Kĩ thuật trồng chanh tứ mùa ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chanh tứ mùa là giống có khả năng sinh trưởng khoẻ, ra quả ngay trong năm đầu tiên. Chanh tứ mùa quả to, rất sai, và mọng nước, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt vào dịp tết Nguyên Đán. Thời gian cây chanh tứ mùa cho quả năng suất cao từ 15 - 20 năm.
1. Thời vụ trồng:
- Thời vụ trồng tốt nhất là vào mùa mưa để cây phát triển tốt và đỡ công tưới ban đầu
- Miền Bắc trồng vào 2 vụ chính vụ xuân và vụ thu.
- Miền Trung và miền Nam có thể trồng vào mùa xuân, cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
Anh Hồ Xuân Trung ở thôn 10, xã Tường Sơn chăm sóc cây chanh tứ mùa |
2. Loại đất canh tác:
- Chanh có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất là đất thịt tơi xốp và nhiều mùn. Chanh không chịu úng nước và mặn do đó cần đào kênh hoặc lên luống cao để thoát nước.
3. Chuẩn bị đất trồng:
- Hố được đào trước trồng 1-2 tháng. Kích thước hố trồng 0,6 x 0,6 x 0,6m. Bón lót phân chuống vào hố trước: Phân chuồng hoai mục 10-15 kg; phân lân 0,5 kg; kali 0,1 kg; vôi bột 1- 1,5 kg. Trộn đều lượng phân với đất, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng. Tiếp đó bơm nước vào đầy hố, khoảng 10- 15 ngày sau là trồng được.
4. Khoảng cách trồng:
- Tùy độ phì nhiêu của đất và độ chiếu sáng mà bố trí mật độ trồng cây từ 2mx2m đến 4mx4m.
5. Cách trồng:
- Bóp nhẹ vào bầu cho hơi lỏng rồi mới xé toạc ni lông để giữ trọn bộ rễ. Tùy giống chiết hay dâm cành hay ghép. Nhưng sau trồng thân chính phải thẳng đứng.
Người trồng chanh tứ mùa có thể tấp tủ cho cây bằng nilon để giữ ẩm và chống hạn cho cây |
6. Chăm sóc:
- Hạn chế ánh sáng: Trong thời gian đầu ta có thể trồng xen cây họ đậu vào trong vườn để hạn chế giông gió, đổ ngã và che bớt ánh sáng.
- Giữ ẩm: Đậy tủ gốc cho cây vào mùa khô, nhằm hạn chế chi phí tưới nước, trong vườn nên để cỏ cao 20- 40cm để hạn chế nắng nóng vào mùa khô và chống xói mòn hay tăng cường thoát nước trong đất vào mùa mưa.
- Tưới nước: Cung cấp nước cho cây điều độ, muốn cây ra hoa, ngưng tưới cho khô gốc 20-30 ngày, sau đó tưới lại cây sẽ ra hoa.
- Tỉa cành tạo tán: Hạn chế cành vượt, loại bỏ những cành già cỗi sâu bệnh, giúp cây thông thoáng, có dáng đẹp, tăng khả năng quang hợp và cây phát triển cân đối đủ sức mang trái.
7. Qui trình bón phân:
- Bón phân thúc: Thay đổi tùy theo tính chất đất, năng suất
* Bón 20-30 kg phân chuồng + 1- 2 kg tro/hốc/ năm (bón 1-2 lần/năm).
Riêng phân hóa học được sử dụng bình quân như sau (cho mỗi cây):
* Năm thứ nhất: 0,5-1,0kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 0,25-0,5kg) + 0,3-0,5kg NPK
* Năm thứ hai: 1,0-2,0kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 0,5-1,0kg) + 0,3-0,5kg NPK.
* Năm thứ ba trở đi: 2,0-2,4kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 1,0-1,2kg) + 0,5kg NPK + 1 kg vôi. Do thu quả rải rác nên chia phân ra bón từ 4- 5 lần/ năm.
8. Tạo quả trái vụ:
- Có thể cho ra quả trái vụ bằng cách xiết nước. Ngưng tưới nước, tưới phân, hạn chế nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây khoảng 3 - 4 tuần, sau đó bón phân và tưới nước trở lại, cây sẽ cảm ứng và cho hoa quả sớm hơn thường lệ.
9. Phòng trừ sâu, bệnh hại
- Sâu vẽ bùa: Gây hại thường xuyên vào giai đoạn ra lá non, dùng thuốc có tính nội hấp như: Sevin 80WP, Padan 95SP, Cymbush, Lanate .
- Rầy mềm: Chích hút nhựa trên chồi non hay mặt dưới lá non sử dụng thuốc: Basan 50ND, Supracide 40EC, Polytrin 40EC, Trebon 10ND.
- Nhện đỏ: Ấu trùng và thành trùng đều gây hại sử dụng thuốc: Confidor, Kelthane, Danitol.
- Bệnh thối gốc - chảy nhựa: Bệnh gây hại nhiều ở thân rễ, sử dụng thuốc để phòng trị như: Captan 75 BHN, aliet 80 BHN, Coper Zine.
- Bệnh vàng lá gân xanh: Để hạn chế bệnh nên trồng xen ổi với mật độ 2 hàng cam 1 hàng ổi.
Chú ý quét vôi mỗi năm 2 lần để phòng sâu đục thân và phun thuốc sâu ngay sau khi lộc non vừa mới nhú để trừ sâu bùa vẽ.
10. Thu hoạch
Khoảng 4 tháng sau khi hoa nở thì có thể thu hoạch được. Thu khi quả có vỏ căng, bóng. Thu hái nhẹ nhàng, tránh rụng lá gãy cành.
Nên thu hoạch vào lúc trời mát, không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ. Sau khi thu hoạch để chanh ở khu vực thoáng mát, cách mặt sàn 10-15cm.
Huyền Trang – Thái Hiền