Kỹ năng bắt lươn bằng trúm độc đáo ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Ở huyện Yên Thành, (Nghệ An) nghề thả trúm bắt lươn đồng của người dân đã thành chuyên nghiệp với những kỹ năng độc đáo, gia truyền.
Nhộn nhịp với công đoạn làm mồi bắt lươn. |
Anh Nguyễn Văn Khai ở xóm Văn Tràng, xã Long Thành tuy mới ngoài 20 tuổi nhưng từ nhỏ đã thạo nghề thả trúm lươn. Theo anh để bắt được lươn đồng không phải là chuyện dễ. Ông cha xưa từng nói: “Cá mắc vì đăng, lươn say vì mồi”, ngoài yếu tố kỹ thuật làm trúm thì khâu làm mồi để dụ lươn vào trúm là yếu tố quan trọng.
Anh Nguyễn Văn Khai ở xóm Văn Tràng xã Long Thành đang cần mẫn tra mồi vào trúm. |
Nắm bắt được đặc tính của lươn thích ăn những loại mồi có mùi tanh, đặc biệt khoái khẩu với loài giun đất. Vì thế người dân đã bắt giun đất bằm nhỏ trộn lẫn với bùn non, tạo nên thứ mùi đặc trưng tanh nồng, loại mồi này chỉ cần phết nhẹ phía đuôi nắp, sau đó đậy vào miệng trúm rồi đem ra thả ngoài đồng, hoặc kênh rạch. Nếu như trước đây làm nghề thả trúm phải mất thời gian đi đào giun đất, thì nay các hộ dân đã biết áp dụng các tiến bộ KHKT để nuôi giun đất ở những mảnh vườn có độ ẩm cao, nhờ đó đã chủ động được mồi bắt lươn và không đào bới làm hư hỏng bờ ruộng.
Anh Nguyễn Cảnh Phúc xóm 7 xã Xuân Thành đang tìm những chân ruộng phù hợp để thả trúm. |
Dừng chân bên thửa ruộng đang trong giai đoạn ôm đòng trổ bông, anh Nguyễn Cảnh Phúc, xóm 7, xã Xuân Thành cho hay: không phải ruộng nào cũng thả được trúm, phải chọn những chân ruộng có bùn sâu sục, mực nước từ 10-15cm, đặc biệt với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chỉ cần nhìn qua mặt ruộng nếu phát hiện có nhiều lỗ thì ở đó chắc chắn sẽ có nhiều lươn.
Khi thả trúm cũng phải có kỹ thuật, trúm được đặt giữa các rãnh lúa, đầu trúm có nắp đậy được thả xuống bùn; đuôi trúm nổi trên mặt nước, nhưng tuyệt đối không được để nước ngập vào rãnh thông hơi, nếu nước tràn vào trúm thì khi lươn vào ăn mồi sẽ bị chết do ngạt.
Trúm được đặt đúng kỹ thuật mới bắt được nhiều lươn đồng. |
Sau một đêm thả trúm, khoảng 5 giờ sáng hôm sau người dân mới ra đồng vớt trúm. Lươn đạt tiêu chuẩn thương phẩm mới đưa về bán, con nhỏ thả lại đồng ruộng để tiếp tục phát triển. Đó cũng là cách để bảo tồn giống lươn đồng, không làm mất hệ sinh thái trên đồng ruộng. Nhà có vài trăm trúm mỗi đêm cũng bắt được từ 2 -3 kg lươn, theo giá thị trường hiện nay lươn có giá 95 ngàn đồng/kg, như vậy mỗi đêm một hộ cũng có một nguồn thu nhập khá so với những nghề nặng nhọc vất vả.
Trúm sau một đêm thả được đưa về nhà để tuyển chọn lươn thương phẩm để nhập bán. |
Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, hạn chế được độc tố tồn dư của các loại thuốc BVTV; bên cạnh đó hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư nâng cấp nên ruộng đồng ở Yên Thành nhiều lươn và phát triển mạnh, nơi nào có đất bùn là nơi đó có lươn sinh sống.
Lươn đồng sau khi chọn lựa sẽ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho nhiều tỉnh, thành trong nước. |
Nếu như trước đây người dân thường đưa lươn ra chợ bán lẻ, thì nay hầu như xã nào cũng có đại lý đứng ra thu mua cho người dân, riêng ở xã Long Thành có tới 5 điểm thu mua lươn đồng. Từ đây lươn đồng sẽ được phân loại chất lượng thương phẩm sau đó đưa ra những thành phố lớn để bán và chế biến thành các món ăn đặc sản.
Thái Dương