho cấp huyện nhiều. Mặt khác, cách xác định giá trị số lợi bất hợp pháp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Điểm e, Khoản 1, Điều 82, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan Nhà nước hữu quan... Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước”. Tuy nhiên, Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính” chỉ quy định việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng mà không quy định cụ thể việc xử lý tang vật vi phạm hành chính đối với hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại...

Lực lượng chức năng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Ảnh tư liệu: Đ.C
Lực lượng chức năng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu. Ảnh tư liệu: Đ.C
Việc quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ trong trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm được quy định tại Khoản 4, Điều 4, Thông tư số 03 ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều đơn vị đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm khi các chủ đầu tư không tự giác chấp hành, nhưng các tổ chức tư vấn không chấp thuận nên các đơn vị không thể tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng  huyện Yên Thành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Cơ quan chức năng huyện Yên Thành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Bên cạnh đó là những hạn chế do trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như giám định, kiểm định, phân tích còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác, nhanh chóng dẫn đến khó khăn trong việc giám định, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính. Việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2016/NĐ-CP của Chính phủ còn quá chậm, gây khó khăn cho các đơn vị, địa phương trong việc quản lý, thống kê xử lý vi phạm hành chính.

Cần giải pháp đồng bộ

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính, ngày 26/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59 về công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ký. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng đánh giá thực trạng thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) tại các địa phương, kịp thời phát hiện những hạn chế, sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật về xử lý VPHC để đôn đốc, chấn chỉnh, khắc phục.

Đồng thời, phát hiện những bất cập để kiến nghị thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả. UBND tỉnh cũng giao các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với nội dung, hình thức đa dạng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm hành chính.

Lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với chủ quán karaoke không chấp hành quy định phòng chống dịch1. Ảnh tư liêụThanh Toàn
Lực lượng chức năng huyện Quỳnh Lưu lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với chủ quán karaoke không chấp hành quy định phòng chống dịch. Ảnh tư liệu: Thanh Toàn

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và người có thẩm quyền để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực quản lý. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương quan tâm củng cố, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

Mới nhất
x
Khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO