Kinh nghiệm lái xe: Có nên phanh khi ôm cua?
Một số người cho rằng không được phanh khi ôm cua. Tôi không tán thành quan điểm này. Nếu đang ôm cua mà gặp sự cố phía trước, tắc đường, lở núi, súc vật thả rông, oto hoặc xe máy ngược chiều lấn đường thì sẽ ra sao nếu không phanh xe?
Nhiều khi không những phải phanh mà còn phải phanh để dừng xe lại ngay tại góc cua. Nếu xe chạy nhanh quá thì tất nhiên là không thể phanh để dừng khẩn cấp – đây là lý do mà tôi khuyên các bạn đi đường miền núi nên cẩn thận, chạy tốc độ vừa phải để vẫn có thể làm chủ được tốc độ và hóa giải được tình huống khẩn cấp. Trước khi vào cua thì người lái đã phải giảm tốc độ, bắt đầu vào cua thì quay volang nhẹ nhàng vừa đủ để chuyển hướng ôm cua.
Theo cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay volang, tránh quay volang quá nhiều làm xe lắc đuôi. Hết cua thì nhẹ nhàng từ từ trả lái, tránh trả lái quá gấp mà làm xe lắc đuôi. Tuyệt đối không được thả để volang tự quay.
Khi vào cua gập tay áo có độ xuống dốc lớn thì: ngoài việc giảm ga trước khi vào cua, chuyển cần số xuống vị trí số thấp để phanh động cơ, thì khi vào cua chân ga cũng nên thả lỏng ( không đạp ga). Vào cua: Quay volang, để xe chạy theo quán tính ( nếu cần có thể đệm phanh nhẹ nhàng để giảm bớt tiếp tốc độ), chuẩn bị hết góc cua thì lại nhẹ nhàng đệm ga, trả lái.
Cách lái xe đảm bảo an toàn khi đi đường đèo dốc là : không nên thay đổi tốc độ đột ngột quá lớn, không nên phanh gấp, nhưng trong trường hợp khẩn cấp vẫn có thể phanh để dừng được xe. Nếu vào cua mà nghe tiếng bánh xe nghiến mặt đường rít lên là bạn đã đi quá tốc độ an toàn. Các bạn nhớ bóp còi cảnh báo trước và trong khi ôm cua nhé nếu như cua làm khuất tầm nhìn.
Trong bất kỳ tình huống nào xảy ra cũng đều cần đến sự bình tĩnh sáng suốt của người lái để nhanh chóng tìm ra lối thoát. Những lúc bị lâm vào tình huống nguy hiểm mới thấy hết được sự quan trọng của kỹ thuật lái xe. Có kỹ thuật cơ bản tốt, nhưng còn phải thể hiện kỹ thuật đó thật nhuần nhuyễn mới được. Nếu chỉ nắm một mớ lý thuyết thì khi gặp nguy sẽ lúng túng chẳng biết xử lý ra sao.
Tại sao lúc rỗi chúng ta không đưa xe ra đường, đặt giả thiết những tình huống có thể xảy ra rồi theo lý thuyết mà luyện tập? Tôi vẫn thấy có khối người lái xe phải nhìn cần số và bảng Taplo khi chuyển cần số đấy. Lái như thế thì làm sao đủ bản lĩnh xử lý tình huống khẩn cấp?
Cũng không ít lái xe chạy đường miền núi mà luôn cắt cua, phanh gấp khi đã tới sát cua. Tiết kiệm được bao nhiêu thời gian khi cắt cua, khi đặt mình vào tình huống nguy hiểm nếu đột nhiên xuất hiện xe ở chiều ngược lại, khuất tầm nhìn? Tại sao không giảm tốc độ từ xa trước khi vào cua để tránh mất lái khi phải phanh gấp ở sát góc cua?
Tại sao không đi trên phần đường của mình theo luật giao thông để giữ an toàn cho chính mình và người khác cùng tham gia giao thông?... Câu hỏi tại sao thì có nhiều, để xử lý chỉ cần người lái có đủ kỹ thuật và ý thức tuân thủ luật giao thông.
Theo Zing.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|