Khu kinh tế Đông Nam: Mới chỉ 25% doanh nghiệp có tổ chức Đảng
(Baonghean.vn) - Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cho biết việc thành lập các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có nhiều khó khăn, mới chỉ khoảng 1/4 số doanh nghiệp tại đây có tổ chức Đảng.
Quang cảnh cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Tỉnh ủy với Ban Quản lý KKT Đông Nam. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Ảnh: Minh Chi |
Thực hiện Quyết định và Kế hoạch kiểm tra của Tỉnh ủy việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy đã trực tiếp kiểm tra tại Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và một số doanh nghiệp trong KKT Đông Nam.
Thông qua kiểm tra cho thấy, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam được thành lập năm 2007. Đến thời điểm này, tổng dự án được thu hút vào KKT là 187 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động; trong đó có 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tổng số 187 dự án được đăng ký đầu tư, đã có 97 dự án đi vào hoạt động và 65 dự án đang triển khai xây dựng; số còn lại chưa triển khai.
Ban quản lý KKT Đông Nam được giao quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển KKT và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. |
Trên cơ sở chức năng của mình, thời gian qua, Ban quản lý KKT Đông Nam đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, quyết định liên quan đến công tác thu hút, ưu đãi đầu tư và quản lý các dự án thu hút đầu tư vào KKT cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Võ Văn Hải - Trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là hạ tầng KKT chưa đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư. Ảnh: Minh Chi |
Hàng năm, Ban quản lý KKT Đông Nam cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư quảng bá thông tin, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh doanh nhân; chăm lo xây dựng mối quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Thu ngân sách từ các dự án trong KKT chiếm 10 - 12% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hải - Trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là hạ tầng KKT chưa đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.
Một số vướng mắc của doanh nghiệp được kiến nghị nhiều lần mà chưa có biện pháp xử lý, nhất là điện phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp chưa ổn định, vẫn có tình trạng mất điện đột xuất, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế do nguồn lực chưa đáp ứng, như chính sách vốn, xây dựng thương hiệu…
Quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Minh Chi |
Cũng theo ông Hải, các doanh nghiệp trong KKT đều là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không có doanh nghiệp nhà nước; việc thành lập các tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp có nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp có tổ chức đảng mới chỉ có 25% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Bên cạnh đó, KKT còn gặp khó khăn trong việc thành lập các tổ chức Công đoàn và tìm nguồn cán bộ Công đoàn trong các doanh nghiệp. Việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động chưa được thực hiện, ảnh hưởng đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như giáo dục pháp luật cho người lao động…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và 2 doanh nghiệp trong KKT Đông Nam, thay mặt đoàn kiểm tra, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn kiểm tra đã ghi nhận nhiều cố gắng của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Ảnh: Minh Chi |
Đồng chí Thái Thanh Quý cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, đồng thời đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc nâng cao vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong KKT, và các KCN; tích cực nắm tình hình các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh và các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị Ban chú trọng tham mưu để có biện pháp phát triển tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân; tuyên truyền, giáo dục cho người lao động cùng với doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hài hòa, đảm bảo lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp.
Minh Chi
TIN LIÊN QUAN