Kỷ luật ông Lê Thanh Hải: Bài học về công tác cán bộ trước Đại hội XIII

Lại Hoa 22/03/2020 07:32

Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới.

Bộ Chính trị vừa quyết định cách chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do liên quan đến những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Việc Bộ Chính trị kỷ luật cán bộ cao cấp của Đảng khi cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng càng cho thấy công tác cán bộ vô cùng quan trọng trước mỗi kỳ Đại hội. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới.

Ông Lê Thanh Hải. Ảnh: Vnexpress

Việc Bộ Chính trị quyết định cách chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải đã cho thấy một nguyên tắc là phải làm đúng quy chế của cấp ủy các cấp, có sự bàn bạc và quyết định của Thường trực, Thường vụ. Với dự án di dời trên 1.000 dân phải có ý kiến của Thường vụ, Ủy ban nhân dân mới trình lên Hội đồng dân dân để thực hiện.

Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải tuy chậm, nhưng đáp ứng yêu cầu của Nhân dân.

Theo ông, vấn đề Thủ Thiêm ồn ào nhiều năm, đã xử lý nhiều người, còn người quan trọng nhất là ông Lê Thanh Hải bây giờ mới xử lý kỷ luật. Có những vấn đề như thay đổi quy hoạch đối với quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng thành phố lại sửa. Xử lý vấn đề đền bù cho dân không thỏa đáng cho nên người dân phản ứng nhiều lần… Đây là việc làm tuy đã lâu, từ năm 2010 đến 2015, chứng tỏ vụ việc phức tạp phải làm kỹ càng, lâu dài, bây giờ mới kết luận và xử lý.

Thực tiễn cho thấy, tuy chưa hết nhiệm kỳ khóa XII nhưng đã có hơn 90 cán bộ cao cấp của Đảng bị kỷ luật. Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt băn khoăn: "Trước kỳ Đại hội nói đã làm kỹ, làm đúng nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều việc tồn tại. Vẫn không thẳng thắn nêu ra trong nội bộ, không làm rành mạch, kết luận đúng-sai ngay mà để kéo dài đến 1-2 khóa sau mới có kết luận. Kỷ luật cán bộ như vậy cũng tác dụng nhưng sẽ bị hạn chế ở chỗ: Đáng lẽ các đồng chí đó không bị vấp tiếp, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đó là điều suy nghĩ cho công tác tổ chức, lựa chọn cán bộ chủ chốt của Đảng”- ông Phạm Thế Duyệt chia sẻ.

Ông Dương Quang Phái - nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự để Nhân dân lựa chọn. Nếu có đơn tố cáo thì thẩm tra, xác minh, xem tin đó có đúng không, tố cáo đúng không? Chúng ta có bộ máy sàng lọc, cho nên đừng bí mật trong nội bộ của Đảng. Phải có các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia của Nhân dân thì mới hy vọng có bộ máy tốt.

Từ khi chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; tham vọng quyền lực, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút…

Muốn lựa chọn được cán bộ xứng đáng thì trước hết phải coi trọng chất lượng quy hoạch, đề cao tính công khai, minh bạch, công tâm trong đánh giá cán bộ. Phải phân hóa ra từng công đoạn để xác định chế độ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể. Vi phạm được xử lý thật nghiêm minh, làm gương thì mới ngăn chặn được lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, như vậy mới chọn được người xứng đáng vào cấp ủy khóa tới./.

Theo vov.vn
Copy Link
Kỷ luật ông Lê Thanh Hải: Bài học về công tác cán bộ trước Đại hội XIII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO