Lan toả niềm vui từ Chương trình 'Chia sẻ yêu thương - Cùng em tới trường'
(Baonghean.vn) - Đúng như tên gọi, chương trình do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh tinh thần cho các cháu là con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm học mới 2022-2023.
Phía sau một chương trình
Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn khi lên ý tưởng thực hiện chương trình này, bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói: “Ai cũng biết rằng, đời sống công nhân, lao động còn nhiều vất vả, trong 2 năm dịch vừa qua, những khó khăn đó càng tăng bội phần. Và ai cũng hiểu rằng, với những người công nhân đó, gánh nặng gia đình, nhất là việc chăm lo con cái là điều khiến họ trăn trở, bận lòng nhất. Ngược lại, đối tượng đầu tiên trực tiếp chịu thiệt thòi khi công việc của họ bị ảnh hưởng cũng chính là con cái. Là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, Công đoàn Nghệ An mong muốn có thể cùng đồng hành, động viên, san sẻ với công nhân trên hành trình chăm lo cho thế hệ tương lai. Đó cũng là lý do chương trình này ra đời”.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - ông Kha Văn Tám trao quà cho các cháu con công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh. Ảnh: Diệp Thanh |
Từ ý tưởng trên, nội dung chương trình đã được triển khai xây dựng và phổ biến đến từng cơ sở. Tại 2 chương trình mẫu ở huyện Nghi Lộc và Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam, từ hàng nghìn đoàn viên, danh sách công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn được cán bộ công đoàn chọn lọc với tiêu chí công tâm, điển hình, thực chất nhất. Có gia đình thuộc hộ nghèo, có gia đình đơn thân, có gia đình bố/mẹ mắc bệnh nan y, cũng có gia đình con cái mắc bệnh hiểm nghèo… Một thông tin là một lần trăn trở, mỗi lần gạch tên là một lần cân nhắc. Sau rất nhiều lần thay đổi, 255 cháu với 255 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác nhau được lựa chọn.
Là người trực tiếp triển khai các hạng mục chính của chương trình, chị Lê Phúc Lợi - chuyên viên Ban Tuyên giáo nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Ngay cả việc lựa chọn hình thức trao quà và xây dựng kịch bản cũng khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau cùng, ban tổ chức thống nhất trao quà bằng hiện vật thay vì tiền mặt với mong muốn đây sẽ là những món quà kỷ niệm mang ý nghĩa động viên, có thể đồng hành, hiện diện trong hành trang tới trường của các con bằng cách này hay cách khác. Biết đâu, sự hiện diện đó cũng là một lời nhắc nhở, một lời động viên”.
Chương trình "Chia sẻ yêu thương - Cùng em đến trường" tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: Diệp Thanh |
Chia sẻ thêm về quá trình hoàn thiện kịch bản, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, lần đầu tiên tổ chức một sự kiện dành cho con công nhân, lao động ở nhiều lứa tuổi khác nhau, bản thân những người làm chương trình phải tính toán rất kỹ cho mọi tình huống.
Nhiều hoạt động thú vị, sôi nổi trong Chương trình "Chia sẻ yêu thương - Cùng em đến trường". Ảnh: Diệp Thanh |
“Chương trình phải đủ hấp dẫn, phù hợp với tất cả các lứa tuổi, đảm bảo sự an toàn, trật tự cho trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học, đảm bảo sự nhanh, gọn nhưng vẫn đầy đủ và có điểm nhấn… Để đáp ứng những yêu cầu này, chúng tôi đã phải góp ý, thay đổi kịch bản rất nhiều lần, thêm bớt, bố trí lại các tiết mục văn nghệ, đố vui, múa lân, phá cỗ... Quá trình triển khai thực hiện, ngoài vai trò chủ chốt của những cán bộ công đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh thì cũng cần hỗ trợ của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và sự phối hợp của phụ huynh. Thêm vào đó, chương trình đã kêu gọi được sự chung tay, đồng hành của các nhà tài trợ lớn. Đây cũng là một lý do khiến chương trình có sự lan tỏa, gắn kết ý nghĩa hơn” - chị Thủy cho biết.
