Lao động trái phép xứ người bị chính đồng hương bắt cóc, tống tiền

Tiến Hùng 14/08/2019 10:54

(Baonghean) - Thời gian gần đây, Công an Nghệ An liên tiếp nhận được trình báo về việc lao động bất hợp pháp đang làm việc ở Trung Quốc bị chính người Việt bắt cóc, sau đó gọi điện về cho người thân yêu cầu gửi tiền chuộc. Chỉ trong vòng 3 tháng, có ít nhất 4 trường hợp đến trình báo vụ việc tương tự này.

Gửi tiền vẫn không chịu thả người
Chiều 3/5/2019, trên đường đi làm về, chị Nguyễn Thị Hiền (24 tuổi, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), bị 2 đối tượng người Việt Nam bắt cóc. Chị Hiền cùng chồng là anh Nguyễn Văn Công sang làm thuê tại một xưởng gỗ bên Trung Quốc từ lâu, bằng con đường lao động chui.

Đến nay, đã hơn 3 tháng kể từ khi số tiền 187 triệu đồng được chuyển đủ theo yêu cầu của bọn bắt cóc nhưng chúng vẫn chưa chịu thả người. Theo anh Công, 2 kẻ bắt cóc vợ anh thì có 1 kẻ quê Nghệ An, người còn lại quê Hải Dương... Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ lao động chui làm việc ở Trung Quốc bị bắt cóc, tống tiền.


Thiếu việc làm là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ ở huyện Tương Dương ồ ạt qua Trung Quốc làm việc. Ảnh: Tiến Hùng
Thiếu việc làm là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ ở huyện Tương Dương ồ ạt qua Trung Quốc làm việc. Ảnh: Tiến Hùng

Trung tuần tháng 7/2019, Công an huyện Quỳnh Lưu nhận được trình báo của bà Trần Thị Hương (53 tuổi, xã Quỳnh Thắng), về việc gia đình vừa nhận được cuộc điện thoại lạ đầu số nước ngoài, thông báo về việc con trai của bà là anh Nguyễn Hữu Quân (31 tuổi), bị bắt cóc, yêu cầu gửi tiền chuộc 200 triệu đồng. Cách đây không lâu, Quân theo bạn qua tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), làm việc bằng con đường chui.

Để gia đình tin tưởng, nhóm người giấu mặt đã gửi hình ảnh anh Quân bị trói chặt tay, bên cạnh là một số người vẻ mặt hung dữ đang làm nhiệm vụ canh giữ. Bà Hương cho biết, mặc dù nhóm người này yêu cầu không được trình báo cơ quan công an, nếu không tính mạng con trai sẽ bị đe dọa, anh Quân lại đi xuất khẩu lao động theo con đường bất hợp pháp, nhưng vì gia cảnh quá khó khăn nên vợ chồng bà quyết định cầu cứu đến công an.

Tình trạng lao động chui qua Trung Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy. Ở Tương Dương, thậm chí có hàng chục trẻ được sinh ở Trung Quốc từ những lao động chui này nhưng sau đó gửi về quê mẹ sinh sống.  Ảnh: Tiến Hùng
Tình trạng lao động chui qua Trung Quốc đang gây ra nhiều hệ lụy. Ở Tương Dương, thậm chí có hàng chục trẻ được sinh ở Trung Quốc từ những lao động chui này nhưng sau đó gửi về quê mẹ sinh sống. Ảnh: Tiến Hùng

Công an huyện Quỳnh Lưu sau đó đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, liên hệ với lực lượng chức năng Trung Quốc điều tra, xác minh; đồng thời phối hợp, hướng dẫn gia đình trì hoãn việc chuyển tiền để thương lượng với các đối tượng nhằm khai thác thêm thông tin. Tuy nhiên, 4 ngày sau đó, lợi dụng sự sơ hở của các đối tượng, anh Nguyễn Hữu Quân đã trốn thoát khỏi nơi giam giữ và tìm đường trở về Việt Nam. Ngay sau khi về nước, anh Quân đã tìm đến cơ quan công an để trình báo toàn bộ sự việc.

Trước đó, ngày 30/5, Công an huyện Quỳnh Lưu cũng tiếp nhận tin báo của ông Hồ Hữu Tuân (53 tuổi, xã Quỳnh Thanh) về việc con trai ông là Hồ Hữu Thanh (25 tuổi), đang lao động bất hợp pháp tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì bị một nhóm gồm 5 đối tượng người Việt Nam bắt cóc và yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc 250 triệu đồng. Lo sợ cho tính mạng của con trai, ông Tuân đã chuyển khoản đủ số tiền mà các đối tượng yêu cầu.

Sau khi chuyển tiền, các đối tượng đã thả tự do cho anh Thanh và đến nay, do áp lực nợ nần nên anh Thanh vẫn đang ở lại lao động “chui” tại một nhà máy gỗ ở tỉnh Quảng Đông.

Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến trung tuần tháng 7, Công an Nghệ An đã tiếp nhận 4 đơn trình báo của các công dân với nội dung có người thân trong gia đình đi lao động tại Trung Quốc, bị một số người Việt Nam bắt giữ, đe dọa. Trong số này, có những trường hợp sau khi gia đình chuyển tiền thì các đối tượng thả tự do cho nạn nhân. Nhiều người vì hoảng sợ, lo lắng nên cũng đã nhanh chóng bỏ về Việt Nam vì sợ sẽ trở thành nạn nhân trong các lần tiếp theo. Nhưng cũng có một số nạn nhân không trở về Việt Nam mà tìm cách ở lại để kiếm tiền trả nợ.
Hàng nghìn lao động bất hợp pháp

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay trên địa bàn Nghệ An có hơn 3.000 phụ nữ đi lao động, xuất khẩu bất hợp pháp sang Trung Quốc, trong đó có hơn 400 trường hợp kết hôn bất hợp pháp với người bản địa tại quốc gia này.

Con số này tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, trong đó riêng huyện Quỳ Châu, năm 2018 có 276 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội việc làm. Con số này của 6 tháng đầu năm 2019 là 113 người.

Tại huyện biên giới Tương Dương, tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện có 2.928 người đi lao động tự do, bất hợp pháp ở nước ngoài, trong đó phần lớn là ở Trung Quốc.

Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An cho biết, chỉ riêng trong năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.800 trường hợp lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đơn vị đã xử lý hành chính 422 trường hợp, chủ yếu qua Lào và Trung Quốc.


Anh Quân đến Công an Quỳnh Lưu trình báo vụ việc mình bị đồng hương bắt cóc. Ảnh: Tiến Hùng
Anh Quân đến Công an Quỳnh Lưu trình báo vụ việc mình bị đồng hương bắt cóc. Ảnh: Tiến Hùng

Trước thực trạng ngày càng nhiều người dân ở Nghệ An xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn khu vực biên giới, mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn thông báo với tỉnh Nghệ An về tình hình gia tăng việc xuất, nhập cảnh trái phép của công dân Nghệ An sang Trung Quốc lao động, làm thuê, tham gia vận chuyển hàng hóa qua đường mòn biên giới.

6 tháng năm 2019, tại tỉnh Lạng Sơn có khoảng 3.400 lượt người xuất cảnh trái phép, tăng 1.300 lượt người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phía Trung Quốc đã bắt và trao trả gần 500 người, đẩy trở lại 210 người.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho hay, để chủ động đấu tranh phòng ngừa với loại tội phạm này, Công an Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt thông báo thủ đoạn phạm tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản.

Tuyên truyền, vận động nhân dân không đi XKLĐ bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là ở các nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như Trung Quốc, Đài Loan. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, thống kê số công dân đang đi XKLĐ bất hợp pháp tại Trung Quốc để kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm nêu trên cho thân nhân, gia đình biết, phối hợp đấu tranh, phòng ngừa.

Mới nhất

x
Lao động trái phép xứ người bị chính đồng hương bắt cóc, tống tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO