Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không được đặt ra bất cứ rào cản nào với học sinh chuyển trường, chuyển vùng
(Baonghean.vn) - Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị toàn ngành cần phải nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế và tiếp tục tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ của năm học 2023 - 2024.
Sáng 21/7, tại thị xã Cửa Lò, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 đối với giáo dục Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên.
Chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh và đại diện lãnh đạo các vụ, phòng thuộc và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các trường đại học; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo, chuyên viên các phòng thuộc Sở tại 63 tỉnh, thành trong toàn quốc.
Năm học 2022 – 2023, bậc giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên đã đưa ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới giáo dục. Qua đánh giá, các địa phương đã chuẩn bị chu đáo cho việc triển khai thực hiện, như tổ chức việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà; bồi dưỡng tập huấn sách giáo khoa; tổ chức sinh hoạt chuyên môn...
Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án 522 và thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018, như việc tư vấn học sinh trong lựa chọn các tổ hợp môn học ở cấp THPT…
Ngoài ra, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tổ chức nhiều hình thức nhằm khuyến khích giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học như cuộc thi thiết kế thiết bị dạy học số, tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tập huấn cán bộ quản lý giáo viên về hoạt động giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, triển khai các tiết dạy sáng tạo, sinh hoạt chuyên môn liên trường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học, vẫn còn những tồn tại, bất cập như: Đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu nhất là đối với giáo viên dạy các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 như môn Khoa học Tự nhiên, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… Cấp THPT có ít giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật; tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đủ theo quy định. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường khó khăn hơn so với học sinh học theo Chương trình GDPT 2006. Công tác hướng nghiệp, phân luồng lại chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tại hội nghị, đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều phát biểu về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, tập trung vào phân tích những bất cập ở cơ sở như: Cần linh hoạt trong việc bố trí sĩ số lớp đối với việc triển khai các môn tự chọn ở bậc THPT, cần quan tâm và có chính sách khích lệ đối với giáo dục thường xuyên, những khó khăn trong việc tính tiết cho giáo viên ở các tiết học trải nghiệm, dạy và học môn Tiếng Anh ở các nhà trường, chương trình giáo dục địa phương khó triển khai đúng tiến độ...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn một lần nữa nhắc lại chủ đề của năm học 2023 – 2024. Đồng thời khẳng định, trong quá trình đổi mới phổ thông thì năm học tới là năm học có ý nghĩa đặc biệt, năm học tăng tốc.
Kết quả của năm học tới cũng sẽ tác động đến kết quả của việc thực hiện triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo kế hoạch, năm học này, toàn ngành sẽ triển khai chương trình mới cho 9 lớp (gồm lớp 1, 2, 3, 4, 6,7,8, 10, 11) và chuẩn bị cho 3 lớp còn lại (lớp 5, lớp 9, lớp 12).
Với nhiều nhiệm vụ quan trọng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị toàn ngành cần nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại, khó khăn và đề ra giải pháp trong thời gian tới. Đó là cần phải tăng cường tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ giải đáp những vướng mắc của giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học, không phó thác cho các huyện, các quận.
Nói về một số vướng mắc mà các địa phương đang kiến nghị như lúng túng cho việc học sinh chuyển trường, chuyển vùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, theo nguyên tắc không được đặt ra bất cứ rào cản nào cho học sinh chuyển trường, chuyển vùng, kể cả khi khác biệt một vài môn tổ hợp. Trách nhiệm của các nhà trường khi nhận học sinh phải giúp học sinh trong việc bổ sung các kiến thức đang thiếu hụt.
Một số tỉnh, thành phố băn khoăn về tiêu chí 45 học sinh/bậc trung học và 35 học sinh/bậc tiểu học, Bộ trưởng lý giải đây là tiêu chí về chuẩn chất lượng và phải thực hiện theo đúng như các văn bản đã quy định.
Về bậc giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các ban, ngành không được xem đây là giáo dục loại 2 mà cần phải thực hiện đổi mới một cách đồng bộ. Theo đó, cần quan tâm đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học. Các địa phương cũng cần đánh giá lại mô hình hoạt động giáo dục thường xuyên, nhất là cách vận hành, đầu tư.
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Nghệ An đã tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách, tăng cường các điều kiện để triển khai chương trình các cấp học và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Đó là đã triển khai các mô hình giáo dục và bước đầu đã đạt được kết quả như mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông nhằm giúp các cơ sở giáo dục quản trị đầu vào, đầu ra, quản trị hoạt động dạy học; mô hình trường thí điểm, mô hình trường trọng điểm phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong đi đầu trong đổi mới; thí điểm mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục tiệm cận với các chương trình tiên tiến phát triển kỹ năng toàn cầu cho học sinh gắn với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thí điểm mô hình trường PT DTBT kiểu mới với 18 tiêu chí để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đặc thù nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 gắn với nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi và dân tộc. Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được nâng lên (tỷ lệ xã, huyện đạt mức độ 3 tăng). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu của năm học và gần đạt tỷ lệ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với tỷ lệ 75,66%.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục tiếp tục duy trì và phát triển. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục nằm trong tốp đầu của cả nước.