Lan tỏa niềm vui
Tối muộn ngày 30/8, khi Chương trình “Chia sẻ yêu thương - Cùng em đến trường” tại huyện Nghi Lộc đã kết thúc, Ban Tổ chức cũng chỉ còn lác đác vài người, thì mẹ con chị Trần Thị Sen - công nhân Công ty TNHH may BLS hớt hải chạy vào. 2 mẹ con chị đến trễ vì cháu đi học về muộn, nhà lại ở tận phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò), cách xa địa điểm tổ chức. Nhìn dáng gầy mỏng manh của 2 mẹ con khuất dần, ai cũng thương. Càng thương hơn khi tra danh sách và biết hoàn cảnh của mẹ con chị. Chồng sức khỏe yếu không thể đi làm, người con thứ 2 mắc bệnh chậm phát triển, đồng lương công nhân của chị Sen vừa để trang trải cuộc sống, vừa để chạy chữa thuốc men… Với chị, một món quà, một lời động viên, dù nhỏ thôi, cũng giá trị vô cùng.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho các cháu con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình. Ảnh: Diệp Thanh |
“Dù không kịp tham dự chương trình, không được xem múa lân, phá cỗ Trung Thu, nhưng cháu vẫn nhận được món quà của Công đoàn tỉnh gửi về cho Công đoàn cơ sở. Bóc quà của con mà cả nhà ai cũng vui, đúng lúc cái cặp sách đã cũ, chiếc đèn bàn chưa kịp mua, thiết thực vô cùng” - chị Sen thổ lộ.
Một trong số 95 cháu con của công nhân tham dự Chương trình “Chia sẻ yêu thương - Cùng em đến trường” tại huyện Nghi Lộc, Nguyễn Thị Hà Anh có lẽ là một trong những cô bé có hoàn cảnh đặc biệt nhất. Cháu vừa mới trải qua một ca phẫu thuật u nang. Bản thân mẹ của Hà Anh để có thể đưa Hà Anh đến tham gia chương trình cũng phải xin phép bác sĩ vì chị đang trong đợt điều trị căn bệnh ung thư vú. Đơn thân nuôi con, cuộc sống của Hà Anh và mẹ chị trông chờ vào đồng lương công nhân còm cõi tại Công ty Bật lửa ga Trung Lai. Chị thổ lộ: “Nhà chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Bản thân tôi đã được nhận rất nhiều sự hỗ trợ, quan tâm từ Công đoàn công ty cả về vật chất lẫn tinh thần. Nay cháu còn nhận được cả sự chăm lo của Công đoàn tỉnh nữa. Mẹ con tôi đã được nhận sự an ủi, động viên rất lớn”.
Niềm vui khi được nhận được món quà thiết thực, ý nghĩa cho năm học mới. Ảnh: Diệp Thanh |
Lặng lẽ chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối Chương trình “Chia sẻ yêu thương - Cùng em đến trường” tổ chức tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh, cậu học sinh Lê Gia Kỳ (lớp 8, Trường THCS Nghi Liên) cho biết, em thật sự rất vui vì đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình dành riêng cho những đứa trẻ con công nhân như mình. Mân mê món quà trong tay, Kỳ rụt rè chia sẻ: “Bố em mất sớm, một mình mẹ là công nhân công ty sản xuất gấu bông chăm sóc bà nội và em. Em đủ lớn để biết mẹ vất vả như thế nào để trang trải cuộc sống, nhất là giai đoạn dịch Covid-19. Đến đây, gặp nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn khó khăn hơn mình, có thành tích học tập mới thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn để mẹ được vui lòng”.
Suy nghĩ của Kỳ cũng là tâm tư của 2 cháu con của chị Nguyễn Thị Vui (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Great Longview). Sau khi chồng mất, chị Vui chuyển sang làm công nhân, một mình gồng gánh nuôi dạy 2 cô con gái nhỏ, khó khăn vất vả trăm bề. Trong sự kiện này, 2 cô con gái của chị, một cháu nhận được quà của Công đoàn tỉnh, một cháu nhận được học bổng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, chị vui lắm.
Chương trình đã kêu gọi được sự chung tay, đồng hành của các đơn vị tài trợ. Ảnh: Diệp Thanh |
Các cháu được nhận quà tại điểm Khu Công nghiệp Bắc Vinh là các cháu con của công nhân, lao động thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam. Chia sẻ về hoàn cảnh của những trường hợp này, bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam nói: “Hầu hết các cháu nhận hỗ trợ tại Khu Công nghiệp Bắc Vinh đều là trẻ mồ côi, cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, khi cả gia đình chỉ có một trụ cột, thu nhập chính nhìn cả vào đồng lương ca kíp của công nhân. Chính vì vậy, sự quan tâm của Liên đoàn Lao động tỉnh vô cùng có ý nghĩa với các cháu và gia đình. Chúng tôi mong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp được nhân rộng, lan tỏa, kêu gọi được nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho các cháu”.
Trong 2 ngày (30, 31/8), Chương trình “Chia sẻ yêu thương - Cùng em tới trường” đã trao tặng 255 suất quà cho con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc Công đoàn huyện Nghi Lộc và Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam. Trong đó, 200 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng từ Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An; 40 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng từ Ngân hàng BIDV Nghệ An; 15 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.