Xã hội

Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Kỹ thuật: Diệp Thanh 27/07/2024 13:11

Xác định chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

cover thắp nến tri ân
cover thắp nến tri ân

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

PV: Những năm qua, việc thực hiện chính sách người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Xin bà cho biết, những hoạt động này được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Bà Hồ Thị Châu Loan: Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng cả nước, Nghệ An đã có hàng vạn người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên khắp các chiến trường. Hơn 45.000 người con Nghệ An đã anh dũng hy sinh; hơn 56.000 thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Dâng hoa trước Tượng đài anh hung liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh
Dâng hoa trước Tượng đài Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh. Ảnh: CSCS

Hiện nay, toàn tỉnh có 65.417 người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó, có 3 cụ lão thành cách mạng, 33 cán bộ tiền khởi nghĩa, 35 mẹ Việt Nam anh hùng, 19 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 29.619 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 9.051 bệnh binh; 13.102 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 6 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.103 người phục vụ người có công; 354 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 12.902 người hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ và các đối tượng hưởng trợ cấp khác.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An luôn quan tâm sâu sắc và thực hiện có hiệu quả công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” nhằm ghi nhớ, tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Đoàn viên thanh niên xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) thăm hỏi mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm
Đoàn viên, thanh niên xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) thăm hỏi mẹ liệt sĩ Trần Thị Sâm. Ảnh: CSCC

Các chế độ, chính sách đối với người có công và gia đình người có công luôn được quan tâm, thực hiện kịp thời. Ngoài thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên và chế độ trợ cấp một lần, từ năm 2022 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã thực hiện chế độ điều dưỡng đối với 51.099 lượt người có công và thân nhân liệt sĩ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 6.080 lượt người; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 3.280 người có công và con của người có công; thực hiện việc mua Bảo hiểm y tế cho trên 154 nghìn người có công và thân nhân người có công đủ điều kiện hưởng chế độ BHYT…

Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đã được chú trọng. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 381 hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc; thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung 84 thông tin bia mộ liệt sĩ đang an táng trên địa bàn; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cho 235 mộ liệt sĩ theo phương pháp thực chứng; thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám định ADN xác định danh tính đối với 110 hài cốt liệt sĩ…

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Văn Lập (SN 1930) ở thôn Bãi Sậy, xã Đỉnh Sơn, bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Khai. Ảnh Minh Quân
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Văn Lập (SN 1930) ở thôn Bãi Sậy, xã Đỉnh Sơn, bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Khai. Ảnh: Minh Quân

Đặc biệt, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng; giúp đỡ, tạo điều kiện người có công và gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Trong hơn 2 năm (2022 - 6/2024), toàn tỉnh đã vận động được trên 41 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 479 gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở, tổng trị giá 20.393 triệu đồng; trao tặng 288 sổ tiết kiệm cho người có công và thân nhân liệt sĩ, số tiền 1.145 triệu đồng...

Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân vào các dịp lễ, tết được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), hơn 2 năm, toàn tỉnh đã có trên 747.370 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước, quà tặng từ ngân sách địa phương, từ nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa và quà từ nguồn xã hội hóa, với tổng kinh phí thực hiện trên 345,3 tỷ đồng.

GIáo viên, học sinhTrường THPT Nguyễn Duy Trinh thăp hương cho các phần mô liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc
GIáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh thắp hương cho các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc. Ảnh: CSCC

PV: Trong quá trình thực hiện chính sách người có công có những khó khăn, vướng mắc nào, thưa bà?

Bà Hồ Thị Châu Loan: Hiện nay, Nghệ An đang quản lý chi trả chế độ cho trên 65.400 người có công với tổng số tiền chi trả mỗi tháng hơn 153 tỷ đồng.

Đây là con số rất lớn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, đã bổ sung nhiều chế độ, chính sách ưu đãi nhằm góp phần ổn định và từng bước cải thiện đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, xứng đáng, đúng đối tượng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, như quy định về hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh thuộc các trường hợp quy định tại Điều 14 Pháp lệnh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 1/1/ 1995 đến ngày 30/9/ 2006; quy định về thời điểm hưởng chế độ Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay các chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…

Các vướng mắc, bất cập đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp.

Ngoài ra, một số đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng nhưng hiện không còn lưu giữ được giấy tờ, căn cứ chứng minh nên cũng khó khăn cho việc xem xét giải quyết chế độ cho nhóm đối tượng này.

Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức tặng quà cho các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An
Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại CHLB Đức tặng quà cho các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

PV: Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, Nghệ An đã có những chính sách đặc thù nào góp phần cải thiện đời sống cho người có công với cách mạng?

Bà Hồ Thị Châu Loan: Những năm gần đây, ngoài các chính sách đối với người có công với cách mạng của Trung ương, Nghệ An đã có những chính sách đặc thù như Nghị quyết số 32/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc gia đình hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thuộc thế hệ thứ 3).

Từ năm 2021-2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đối với 6.693 lượt hộ và 9.368 đối tượng thuộc hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, với tổng số kinh phí gần 58,44 tỷ đồng; hỗ trợ 520 lượt người khuyết tật bẩm sinh có cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã hoặc đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học (thế hệ thứ 3), với tổng kinh phí 1.495 triệu đồng. Nhờ đó, góp phần giảm số hộ người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo từ 2.126 hộ năm 2022 xuống còn 1.435 hộ đầu năm 2024.

Tặng quà cho mẹ liệt sỹ tại huyện Thanh Chương
Tặng quà cho mẹ liệt sĩ tại huyện Thanh Chương. Ảnh: CSCC

PV: Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, trên địa bàn tỉnh có những hoạt động trọng tâm gì, thưa bà?

Bà Hồ Thị Châu Loan: Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2024), để tiếp tục tôn vinh, tri ân và đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, ngày 30/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 405/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa ngày Thương binh - Liệt sĩ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả; tổ chức phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở tất cả các cấp cơ sở.

Đoàn viên thanh niên trồng cây lưu niệm tại nhà ông thương binh Lê Văn Nga
Đoàn viên, thanh niên trồng cây lưu niệm tại nhà thương binh Lê Văn Nga xóm Đồng Hưng, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Ảnh: Minh Thái

Bên cạnh đó, tổ chức đưa đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh tham quan một số địa danh, di tích lịch sử và thăm lại chiến trường xưa ở thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ; tổ chức 5 đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh dâng hoa, dâng hương viếng các nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích, khu tưởng niệm trong và ngoài tỉnh; thăm, tặng quà các đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh, người có công với cách mạng và các gia đình người có công tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, chỉ đạo cấp phát kịp thời quà tặng của Chủ tịch nước cho 79.723 đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí là 24.477.000.000 đồng. Cùng với các hoạt động chính của tỉnh, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ chu đáo, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Tặng quà cho thương bệnh binh tại Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An
Tặng quà cho thương, bệnh binh tại Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

PV: Thời gian tới, công tác đền ơn đáp nghĩa được tiếp tục triển khai như thế nào nhằm góp phần xoa dịu, bù đắp những hy sinh của các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng đã hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc?

Bà Hồ Thị Châu Loan: Để chính sách người có công với cách mạng, đặc biệt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục lan tỏa sâu rộng và trở thành một trách nhiệm trong mỗi người dân, thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, đa dạng, nhất là tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chủ trương của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng.

Cùng với đó, quan tâm đến việc rà soát, khai thác các thông tin, căn cứ có tính pháp lý về người tham gia kháng chiến mà hy sinh, bị thương, bị bệnh trong lúc chiến đấu, phục vụ chiến đấu để thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học,... đảm bảo chặt chẽ với phương châm “thấu tình, đạt lý”.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” để ngày càng tạo ra một nguồn lực lớn hơn, nhiều hơn để có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho người có công có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn. Quan tâm ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm cho con liệt sĩ, thương binh và người có công.

Đồng thời, chú trọng việc động viên phát huy truyền thống gia đình cách mạng của các đối tượng chính sách vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, công tác, ổn định và cải thiện đời sống, tiếp tục cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Mới nhất
x
x
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO