Kỷ luật cán bộ - đau xót nhưng không thể không làm!
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót, nhưng là việc không thể không làm.
Hội nghị Trung ương 5, khóa XII - Hội nghị quan trọng quyết nghị những vấn đề rất quan trọng - đã bế mạc. Ba Nghị quyết mang tính bản lề cho phát triển kinh tế đã được nhất trí cao thông qua. Với tinh thần khách quan, công tâm, nghiêm túc, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cán bộ cấp cao tại Hội nghị này.
Việc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi công tác cán bộ của Đảng phải gắn liền với sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Và cũng bởi, qua sự việc này, Đảng ta có thêm bài học sâu sắc về công tác xây dựng Đảng, về công tác cán bộ - then chốt của mọi then chốt.
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. |
Trước Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, tại Kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật một loạt cán bộ do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng.
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, là điều không khỏi đau xót. Nhưng là việc không thể không làm. Bởi “luật bất vị thân”, mọi đảng viên phải tuân thủ Điều lệ Đảng, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là những cán bộ cấp cao lại càng phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước pháp luật, trước Đảng, trước nhân dân.
Khi từng sai phạm được làm rõ, với mức kỷ luật tương xứng, “thấu lý, đạt tình” nó sẽ khẳng định tính nghiêm minh của luật pháp; sự nghiêm túc, trong sạch của Đảng; nó cho thấy cam kết “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm trong Đảng” đã được thực hiện.
Nó khơi dậy trong nhân dân niềm tin vào Đảng, vào đội ngũ cán bộ đảng viên. Nhưng nó cũng cho thấy công tác cán bộ, quản lý, giám sát cán bộ, xử lý, đánh giá cán bộ còn lỗ hổng, còn nhiều vấn đề nghiêm trọng; nó cho thấy Đảng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận đúng thực tế, để rút ra những bài học sâu sắc, để không còn phải xử lý những sai phạm rất nghiêm trọng đã thuộc về quá khứ.
Bài học ấy là sự dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ. Dù rằng, chúng ta đã có bước tiến thể hiện tính dân chủ ngày càng cao bằng việc công khai các quyết định của Đảng, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhưng nó chưa thật đầy đủ khi nhiều cấp ủy Đảng, người đứng đầu vẫn coi công tác cán bộ chỉ là của cấp ủy. Thậm chí, coi đây là chỗ để ban ơn, hoặc sử dụng quyền lực một cách độc đoán, sắp đặt, bổ nhiệm những cán bộ không xứng đáng, tìm mọi cách đẩy lên cao hơn những cán bộ đã mắc sai phạm.
Khi đã dân chủ, minh bạch tất sẽ không còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; không còn những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ; không còn sự tha hóa về quyền lực, gây bất bình trong dư luận, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Bài học ấy là quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; giám sát quyền lực một cách hiệu quả. Rõ ràng là lâu nay, khâu này quá lơi lỏng, quá yếu, thiếu sự tham gia của người dân, của các tổ chức đoàn thể xã hội, dẫn tới thực trạng hàng chục nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật, dẫn tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “suy thoái”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”; dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng của cả những cán bộ cấp cao như nhận định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua.
Bài học ấy là việc xử lý những sai phạm phải thật nghiêm minh, đúng Điều lệ Đảng và thượng tôn pháp luật. Và nó phải được tiến hành thường xuyên, tăng tính răn đe, giáo dục. Ở đây phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, còn tình trạng nể nang, né tránh; còn sự dễ dãi, xuê xoa; còn những cái “bắt tay" nhau để che giấu, đổi chác. Thế nên mới có chuyện cán bộ sai phạm nối tiếp sai phạm mà không bị xử lý kỷ luật; mới có hiện tượng lộng quyền, lạm quyền; mới có chuyện hao hụt đội ngũ cán bộ, hao hụt cả lòng tin của người dân.
Bài học ấy là thường xuyên chỉnh đốn Đảng, nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình. Phê bình để thấy được khuyết điểm, để sửa chữa, để khắc phục. Nhưng nó thực chất hay chưa, đã đúng với yêu cầu của công tác xây dựng Đảng hay chưa, thì rõ ràng là chưa. Bởi thế, từ sai phạm nhỏ thành sai phạm lớn, sai phạm nghiêm trọng. Bởi thế, một bộ phận cán bộ của Đảng như những người bệnh nhờn thuốc, để lâu ngày càng nguy hại đến sức khỏe, ngày càng lún sâu vào những sai lầm nghiêm trọng. Và việc loại bỏ những cán bộ ấy ra khỏi đội ngũ là một tất yếu.
Những bài học ấy không mới, nhưng không bao giờ là cũ, nó cần thực hành thường xuyên để người đứng đầu Đảng ta không phải “khổ tâm, đau xót phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người”; để Đảng ta thực sự đạo đức, thực sự văn minh, để những cán bộ của Đảng xứng với niềm tin của nhân dân, với trọng trách mà nhân dân giao phó./.
Theo VOV